Suốt những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu, trong số những người lính đã hy sinh có nhiều nhà văn, nhà thơ. Vừa cầm súng chiến đấu vừa sáng tác văn học, trước khi vĩnh viễn hòa vào với đất, họ đã sống những tháng ngày thật đẹp và để lại những trang viết giàu giá trị cho hậu thế. Nhà văn, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân – liệt sĩ Nguyễn Thi là một người như thế!
Nhà văn Nguyễn Thi (còn có bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn) tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, sinh ngày 16-5-1928, quê ở làng Quần Phương Thượng (nay là xã Hải Anh, huyện Hải Hậu) – một vùng đất nổi tiếng truyền thống khoa bảng và văn học. Cha ông là một nhà nho, sống bằng nghề dạy học ở làng. Mẹ ông là công nhân nhà máy Dệt Nam Định, đồng thời là cơ sở của chi bộ Đảng Nhà máy. Mới hai tuổi, Nguyễn Thi đã phải theo mẹ vào tù do cơ sở cách mạng bị khủng bố sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. 15 tuổi ông vào Sài Gòn mưu sinh và tự học. Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông hăng hái tham gia vào đội du kích xã Thới Tứ (Hóc Môn), vào đơn vị cảm tử quân đầu tiên của Sài Gòn (trung đội Nguyễn Bình). Do có tố chất nghệ sĩ nên ông được giao làm công tác tuyên huấn, đội trưởng đội văn công. Ông hăng say viết, vẽ tranh, soạn bài hát, dựng điệu múa… cho văn công phục vụ các đơn vị bộ đội.
Nguyễn Thi được biết đến với tư cách là một nhà văn nhưng ông bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình lại bằng làm thơ. Đó là khoảng thời gian từ năm 1946 đến năm 1953, ông sáng tác được trên một trăm bài thơ và hầu hết các bài thơ đó được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Về sau, Nguyễn Thi tập hợp những bài thơ đó vào hai tập, trong đó đáng chú ý hơn cả là tập đầu tiên Hương đồng nội (1950). Ông ghi lại những điều tai nghe, mắt thấy bằng những câu thơ tả chân. Đây là bài thơ Chợ, liệt kê những sản vật của một vùng du kích, mới bước vào thời chiến tranh nên chưa đến nỗi thiếu thốn:
“Đây bầu, bí phơi mình xanh, trắng mập/ Đó thúng cà tim tím bóng soi nhau/ Gánh khoai lang vàng, đỏ rộn lên màu/ Cây cải biếc khoe mình râu trắng nõn/ Cá vùng vẫy gương đều vây lởm chởm/ Tôm khô hiền ngoan ngoãn lặng nằm yên/ Cột hai chân, gà mái đứng im lìm/ Trong lồng nhỏ, lũ gà con lên tiếng/ Những trái bưởi chụm đầu nhau nói chuyện/ Treo trên cành buồng chuối muốn hôn nhau…”.
Còn đây là những câu thơ phác hoạ khung cảnh ở một đơn vị sau trận thắng với vẻ bỡ ngỡ, vụng về đáng yêu của anh lính trong buổi đầu của cuộc kháng chiến:
“Bốn năm anh khiêng một cỗ súng dài/ Ráng hết sức vẫn phì hơi, trợn mắt/ Anh du kích quá mừng nên lật đật/ Dây đạn dài lấy được quét sau chân…”.
(San bằng khu tạm chiếm)
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Nguyễn Thi tập kết ra Bắc và về công tác tại Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Đây là giai đoạn ông chuyển hẳn sang sáng tác văn xuôi với bút danh Nguyễn Ngọc Tấn, cho ra đời một số truyện ngắn được dư luận chú ý như Im lặng, Đôi bạn, Trăng sáng… Vẫn là sự chân thực và tinh tế trong quan sát, miêu tả cùng chất hóm hỉnh trong giọng điệu như những bài thơ viết trong thời kỳ kháng chiến ở Nam Bộ, Nguyễn Thi đã dần dần chiếm được tình cảm của người đọc cả nước. Tuy nhiên khát vọng được trực tiếp cầm súng chiến đấu và nỗi nhớ thương vợ con (nhà văn có một người con gái ở Sài Gòn mà khi ông ra Bắc, vợ ông mới đang mang bầu) luôn thôi thúc ông trở lại Nam Bộ. Và thế là năm 1962, ông đã trở lại miền Nam. Đây là đợt “đi B” đầu tiên của các nhà văn quân đội. Dù đảm trách cương vị Tổng biên tập Tạp chí nhưng ông thường xuyên xuống các đơn vị để cùng chiến đấu, sinh hoạt với bộ đội. Chính vì vậy, những trang văn của Nguyễn Thi luôn đầy hơi thở cuộc sống chiến đấu và bám sát tình hình chiến sự.
Qua Đại hội Anh hùng các LLVT Giải phóng miền Nam lần thứ nhất (1965), Nguyễn Thi đã ghi dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp văn chương của mình bằng truyện kí Người mẹ cầm súng viết về nữ anh hùng du kích Nguyễn Thị Út (Út Tịch) ở Trà Vinh. Ngay sau đó, tác phẩm được trao Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu (Giải thưởng của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). Ở truyện kí này, Nguyễn Thi đã thành công trong việc khắc hoạ chân dung người phụ nữ miền Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” với câu nói nổi tiếng “Còn cái lai quần cũng đánh”, … Ngoài truyện kí trên, tên tuổi của ông còn gắn liền với những tác phẩm tiêu biểu khác như: Dòng kinh quê hương (tuỳ bút), Những sự tích ở đất thép (truyện kí), Mẹ vắng nhà, Những đứa con trong gia đình, Chuyện xóm tôi (truyện ngắn)…
Có thể nói, Nguyễn Thi đã làm việc không biết mệt mỏi và đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 diễn ra sôi nổi khắp các chiến trường Miền Nam, Nguyễn Thi đang viết dở tiểu thuyết Ở xã Trung Nghĩa và truyện kí Ước mơ của đất (viết về nữ Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh ở Long An). Mặc dù được phân công ở lại bảo vệ doanh trại nhưng Nguyễn Thi nhất quyết xin bám theo các đơn vị chiến đấu thọc sâu vào nội thành Sài Gòn.
Tháng 5 năm 1968, Nguyễn Thi mang theo bản thảo hai tác phẩm đang viết dở dang, tham gia chiến đấu trong đội hình của Đoàn 10 đánh vào phía tây nam Sài Gòn. Đơn vị của Nhà văn Nguyễn Thi đã chiến đấu suốt năm ngày năm đêm trên tuyến đường Minh Phụng. Đến đêm 9 tháng 5, đơn vị của ông bị thiệt hại khá nặng, chỉ còn mười tay súng mà không kịp rút lui. Sáng ngày 10-5, diễn ra cuộc chống phản kích của ta trước binh lực địch mạnh hơn gấp bội. Mười tay súng đã chiến đấu ngoan cường, chỉ một vài đồng chí thoát được ra ngoài vòng vây. Nguyễn Thi bị trúng một mảnh đạn, vết thương ở phổi rất nặng nên hy sinh ngay sau đó. Nhà văn ngã xuống ở nơi không xa chỗ con gái của ông, chị Trang Thu (con gái ông với người vợ đầu – nhạc sĩ Bình Trang) đang mong mỏi từng ngày được thấy mặt cha! Cái ước mong cháy bỏng của ông là được nhìn thấy mặt con gái mãi mãi không bao giờ thành hiện thực!…
Để ghi nhận những đóng góp Nhà văn – Liệt sĩ Nguyễn Thi cho nền văn học nước nhà, ngày 1-9-2000, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (về văn học nghệ thuật) cho ông với các tác phẩm viết về miền Nam yêu dấu: Người mẹ cầm súng, Trăng sáng, Đôi bạn, Ở xã Trung Nghĩa. Ngày 15-11-2011, ông được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tên ông (bút danh Nguyễn Thi) được đặt cho nhiều đường phố ở nhiều địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh (tuyến đường nơi ông ngã xuống), Đà Nẵng, Quy Nhơn, Lào Cai, Nam Định… Nhà văn Nguyễn Thi đã anh dũng ngã xuống trong tư thế của một chiến sĩ Giải phóng quân cách đây năm mươi lăm năm khi ông tròn bốn mươi tuổi, khi tài năng đang độ chín./.
Đàm văn nghệ