Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị không được để xảy ra tình trạng học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng không phục vụ học tập và không được giáo viên cho phép. Trước Hà Nội, một số địa phương trên cả nước cũng đã ban hành quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.
Văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ, qua theo dõi thực tế, phản ánh của các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường còn nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Trưởng phòng GD&ĐT, các hiệu trưởng và cơ sở giáo dục thực hiện quy định sử dụng điện thoại di động mà Bộ GD&ĐT đã ban hành ngày 15/9/2020.
Cụ thể, tùy điều kiện thực tế, ban giám hiệu và các giáo viên nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp. Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được sự đồng ý của giáo viên, học sinh được phép mang điện thoại di động và thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng. Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị không được để xảy ra tình trạng học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng không phục vụ học tập và không được giáo viên cho phép. Đồng thời đề nghị gia đình và phụ huynh học sinh đồng hành cùng thầy cô và nhà trường trong việc quản lý, nhắc nhở học sinh sử dụng điện thoại di động và các thiết bị ghi âm, ghi hình khác ở trường học một cách phù hợp, hiệu quả…
Điều đáng nói là trước khi quy định này được ban hành, từ nhiều năm nay, một số trường học tại Hà Nội đã cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, trong giờ học. Tại Trường THCS Thanh Liệt, Thanh Trì (Hà Nội), việc cấm tuyệt đối học sinh sử dụng điện thoại trong trường học được Ban giám hiệu phổ biến tới phụ huynh học sinh ngay từ đầu năm học mới và quy định này cũng được phụ huynh học sinh đồng thuận. Và để tạo thuận lợi cho học sinh trong những tình huống đột xuất, cần liên hệ với gia đình, nhà trường bố trí một số máy điện thoại cầm tay ở phòng giám thị để các con có thể gọi về cho bố mẹ khi cần thiết.
Ở bậc THPT, thay vì cấm tuyệt đối, nhiều trường học cấm học sinh sử dụng điện thoại khi vào giờ học. Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) vào đầu giờ sáng, mỗi học sinh sẽ bỏ điện thoại cá nhân vào chiếc hòm quản lý chung của lớp, cán bộ lớp có nhiệm vụ giám sát việc này. Bên cạnh đó còn có thầy cô giám thị thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm; tránh trường hợp học sinh quên hoặc cố tình không cất dẫn đến mất tập trung trong giờ học. Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cũng không cho phép học sinh sử dụng điện thoại khi đã vào tiết học. Việc quản lý điện thoại được tiến hành bằng cách mỗi lớp chuẩn bị sẵn một chiếc hộp, học sinh trước khi vào lớp sẽ được nhắc nhở để điện thoại ở chế độ yên lặng và lần lượt bỏ điện thoại vào đó, tránh ảnh hưởng đến chất lượng giờ học.
Theo lãnh đạo các nhà trường, việc cấm học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học chủ yếu để rèn nhận thức, ý thức, hướng đến tinh thần tự giác của học sinh. Trường hợp học sinh vi phạm, nhà trường không áp dụng ngay những biện pháp xử lý cứng nhắc mà linh hoạt, phối hợp với gia đình trong giáo dục các em tuân thủ quy định. Ngoài ra, để giúp học sinh thích nghi và hình thành một thói quen mới, song song với việc nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại, nhà trường cũng tính toán tạo thật nhiều sân chơi, hoạt động đa dạng, theo nhu cầu của học sinh để làm sao thu hút được các em tham gia trong giờ ra chơi…
Thực tế cho thấy, quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng dựa trên một số khuyến cáo mà các tổ chức của Liên hợp quốc đưa ra, trong đó có UNESCO. Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 của UNESCO đã dẫn kết quả một nghiên cứu về giáo dục từ mầm non đến đại học ở 14 quốc gia cho thấy, điện thoại thông minh khiến học sinh mất tập trung vào việc học. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng học sinh có thể mất tới 20 phút để tập trung lại vào những gì đang học sau khi bị phân tâm vì sử dụng thiết bị này. Việc sử dụng điện thoại di động quá mức cũng tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ em.
Đáng nói hơn, việc loại bỏ điện thoại thông minh khỏi các trường học ở Bỉ, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh… đã giúp cải thiện kết quả học tập của học sinh, đặc biệt là những em vốn không có thành tích tốt. Đó cũng là lí do UNESCO cho rằng các quốc gia nên cấm học sinh dùng điện thoại ở trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên không gian mạng.
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/nha-truong-noi-gi-ve-quy-dinh-cam-hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-trong-gio-hoc–i747025/