Không quyên góp từ học sinh và phụ huynh để mua sắm máy móc, đồ dùng dạy học cho cán bộ quản lý, giáo viên
Năm 2011, Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định rõ những nội dung mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp từ học sinh và phụ huynh.
Một là “các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện”.
Hai là “các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh”.
Những khoản “cấm” ủng hộ này được liệt kê chi tiết, trong đó có “mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường”.
Như vậy, chiếc máy laptop của giáo viên dù phục vụ cho việc dạy học nhưng ban phụ huynh không được quyên góp cho cá nhân cô giáo.
Không vận động tài trợ để chi các khoản liên quan trực tiếp tới cán bộ quản lý, giáo viên
Năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 16, quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục công lập. Thông tư này nêu rõ các nội dung về vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho trường học.
Cụ thể, nhà trường được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục.
Ngược lại, nhà trường không được vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy và các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên.
Các nội dung không được xã hội hóa khác còn có: thù lao cho các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.
Thông tư 16 cũng không có nội dung nào cho phép cá nhân giáo viên được huy động xã hội hóa.
Việc huy động xã hội hóa phải do nhà trường đứng ra lập kế hoạch căn cứ trên kế hoạch năm học và dự toán ngân sách được nhà nước giao.
Kế hoạch vận động tài trợ phải được báo cáo phòng giáo dục và đào tạo hoặc sở giáo dục và đào tạo phê duyệt, sau đó được công bố, niêm yết công khai tại trường.
Về hình thức tài trợ, Thông tư 16 quy định nhà tài trợ chuyển tiền mặt cho nhà trường qua tài khoản ngân hàng của trường hoặc chuyển giao hiện vật.
Việc chuyển tiền qua tài khoản cá nhân của cán bộ quản lý hay giáo viên không nằm trong quy định.
Thông tư 16 cũng nêu rõ: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân và thủ trưởng cơ sở giáo dục nhận tài trợ thực hiện quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ trái với quy định tại Thông tư này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
“Ban phụ huynh quyên góp mua laptop cho giáo viên không nằm trong quy định”
Vừa qua, tại Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TPHCM), một giáo viên chủ nhiệm lớp 4 đã xin phụ huynh tiền mua laptop. Chiếc máy cô định mua có giá hơn 11 triệu đồng, cô xin phụ huynh 6 triệu đồng từ tiền quỹ ban phụ huynh, số còn lại cô tự bù.
Sau đó, do có 3 phụ huynh không đồng ý, giáo viên đã không nhận chiếc máy tính này.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội nhận định: “Việc Ban phụ huynh quyên góp tiền của các phụ huynh khác để mua laptop cho cá nhân giáo viên không nằm trong quy định”.
Theo vị hiệu trưởng này, chiếc máy tính là trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục.
Tùy theo từng trường hợp cụ thể, nhà trường có thể được phép huy động xã hội hóa để tài trợ máy tính cho lớp học, cho các phòng chức năng phục vụ việc giảng dạy và học tập của học sinh.
“Tuy nhiên, tài sản được huy động xã hội hóa đó là tài sản của tập thể. Việc huy động xã hội hóa từ phụ huynh để tài trợ cho cá nhân giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý của nhà trường không có trong văn bản, thông tư hướng dẫn nào của ngành giáo dục”, hiệu trưởng cho biết.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nha-truong-co-duoc-xa-hoi-hoa-de-phu-huynh-mua-may-tinh-cho-co-giao-20241001093256344.htm