Tuy lượng khách tăng, Nha Trang đang thiếu chỗ chơi cho người trẻ.
Ảnh: Xuân Hoát. |
Thời tiết vào ngày lễ thứ hai không quá oi bức như ngày đầu tiên. Dịp lễ 30/4 năm nay Nha Trang không đông khách như thời điểm trước đại dịch Covid-19, nhưng ngành du lịch tại đây đang có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Nha Trang kẹt xe lần đầu sau dịch
Theo khảo sát, vào sáng 30/4, du khách bắt đầu đổ về Nha Trang. Nhiều trục đường chính của thành phố biển như Trần Phú, Hoàng Diệu, Hùng Vương kẹt xe kéo dài hàng km.
Từ 9h, đường biển Trần Phú hàng trăm ôtô kẹt cứng từ đoạn trung tâm thành phố đến cầu cảng Vinpearl. Đến 11h, tình hình kẹt xe càng nghiêm trọng, hàng dài ôtô dài hơn 4 km nhích từng mét.
“Ra khỏi khách sạn lúc 9h, mà đến gần 10h mới đi đến gần cảng với quãng đường hơn 2 km. Thời tiết khá nắng nên mấy cháu nhỏ than mệt”, chị Hà, du khách từ Hà Nội, nói.
Đường Trần Phú kẹt xe kéo dài trưa 30/4. Ảnh: Xuân Hoát. |
Kẹt xe kéo dài nên nhiều du khách thanh toán tiền taxi, xe dịch vụ để đi bộ bất chấp nắng nóng. “Tra Google Maps thấy còn khoảng một km nên gia đình quyết định đi bộ, chứ ngồi trên taxi không biết khi nào đến cầu cảng”, anh Hà Hùng, du khách đến từ Đắk Lắk, nói.
Do tình trạng kẹt xe kéo dài, Công an tỉnh Khánh Hòa và Công an TP Nha Trang đã điều lực lượng ra đường Trần Phú và các đường giao cắt điều tiết giao thông, hướng dẫn người dân, du khách di chuyển.
“Du khách đi xe cá nhân đến Nha Trang du lịch, cộng thêm thời tiết nắng nóng, họ chọn đi tour biển đảo có thể là nguyên nhân xảy ra kẹt xe trên đường Trần Phú”, một CSGT nhận định.
Nhiều người dân Nha Trang cũng tỏ ra bất ngờ, chen lấn thích thú vì rất lâu rồi Nha Trang mới xảy ra kẹt xe du khách đến nghỉ dưỡng.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa, đường Trần Phú chỉ kẹt xe chiều từ trung tâm xuống cảng Vinpearl, bến cảng du lịch Nha Trang. Đến khoảng 13h tình trạng kẹt xe không còn và không xảy ra trường hợp vi phạm nào.
Theo ông Trần Văn Phú, Trưởng bến tàu du lịch Nha Trang, cho biết ngày 30/4, có gần 8.400 du khách đi tàu tham quan các tour biển đảo.
Theo ông Phú, so với lễ 30/4 năm ngoái, khách dịp này tăng 43%, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 18%, chủ yếu khách Trung Quốc và Hàn Quốc.
Chia sẻ với Zing về lý do lựa chọn Nha Trang cho kỳ nghỉ này, du khách Mỹ Linh (29 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết Nha Trang là địa điểm phù hợp với ngân sách của cô cho hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, bãi tắm tương đối đẹp, giá phòng khách sạn đa dạng. Còn về ăn uống, du khách này không lựa chọn những hàng quán nằm ở mặt tiền đường Trần Phú để tránh tình trạng chặt chém.
“Đây là lần thứ 3 tôi đến Nha Trang nên khá quen thuộc đường sá nơi đây. Lần trở lại này tôi thấy có khá nhiều khách sạn mọc lên với đa dạng mức giá cho du khách lựa chọn, vì thế chi phí khách sạn không còn là nỗi lo của tôi khi đến Nha Trang dịp này”, Mỹ Linh nói và cho biết rút kinh nghiệm lần trước đến Nha Trang, cô chọn các quán hải sản nằm sau trục đường Trần Phú để tiết kiệm chi phí.
Rẻ hơn trước dịch nhưng thiếu chỗ chơi
Khác với Mỹ Linh, du khách Ngọc Mai (25 tuổi, ngụ An Giang) cho biết rất háo hức khi chọn Nha Trang để nghỉ dưỡng dịp lễ vì đây là đầu du khách này đến với phố biển.
Tuy nhiên, sau một ngày rong ruổi các con đường, đến một số địa điểm, Ngọc Mai cho biết Nha Trang không có nhiều chỗ để chơi.
“Dù đến Nha Trang từ 29/4, tôi chưa tìm được chỗ vui chơi phù hợp ngoài hoạt động tắm biển và khu giải trí”, du khách này chia sẻ và mong muốn Nha Trang cần có nhiều địa điểm, hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn hơn, nhất là cho người trẻ.
“Những địa điểm nổi tiếng như nhà thờ Núi, tháp Trầm Hương nổi tiếng nhưng khi đến tham quan lại không tạo cảm giác hứng thú như ban đầu”, Ngọc Mai chia sẻ thêm.
Du khách tắm biển Nha Trang giải nhiệt vì thời tiết khá oi bức. Ảnh: Xuân Hoát. |
Qua khảo sát, nhiều du khách cho biết vẫn thích Nha Trang vì có biển đẹp và tour tham quan biển đảo hấp dẫn. Đặc biệt, Nha Trang giờ không còn “đắt đỏ” như cách đây 3-4 năm.
Du khách Ánh Dương (35 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) cho biết ghé thăm Nha Trang cùng gia đình và hội bạn dịp lễ này. Anh cho biết giá cả tại Nha Trang “mềm” hơn thành phố biển khác, như Phan Thiết, Phú Quốc…
Cũng theo anh Dương, bạn bè đa phần đều đã có con nhỏ nên hoạt động tắm biển hay tham quan nhẹ nhàng tại xứ Trầm Hương đều được lòng mọi người. Tuy nhiên, địa điểm công cộng như quảng trường 2 Tháng 4 vẫn tồn tại nhiều người dân thả diều, bán hàng rong làm ảnh hưởng đến người xung quanh, nhất là trẻ nhỏ.
“Bạn bè tôi mỗi người ở một nơi nên chúng tôi quyết định chọn Nha Trang vì đây là địa điểm ở giữa. Tôi ở một khách sạn nằm trên đường Tôn Đản, giá một triệu đồng/đêm tương xứng với chất lượng dịch vụ, nhất là rất gần biển”, anh Dương vui vẻ nói.
Tương tự, Gulnara (27 tuổi, du khách Nga) bày tỏ sự thích thú khi bãi biển ở Nha Trang có nhiều gánh hàng rong với đa dạng đồ ăn vặt, khác hoàn toàn ở Nga.
“Ở Nga, khi đi biển người dân phải mang theo đồ ăn giống như đi dã ngoại, nhưng ở đây thì khác. Hầu như mọi người không đem đồ ăn theo, họ chỉ ngồi một chỗ và sẽ có người đến mời chào đồ ăn”, Gulnara chia sẻ, nhưng anh cũng cho rằng nhiều khi khá bất tiện vì đang nằm nghỉ trưa trên cát thì bị những người bán hàng làm phiền mời chào mua đồ.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.