Hội thảo khoa học “Thành phố biển Nha Trang – Khánh Hòa phồn vinh hạnh phúc” có 18 tham luận của các chuyên gia về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng, quy hoạch…
Phát triển theo mô hình TOD
Tại hội thảo, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết chiến lược phát triển Nha Trang bền vững cần đi theo quy hoạch phát triển đô thị TOD (Transit Oriented Development, là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) nhà cao tầng – không gian ngầm.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn đưa ra 10 định hướng chiến lược phát triển Nha Trang bền vững.
Cụ thể, phát triển Nha Trang gắn với phát triển mạng lưới giao thông công cộng theo mô hình TOD trong mối liên kết đa trung tâm và liên kết vùng; khuyến khích xây dựng nhà cao tầng trong vùng ảnh hưởng của các tuyến giao thông công cộng và metro;
Ưu tiên phát triển các trục TOD cao tầng theo hướng đông – tây với tầm nhìn thoáng mở về phía sông biển; tập trung nguồn lực để phát triển tuyến đô thị metro chiến lược TOD quan trọng hàng đầu tương lai trên trục đường Võ Nguyên Giáp;
Lập định hướng chiến lược, quy định quản lý cho việc phối hợp phát triển không gian ngầm kết nối các công trình cao tầng và công trình hạ tầng trong khu trung tâm mới (sân bay cũ) Nha Trang; chỉnh trang và phát triển khu đô thị ven sông hai bên sông Cái theo mô hình TOD.
Ngoài ra, vận động cơ chế đặc thù cho Nha Trang để phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng theo mô hình TOD; tận dụng hạ tầng hệ thống đường sắt, nhà ga cũ để chỉnh trang thành khu đô thị tuyến giao thông công cộng đường sắt nhẹ…
Xây dựng một “Nha Trang biển, đảo”
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi hướng sự chú ý đến giải pháp quản lý, khai thác vùng biển, đảo Nha Trang hiệu quả, bền vững.
Theo ông Hồi, có thể nói, Nha Trang thực sự hội tụ các yếu tố của một đô thị biển đẹp quyến rũ, đáng sống và giàu tiềm năng phát triển. Đặc biệt, trong hoạch định chiến lược và kế hoạch phát triển, không thể chia cắt mối liên kết chặt chẽ giữa hai mảng không gian đô thị – biển, đảo.
Do đó, cần tiếp tục đổi mới tư duy và tầm nhìn phát triển; phát huy các giá trị biển, đảo mà thiên nhiên ưu đãi để xây dựng không chỉ một “Nha Trang đất liền”.
Theo ông Hồi, cần phải xây dựng một “Nha Trang biển, đảo” bền vững nữa.
Ông Hồi cho rằng cần kiểm soát hiệu quả các nguồn phát thải, các loại chất thải từ đất liền và trên đảo đổ vào vùng biển Nha Trang. Đặc biệt là chất thải nguy hại, chất thải rắn cũng như các vật, chất chìm xuống biển.
Bảo tồn nguồn vốn tự nhiên biển để phát triển kinh tế biển xanh gắn với phát huy các giá trị văn hóa biển đặc trưng; phục hồi các hệ sinh thái tiêu biểu trong vùng biển, đảo Nha Trang đã bị suy thoái, suy giảm diện tích (rạn san hô, thảm cỏ biển).
Hướng đến thành phố sáng tạo
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn – giám đốc Diễn đàn toàn cầu Boston, đồng sáng lập Sáng kiến Xã hội trí tuệ nhân tạo – đưa ra giải pháp xây dựng Nha Trang là thành phố sáng tạo toàn cầu.
Theo ông Tuấn, để Nha Trang trở thành thành phố sáng tạo toàn cầu cần xây dựng được hệ sinh thái sáng tạo công nghệ, văn hóa nghệ thuật; tạo ra những sản phẩm sáng tạo tiên phong, giá trị mới trong xã hội trí tuệ nhân tạo – kỷ nguyên khai sáng toàn cầu; tụ hội những nhà sáng tạo hàng đầu, những nhân vật tinh hoa.
Cụ thể, xây dựng AIP của Đại học Thông tin liên lạc Nha Trang làm hạt nhân, sáng tạo những giá trị đặc sắc, độc đáo, tạo dựng sáng kiến, sản phẩm sáng tạo tiên phong, sự kiện văn hóa tạo giá trị mới;
Tụ hội các nhà tư tưởng, nhà sáng tạo tinh hoa của thế giới đến với Nha Trang; xây dựng hạ tầng y tế, giáo dục tiên tiến để những nhà sáng tạo tinh hoa về sống và làm việc ở đây.