Với 50 năm sự nghiệp cầm bút, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung đã cho ra đời hàng trăm bài báo, hàng chục tác phẩm thơ, 7 truyện ký và 4 cuốn tiểu thuyết, trong đó có 2 cuốn được tái bản, 1 cuốn được đọc trên đài phát thanh và 1 cuốn được giới thiệu trên VTV Chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách”.
Đặc biệt 110 bài thơ viết về vị tướng tài hoa của dân tộc của bà được trưng bày tại Triển lãm “Theo dấu chân đại tướng” nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuộc triển lãm ấy đã để lại vô cùng nhiều ấn tượng trong lòng độc giả và đến được với rất nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc. Tại Hà Nội được tổ chức 2 lần, Điện Biên Phủ 1 lần, Quảng Ninh 1 lần, Quảng Bình 1 lần và tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tại buổi lễ, bà Mạc Hoa – nguyên là lớp trưởng của lớp cấp 3 Đoàn Kết chia sẻ, cách đây hơn nửa thế kỷ, trường cấp ba ngày ấy nay là Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội có một lớp học rất đặc biệt – lớp toàn con gái. Việc thành lập lớp toàn con gái nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc học nghề thêu do cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung làm chủ nhiệm.
Bà Mạc Hoa bày tỏ, cô Dung là người mẹ thứ hai luôn yêu thương sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm và luôn dạy dỗ, trau dồi, trang bị những kiến thức làm hành trang cho học sinh vào đời. Những năm qua, các bạn học sinh ngày ấy như những cánh chim bay đi khắp mọi miền, mặc dù điều kiện hoàn cảnh cuộc sống của mỗi người có khác nhau nhưng mọi người đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một công dân đối với Tổ quốc.
“Ngày ấy mái đầu chúng con còn xanh, nay đều đã điểm bạc, đã trở thành bà nội, bà ngoại của các cháu những mầm non tương lai của đất nước, gặp lại cô chúng con rất vui mừng, xúc động và tự hào khi thấy ở tuổi 85, cô vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn và tràn đầy nhiệt huyết, vẫn cống hiến những dòng thơ văn yêu quê hương, đất nước, con người và cuộc sống”, bà Mạc Hoa chia sẻ.
Nhắc về sự nghiệp của mình, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung cho rằng, nghiệp giáo, nghiệp viết báo, nghiệp làm thơ, viết văn khép lại với nhau thành một hình tròn đầy đặn.
Bà tâm sự: “Khi tôi 60 tuổi, học trò cũ của tôi ở cấp 3 Hải Hậu và cấp 3 Đoàn Kết đã làm cho tôi cuốn sách ghi lại cảm xúc của học trò, của bạn học, thầy giáo và cả gia đình đối với tôi. Học trò cũng đã giúp tôi làm một cuộc triển lãm – tôi coi đó là một tấm lòng lớn về truyền thống tôn sư trọng đạo không những dành cho tôi mà còn dành cho tất cả những thầy cô giáo đã và đang đứng trên bục giảng”.
Với niềm yêu nghề viết, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung chọn viết rất nhiều về người tài và những sự kiện lớn của đất nước, bà có hàng trăm bài báo về những nhân vật tài trí Việt Nam, tất cả được tập hợp trong 7 cuốn ký. Trong mỗi bài viết đó, là nỗi niềm tri ân ngưỡng mộ, kính phục của bà tới những con người tài hoa của đất nước. Bà mong muốn công chúng, bạn đọc biết đến tài trí và những công hiến của họ.
Những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung luôn có tính nhịp điệu, vần thơ của bà gần gũi với độc giả, được công chúng nhiệt tình đón nhận. 60 bài thơ của bà đã được phổ nhạc bởi những nhạc sĩ nổi tiếng.
“Tuổi 85 rồi, tôi vẫn có nhiều mong ước, mong các bạn tiếp tục đọc thơ, đọc truyện của tôi để hiểu, chia sẻ và cảm thông với tôi – để cho tôi cảm thấy mình vẫn được lao động, đang còn có ích trong đời sống này – đó là niềm hạnh phúc của tôi”, Nguyễn Thị Mỹ Dung bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung không chỉ là nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, nhà văn vô cùng tài hoa, bà còn là một người phụ nữ của gia đình hết mực yêu chồng thương con, những bài thơ là những tâm sự của bà muốn gửi gắm cho người bạn đời của mình. Bà tâm sự, vợ chồng bà sống trong một ngôi nhà nhỏ gồm nhiều thế hệ, nên họ ít nói chuyện với nhau bằng lời mà tâm sự chuyện trò bằng thư hoặc thơ.
“Em muốn anh là bông hoa tươi. Cho đời em thêm đẹp; Em muốn anh là trụ thép. Cho em tựa. Em nương; Em muốn anh là vầng trăng. Cho em khỏi bị chìm trong bóng tối; Em muốn anh đi thẳng đường ngay lối. Cho em sát kề vai…” . Nguyễn Thị Mỹ Dung nói bằng thơ, rồi đặt trong túi áo hay cuốn sổ ghi địa chỉ của chồng, để ông sẽ nhìn thấy. “Thơ của tôi, trước hết người đọc đầu tiên là chồng tôi”, bà nói.
Trong những tập thơ của bà, hơn hết là những bài thơ ca ngợi đất nước quê hương. Đi đến đâu bà cũng có nhũng vần thơ ghi lại những dấu ấn mình đã đặt chân tới. Đó có thể nét đẹp của quê cha, tình cảm với quê mẹ, hay nỗi niềm về một địa danh đã tạo nên duyên kiếp của cha mẹ bà.
Kết thúc chương trình, bà chia sẻ: “Một đời làm nhà giáo, viết báo, làm thơ, viết văn, được bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và công chúng yêu mến, tôi may mắn có được một hành trình mãn nguyện và hạnh phúc”!
Một số hình ảnh tại chương trình:
Hoà Giang – Sơn Hải