(LĐ online) – Ngày 1/7, Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chương trình “Thơ Hoài Vũ – Thì thầm với dòng sông” nhân dịp ra mắt tác phẩm tuyển chọn thơ – bài hát Thì thầm với dòng sông.
Nhà thơ Hoài Vũ ký tặng sách cho học sinh |
Không chỉ là một ra mắt sách thông thường, chương trình có ý nghĩa vinh danh những đóng góp to lớn của nhà thơ Hoài Vũ với đất và người Nam Bộ nói riêng, thơ ca Việt Nam nói chung. Trong không khí ấm cúng của chương trình, mọi người bất ngờ và xúc động khi biết đây là ra mắt sách đầu tiên trong gần 90 năm cuộc đời của ông.
• NHÀ THƠ ĐẶT TÊN NHỮNG DÒNG SÔNG NAM BỘ VÀO LÒNG NGƯỜI
Thì thầm với dòng sông là tập sách gom lại một số bài thơ đầy ắp kỷ niệm và một số nhạc phẩm được các nhạc sĩ tài hoa phổ thơ của tác giả Hoài Vũ. Trong đó nhiều sáng tác như Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Thì thầm với dòng sông, Hoàng hôn lặng lẽ (Tựa bài thơ được phổ nhạc bài hát Chia tay hoàng hôn)… của ông đã được các nhạc sĩ Trương Quang Lục, Thuận Yến, Phan Huỳnh Điểu… phổ nhạc, chắp cánh cho những vẫn thơ bay xa, có sức sống bền bỉ đi cùng năm tháng.
Thì thầm với dòng sông chính là tiếng lòng ngọt ngào, tình cảm của ông với người dân, bà con, những người thân yêu từng kề vai sát cánh, với vùng đất đã đi qua, với từng bụi mía, hạt gạo,… Những bài thơ, câu thơ được viết sau những cuộc chiến đấu gian nan, bên máu và nước mắt với những kỷ niệm không thể nào quên suốt cuộc đời cầm súng, cầm bút của nhà thơ Hoài Vũ.
Khi bài thơ Vàm Cỏ Đông của Hoài Vũ được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc, con sông Vàm Cỏ Đông của miền Đông Nam Bộ trở nên nổi tiếng với nhân dân cả nước. Những người tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường tỉnh Long An có lẽ không ai là không biết và yêu thích bài thơ Vàm Cỏ Đông. Từ bài thơ đó mà yêu mến nhà thơ Hoài Vũ – người nói hộ tấm lòng của những người con sống, chiến đấu bên sông Vàm Cỏ. “Vàm Cỏ Đông đây ta quyết giữ/ Từng mái nhà nép dưới rặng dừa/ Từng thửa ruộng ngời lên màu mỡ/ Từng mối tình hò hẹn sớm trưa” – Điệp khúc đầy khí thế nhưng cũng rất nồng nàn ấy có lẽ là liều vitamin cho tâm hồn có sức lan tỏa, thúc giục mạnh mẽ tinh thần những người cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương bên sông Vàm Cỏ, nơi chiến trường ác liệt vẫn ăm ắp tình đồng đội, tình người lúc bấy giờ.
Có nhiều giai thoại có thật quanh bài thơ – bài hát Vàm Cỏ Đông. Khi những cánh thư từ chiến trường miền Nam gửi ra miền Bắc, cậu lính trẻ viết rằng, con đang chiến đấu ở nơi mà bố mẹ nghe trên đài tiếng nói Việt Nam bài hát Vàm Cỏ Đông. Cũng có những người mẹ, người chị có con, em ngã xuống trên chiến trường miền Nam, bên dòng song Vàm Cỏ, nghe Vàm Cỏ Đông để được vơi chút những nỗi niềm trong lòng mình.
Khán giả và nhà thơ cùng hát vang ca khúc Vàm Cỏ Đông |
Nhà thơ Vũ Ân Thy từng chia sẻ, chuyện kể rằng, trong một buổi sinh hoạt văn nghệ, khi nghe nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung hát bài Anh ở đầu sông em cuối sông, nhà thơ Lưu Trọng Lư lấy khăn lau nước mắt. Rồi ông thầm đọc: “Ôi bát ngát chân trời miền Hạ/ Tím tình yêu tím cả ước mong/ Gió nhớ thương ai mà lay bờ lá/ Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng”… Nhà thơ Lưu Trọng Lư yêu lời thơ Hoài Vũ vì nơi này có đứa con thân yêu của ông đã hy sinh.
Giản dị thế thôi, đó là cách Hoài Vũ đã đi vào lòng người yêu thơ ca – yêu những chân thành có thật nhưng thật đằm sâu khi những lời thơ được viết sau những trải nghiệm bằng máu và nước mắt. Thơ Hoài Vũ cũng như con người, lấy cảm xúc chân thành làm thế mạnh. Con người ông hiền lành, ấm áp từ ánh mắt, nụ cười, tính cách,… thơ ông cũng vậy. Và điều ấy lí giải vì sao đọc thơ Hoài Vũ, càng đọc càng ngấm, nồng say.
• NHỮNG BẤT NGỜ VỀ NHÀ THƠ HOÀI VŨ
Nhà thơ Hoài Vũ chia sẻ, suốt 60 năm cầm bút của mình, đây lần đầu tiên trong đời ông có một buổi ra mắt sách. Chia sẻ của ông khiến nhiều người lặng đi vì xúc động: “Trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, chắc chắn tôi không thể quên được buổi sáng hôm nay. Buổi sáng đẹp trời, đẹp lòng người và tình người, ngọt ngào và hạnh phúc không dễ gì có đối với người cầm bút. Đây là món quà vô giá sẽ tiếp sức cho tôi tiếp tục đi tới trên con đường sáng tạo nghệ thuật và cũng nhắc tôi sống sao cho xứng đáng với tình yêu thương, sự tin cậy của mọi người”.
Đọc thơ Hoài Vũ thấy rất rõ tấm lòng người Nam Bộ, thấy rõ chất Nam Bộ trong từng câu thơ giàu tính nhạc, hiền lành, cởi mở. Nhiều người vẫn tưởng ông là nhà thơ Nam Bộ “thứ thiệt” và bất ngờ khi biết ông sinh ra và lớn lên ở miền Trung, vùng đất Quảng Ngãi anh hùng. Nhà thơ trải lòng: “Tôi tham gia cách mạng khi mới 11 tuổi, vào thiếu sinh quân, phục vụ Phòng Quân nhu, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, rồi tập kết ra Bắc. Tôi được bổ sung vào lực lượng làm đường sắt Hà Nội, Lào Cai, nhà máy chè Phú Thọ, thanh niên xung phong, cuốc đất, đắp đường, làm công trình thuỷ nông… Nhưng ngọn lửa tự học đốt cháy tôi. Vừa lao động, tôi vừa học văn hoá, vừa làm vừa học, mê học ngoại ngữ tiếng Trung… Năm 1962, tôi được tuyển vào khoa báo chí Tuyên giáo Trung ương. Học hết khoá, tôi được tăng cường cho báo chí miền Nam. Giữa năm 1963, tôi được tập trung tập luyện để vượt Trường Sơn vào Nam. Đoàn chúng tôi có Hồng Sến, Kim Chi, Mai Lộc, Trần Đình Vân (Thái Duy), Thanh Hương… Gần 4 tháng trời ròng rã, vượt bao hiểm nguy, gian khổ, những cơn sốt rét ác tính… cuối năm 1964, tôi về đến căn cứ Trung ương Cục miền Nam…”.
Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh ngày 25/8/1935 tại xã Đức Long, Hữu Đức, Quảng Ngãi, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông tham gia hoạt động văn học ở miền Nam trong những năm kháng chiến với các chức vụ: Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Ðịnh, ủy viên thường trực Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, Tổng Biên tập báo Văn nghệ giải phóng (Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam).
Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, ông lần lượt giữ cương vị: Ủy viên Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới (Hội Nhà văn Việt Nam), ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh), Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng…
|
Ông là một trong những văn nghệ sĩ có mặt xuyên suốt chiến trường chống Mỹ trong thời điểm gian khổ và ác liệt nhất nơi miền Đông máu lửa. Những con chữ được vết sau những lần thoát chết trong gang tấc vì mưa bom, phải đổi bằng máu, bằng trải nghiệm chiến trường của chính bản thân ông và đồng đội, được thấm từ tình đất lành, tình đồng bào đã hết lòng cưu mang, che chở. Nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống như: Lê Anh Xuân (1940 – 1968), Trần Hữu Trang (1906 – 1966), Nguyễn Thi (1928 – 1968), Lê Vĩnh Hòa (1933 – 1967)… Nhà văn Trầm Hương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Không chỉ có thơ, ngòi bút chiến sĩ của Hoài Vũ còn có những bút ký nóng hổi hơi thở chiến trường. Ít người biết thi phẩm “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân bắt đầu từ bài ký Tân Sơn Nhứt của ông đăng trên báo Văn nghệ Giải phóng”.
“Thơ Hoài Vũ dù viết ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng đằm thắm, cháy bỏng, thắm đượm tình yêu thiên nhiên và con người. Thơ ông thấm đẫm nỗi đau mất mát hy sinh nhưng không chất chứa hận thù mà vượt qua bóng tối của sự ích kỷ, tham lam… hướng tới tự do, bao dung, nhân ái. Những câu thơ dung dị, mộc mạc nhưng có sức lay động bao thế hệ. Đó là sự khác biệt tạo nên tầm quan trọng của Hoài Vũ trong nền thi ca Việt Nam”, ông Phan Hoàng nói.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, có thể đứng lùi xa hơn để nhìn toàn cảnh cuộc chiến tranh ở vùng đất đầy khốc liệt, bi thương nhưng rất anh hùng qua những câu thơ của Hoài Vũ. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ sự yêu kính, biết ơn sâu sắc vì những cống hiến thông qua các sáng tác của Hoài Vũ với nền văn học nước nhà. Ông cũng kỳ vọng nhà thơ Hoài Vũ sẽ tiếp tục sáng tác, mang đến tình yêu, lẽ sống,… để người đọc thấy cần bước tiếp trên con đường không ít bất trắc ở thời hòa bình.
Dù có nhiều tác phẩm đi vào lòng người, nhà thơ Hoài Vũ vẫn chưa được những giải thưởng lớn gọi tên. PGS.TS, nhà thơ Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long tự nhận mình là “hậu bối”, cũng cầm bút, cũng từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cũng bày tỏ sự yêu mến sâu sắc của mình với thơ của nhà thơ đàn anh và kỳ vọng nhà thơ Hoài Vũ sẽ sớm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh với những đóng góp của mình.
Nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, nhìn lại nền văn học Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, từ khi đất nước còn chìm trong lửa đạn chiến tranh, Hoài Vũ có một vị thế riêng biệt, đặc biệt là trong thi ca. Tay súng, tay bút ông luôn bám sát chiến trường Nam Bộ, kịp thời cho ra đời những bài thơ, truyện ngắn, bút ký nóng hổi, thơm hơi thở cuộc sống. Những trang viết của Hoài Vũ luôn đầy ắp cảm xúc, thấm đẫm tinh thần yêu nước và nhân văn với một diễn ngôn giản dị mà cuốn hút, dễ đi vào lòng người và neo lại bền lâu.
Dù có nhiều tác phẩm có sức sống hơn nửa thế kỷ, sức sống thơ Hoài Vũ vẫn bền bỉ, cuốn hút với thế hệ trẻ hiện nay. Nhà văn 9X – Võ Chí Nhất kể: “Từ hồi còn nhỏ tôi đã được xem, được nghe những bài hát như Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông nhưng chưa có dịp được gặp tác giả. Hôm nay được tham dự chương trình, tôi rất xúc động và vô cùng ngưỡng mộ. Xúc động vì được gặp nhân vật rất nổi tiếng và có nhiều cống hiến cho nghệ thuật như ông. Sáng nay, khi ca sĩ cất tiếng hát hai câu đầu của bài Anh ở đầu sông em cuối sông, tôi có ngó qua nhìn nhà thơ Hoài Vũ. Tôi thấy ông cười hiền, vẻ hài lòng và ngay lúc đó tôi nghĩ rằng, khi mình bước vào tuổi của nhà thơ thì mình có được những tác phẩm lay động biết bao nhiêu thế hệ người đọc – người nghe được như vậy không? Và tôi nhủ lòng rằng mình càng phải cố gắng hơn nữa trên con đường nghệ thuật còn đằng đẵng ở phía trước”.