Nhà thơ, dịch giả Dương Tường. (Ảnh: Y.N)
Thông tin từ nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, dịch giả, nhà thơ Dương Tường qua đời lúc 20h08 ngày 24/2. Ông Phạm Xuân Nguyên nhận tin buồn từ con trai dịch giả Dương Tường. Vị dịch giả đã yếu nhiều tháng trời trước đó do tuổi cao.
Dương Tường, tên đầy đủ là Trần Dương Tường, sinh ngày 4/8/1932 tại thành phố Nam Định. Năm 1944, ông lên Hà Nội học lớp 6 tại trường Louis Pasteur. Đến năm 1945, ông bỏ học làm liên lạc viên trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1949, sau khi gia nhập quân đội, ông làm lính thông tin liên lạc rồi chuyển thành cán sự văn nghệ trung đoàn, bắt đầu làm thơ kể từ năm 1953. Khi ấy Dương Tường 21 tuổi. Sau khi giải ngũ, ông về làm phóng viên – biên tập tại Việt Nam Thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam.
Trong giới dịch thuật, Dương Tường có sự nghiệp trải dài khoảng 60 năm, song hành theo lịch sử xuất bản văn học dịch. Ông là tác giả của hơn 50 tác phẩm dịch lớn nhỏ.
Trong giới dịch thuật, Dương Tường được kính trọng bởi ông luôn thử sức mình ở những tác phẩm khó, làm việc hết sức mình, tạo nên những bản dịch tài hoa và gìn giữ vẻ đẹp của tiếng Việt.
Các tác phẩm mà ông lựa chọn đều là những trái núi cao vời vợi mà nhiều dịch giả e ngại. Những Lolita (Vladimir Nabokov), Anna Karenina (Lev Tolstoy), Đồi gió hú (Emily Brontë), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami), Bên phía nhà Swan và Dưới bóng những cô gái đương hoa (Marcel Proust), Chết chịu (Louis-Ferdinand Céline)… đều là tác phẩm phức tạp về ngữ pháp, ngôn từ, chuyển tải tầng tầng lớp lớp nghĩa.
Năm 2019, khi tuổi đã cao, mắt đã mờ, sau khi ra mắt bản dịch Chết chịu, đơn vị chuyên xuất bản sách của ông đã tổ chức một buổi lễ để ông “rửa tay gác kiếm”. Tuy vậy, công việc dịch thuật và tình yêu văn chương vẫn thôi thúc ông tiếp tục làm việc. Năm 2020, ông cho ra mắt bản dịch ngược, dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh.
Bên cạnh sự nghiệp dịch thuật, Dương Tường còn là một nhà thơ, nổi tiếng nhất là thi phẩm Tình khúc 24. Dương Tường thử nghiệm với thơ thị giác qua tác phẩm Mắt, Ngày và Đàn. Các tác phẩm thơ của Dương Tường đều được đánh giá cao. Năm 2007, trung tâm văn hoá Pháp tại Hà Nội L’Espace xuất bản tập Lục giác sông Hồng, một tập thơ song ngữ Việt – Pháp của Dương Tường và 5 nhà thơ Việt Nam khác. Nhà xuất bản Dalkey Archives của Mỹ cũng xin phép dùng một trang trong tập thơ thị giác Đàn của ông để làm bìa cuốn hồi ký A Sentimental Journey của Viktor Shklovsky, một nhà văn Nga cùng thời với Maxim Gorky.
Ông đã in các tập thơ như: Dương Tường – Thơ; 36 bài tình (thơ – in chung với Lê Đạt), Đàn (thơ ngoài lời); Thơ Dương Tường – Mea culpa và những bài khác.
Dương Tường còn là tác giả của tạp luận Chỉ tại con chích chòe và tập truyện ký Thuyền trưởng (dưới bút danh Nguyễn Trinh).
Với những cống hiến của mình, ông đã được tôn vinh tại các giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.
(Nguồn: Zing News)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo