Bà Nikki Hind, nhà thiết kế thời trang khiếm thị ở Úc kể rằng, cho tới giờ, vẫn rất nhiều người đã phá lên cười khi bà nói cho họ biết về công việc của mình.
Nhà thiết kế thời trang khiếm thị người Úc, bà Nikki Hind. Ảnh: ABC |
“Hẳn nhiên đó vẫn là một chuyện thực sự trớ trêu với họ”, bà nói, thừa nhận dù vô cùng tự hào vì là người đầu tiên được công nhận là một nhà thiết kế thời trang khiếm thị ở Úc, nhưng phản ứng của mọi người nhiều khi vẫn khiến bà sốc và thất vọng.
“Với thời trang, 98% là cảm giác”
“Khi bạn mặc bộ đồ lên người và ngắm trong gương, thực sự thì bạn thậm chí sẽ không nhìn nó trong ngày nữa… Có tới 98% yếu tố của trang phục nằm ở chỗ nó khiến bạn cảm thấy thế nào”, bà Nikki chia sẻ nhận định mà có thể khiến nhiều người giật mình vì thấy “sao mà đúng quá”.
Không phải người khiếm thị bẩm sinh. Tai họa ập đến vào những năm đầu độ tuổi 30 khi bà đang mang thai đứa con đầu lòng. Vào thời điểm đó bà Nikki bị đột quỵ và mất 50% thị lực ở cả hai mắt. Kể từ sau khi sinh con, di chứng đột quỵ cũng khiến bà bị khiếm thị vĩnh viễn với thị lực chỉ còn ở mức rất yếu.
Đó cũng là lúc một loạt biến cố khác xảy đến, bà chật vật về kinh tế và cảm thấy đơn độc, lo lắng. Nhưng rồi người phụ nữ giàu can đảm này quyết định phải tự định nghĩa lại bản thân và tìm kiếm ý nghĩa trong những việc đang làm. “Tôi không muốn sống ủ ê mãi nên quyết định sẽ theo đuổi một giấc mơ, một điều mang lại cảm hứng và sáng tạo để tôi có thể tập trung vào đó. Thiết kế thời trang đã luôn là nơi tôi thấy mình được hạnh phúc, sáng tạo. Lúc còn bé, tôi vẫn thường nằm bò ra sàn và xem các chương trình trao giải, với bảng vẽ và bút chì trong tay, tôi mơ ước những thiết kế của mình sẽ có lúc được trao giải như thế”, bà nhớ lại.
“Thiết kế thời trang kết nối tôi trở lại với những ý niệm về các phần đẹp đẽ nhất của bản thân – những cảm giác về khả năng, mục đích, niềm vui, sự hứng khởi, đam mê, lạc quan. Tôi đã quyết định là nếu tôi làm việc này, tôi sẽ kéo thêm nhiều nhất có thể những người khác nữa đi cùng, những người cũng đang cần kết nối trở lại với giấc mơ của họ, và thế là ý tưởng về thương hiệu Blind Grit ra đời”, bà Nikki nói thêm về lý do bà đã xây dựng thương hiệu thời trang Blind Grit, một phong cách thời trang thoải mái phù hợp cho người mặc khi chơi thể thao nhưng vẫn quyến rũ và đẹp trong cả những hoạt động khác.
Theo bà Nikki, những người đang làm việc cho Blind Grit là các nhiếp ảnh gia, các nhà thiết kế đồ họa, các nghệ sĩ trang điểm vẫn đang sống với những khuyết tật cơ thể sau các tai nạn hay biến cố nào đó. “Tôi muốn thay đổi quan niệm và cách nhìn của mọi người về những người bị khuyết tật”, bà Nikki nói.
Đi vào trang sách
Với tất cả những nỗ lực và thành tựu đã đạt được, không bất ngờ khi cuối tuần qua đài ABC (Úc) thông báo bà Nikki Hind sẽ là một trong những nhân vật được chọn đưa vào loạt sách có tên “Big Visions” in bằng chữ nổi braille đầu tiên được sản xuất và phát hành tại các hiệu sách phổ biến nhất ở Úc. Đây là loạt sách chữ nổi dành cho trẻ em do Vision Australia thực hiện nhằm giới thiệu về nhiều ngành nghề khác nhau.
Sau cuốn sách đầu tiên nói về vận động viên lướt sóng bị mù, anh Matt Formston, phát hành hồi tháng 3 năm nay, cuốn sách về bà Nikki Hind sẽ ra mắt trong tháng 9 tới. Để chuẩn bị cho sự kiện này, bà Nikki cũng đang gấp rút hoàn thành một bộ sưu tập mới sẽ ra mắt vào cùng thời điểm. “Được là một phần của phong trào nỗ lực mang lại sự tiếp cận công bằng với ước mơ và cảm hứng cho trẻ em khuyết tật là điều thật lớn lao với tôi”, bà Nikki nói.
Bà Vildana Praljak, quản lý thư viện của tổ chức Vision Australia, nói thêm về mục đích ra đời của loạt sách Big Visions: “Chúng tôi muốn làm sao để những người bị mù và người khiếm bị không bị nhìn nhận như một sự cản trở hay khác biệt gì”.
Bà Praljak cũng nhấn mạnh câu chuyện của Nikki chính là một ví dụ điển hình cho thấy người khiếm thị có thể vượt qua những rào cản và những quan niệm cho rằng những người mù không nên làm thế này hay không thể làm thế kia. “Bà Nikki đã hoàn toàn thay đổi không gian đó”, bà Praljak nói.
TRẦN ĐẮC LUÂN