TPO – Công ty Hoàng Dân và một số doanh nghiệp trong liên danh thi công dự án Bản Mồng từng chậm tiến độ, bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhắc nhở và cảnh báo chấn chỉnh nhiều lần. Đáng chú ý, doanh nghiệp này còn có mặt trong Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng – dự án trọng điểm, chậm tiến độ và nhiều lần đội vốn.
TPO – Công ty Hoàng Dân và một số doanh nghiệp trong liên danh thi công dự án Bản Mồng từng chậm tiến độ, bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhắc nhở và cảnh báo chấn chỉnh nhiều lần. Đáng chú ý, doanh nghiệp này còn có mặt trong Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng – dự án trọng điểm, chậm tiến độ và nhiều lần đội vốn.
Hồ sơ doanh nghiệp dự án
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa khởi tố bị can Nguyễn Văn Dân, Giám đốc Công ty Hoàng Dân và 7 người khác bị cáo buộc có sai phạm trong quá trình đầu tư, thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An), để dự án chậm tiến độ gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Theo thông tin của PV Tiền Phong, Công ty Hoàng Dân (thôn Tân An, xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), thành lập ngày 9/2/2004. Đây là doanh nghiệp trong liên danh với 4 nhà thầu khác trúng thầu công trình đập phụ thuộc Gói thầu số 36 Đập tràn, đập bê tông, cống lấy nước và đập phụ với giá trị gần 1.100 tỷ đồng trong dự án Bản Mồng.
Tại gói thầu này, quá trình thực hiện của Công ty Hoàng Dân, Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 và một số doanh nghiệp liên tục bị chậm tiến độ theo kế hoạch phê duyệt.
Công ty Hoàng Dân bị đánh giá không đáp ứng về nhân sự chủ chốt và tiến độ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã nhắc nhở, chấn chỉnh và yêu cầu các chủ đầu tư giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện hợp đồng của công ty, trường hợp không chuyển biến, kịp thời báo cáo Bộ tạm dừng tham gia các gói thầu mới của các dự án do Bộ NN&PTNT quản lý.
Ngoài dự án trên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Công ty Hoàng Dân còn tham gia gói thầu số 17, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị cụm công trình đầu mối, dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng (tỉnh Hòa Bình). Đây cũng là dự án trọng điểm nhóm A của Bộ NN&PTNT bị chậm tiến độ nhiều năm, gây đội vốn, lãng phí. Tổng mức đầu tư dự án từ 3.115 tỷ đồng lên 4.128 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thiện vào năm 2022, nhưng đến nay xin kéo dài đến năm 2026. Trong đó, phần giá trị gói thầu Công ty Hoàng Dân thực hiện là 215 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Hoàng Dân còn tham gia nhiều gói thầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình; Cục Hải quan Hà Nam Ninh; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Viễn; Ban quản lý dự án Chương trình đô thị miền núi phía bắc thành phố Tuyên Quang; Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 1…
Đại diện Cục Quản lý Đầu tư và Xây dựng Công trình – Bộ NN&PTNT cho biết, sau khi một số cán bộ Ban 4 bị bắt, đơn vị đang sắp xếp, đôn đốc lại nhân sự để tiếp tục hoàn thành tiến độ công việc theo tiến độ Chính phủ giao. Vụ việc vẫn đang chờ cơ quan chức năng làm rõ.
Vì sao “đội vốn”?
Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An (giai đoạn 1) được phê duyệt vào năm 2009, do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 – Bộ NN&PTNT làm chủ đầu. Dự án được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng mức đầu tư 3.744 tỷ đồng, bao gồm cả các hợp phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Dự án Bản Mồng được gia hạn hoàn thành đến 31/12/2025. |
Dự án khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành năm 2015. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên giai đoạn 2011-2016 phải bị tạm dừng. Các bộ, ngành, địa phương đã làm việc tháo gỡ nhưng dự án vẫn ì ạch do vướng mắc về pháp lý.
Nói về vướng mắc này, đại diện Bộ NN&PTNT từng thông tin với PV Tiền Phong rằng Luật Đầu tư công năm 2019 không có quy định chuyển tiếp với các dự án trước đây được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư (nhưng không có quyết định chủ trương đầu tư), cần được phê duyệt bổ sung vốn đầu tư nhưng không rõ thẩm quyền quyết định của ai.
Bộ NN&PTNT trình các cơ quan có thẩm quyền dự án xây dựng hệ thống kênh dẫn nước (được tách thành dự án độc lập) với kinh phí khoảng 1.800 tỷ đồng gồm kinh phí bổ sung cho giải phóng mặt bằng (chủ yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa) và kinh phí bổ sung cho phần xây lắp. Sau đó dự án được điều chỉnh tăng thêm 1.800 tỷ đồng.
Năm 2022, dự án hoàn thành khoảng 95% với số vốn đã đầu tư khoảng 5.550 tỷ đồng, không bao gồm nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư hợp phần thủy điện. Tuy nhiên, số vốn bố trí được sau đó vẫn thiếu 234 tỷ đồng khiến dự án trọng điểm nhóm A của ngành nông nghiệp tiếp tục mịt mù ngày về đích.
Ngày 26/10/2023, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT rà soát, cân đối trong phạm vi tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư; Bộ NN&PTNT phê duyệt điều chỉnh dự án giai đoạn 1. Mục tiêu hoàn thành giai đoạn 1 dự án trước ngày 31/12/2025.
Nguồn: https://tienphong.vn/lum-xum-du-an-ban-mong-nha-thau-da-nhieu-lan-bi-so-gay-post1688279.tpo