Nêu quan điểm về việc thời gian gần đây liên tiếp có nhiều doanh nghiệp bỏ thầu mua gạo dự trữ dù đã trúng thầu, khiến lượng gạo dự trữ bị thiếu hụt, trao đổi với PV Lao Động, ông Vũ Vinh Phú – nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công Thương Thành phố Hà Nội) – cho rằng, cần nhìn nhận vụ việc trên hai khía cạnh là quản lý Nhà nước và trách nhiệm, đạo đức doanh nghiệp với Tổ quốc.
“Theo tôi vì lợi nhuận nên những doanh nghiệp này bỏ cọc. Mức phạt hiện nay có thể còn quá thấp khiến doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt, bỏ thầu. Về phía quản lý Nhà nước cần làm chặt chẽ hơn, hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp không bỏ thầu, nhất là tham gia đấu thầu mua gạo phục vụ nhiệm vụ dự trữ lương thực cho quốc gia. Trong khi đó cần có hình thức tôn vinh những doanh nghiệp đóng góp tích cực cho dự trữ Nhà nước” – ông Vũ Vinh Phú cho hay.
Dự trữ quốc gia là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước nhằm chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Việc 3/6 nhà thầu từ chối thực hiện hợp đồng cung cấp gạo sau khi đã trúng thầu, đồng nghĩa 3.700 tấn gạo chưa thể nhập kho dự trữ quốc gia. Vì vậy ông Phú cho rằng, doanh nghiệp rất thiếu trách nhiệm.
“Với tôi đạo đức của người kinh doanh như vậy là không đảm bảo, ngoài tăng chế tài, cần phê phán mạnh để doanh nghiệp khác không làm theo. Qua vụ việc này sẽ là bài học chung cho cả 63 tỉnh, thành phố để rút kinh nghiệm. Một tỉnh thành hay một vài doanh nghiệp chứ hàng trăm doanh nghiệp cũng như vậy thì nguy hiểm cho quốc gia” – ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) – cho rằng, để siết chặt vấn đề này thông qua pháp lý tương đối khó khăn.
“Chúng ta đang ở trong nền kinh tế thị trường, mọi vấn đề được giải quyết theo quy luật thị trường. Ở đó, chúng ta rất khó can thiệp hành chính, pháp luật. Đây là bài học kinh nghiệm để Tổng cục Dự trữ Nhà nước, doanh nghiệp có phương pháp để giải quyết bài toán trong lúc giá cả biến động mạnh. Chúng ta cần có những giải pháp mang tính kỹ thuật, không thể trông chờ vào hành chính pháp luật vì nhà thầu họ đã chấp nhận mất tiền.
Ví dụ linh động biên độ về giá, thay vì mức cọc hiện tại thì có thể thỏa thuận mức đặt cọc cao… Khi đặt cọc cao hơn có lẽ doanh nghiệp sẽ cần một mức giá khác mới có thể tham gia cuộc chơi” – luật sư Trương Anh Tú nói.