Theo đó, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390ha làm nhà ở xã hội. So với báo cáo năm 2020, diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đã tăng thêm 5.031ha. Bên cạnh một số địa phương quan tâm quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Long An thì vẫn có một số địa phương chưa quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội như Ninh Bình, Đồng Tháp, Nghệ An…
Tính chung giai đoạn 2021 – 2023, cả nước có 499 dự án được triển khai với quy mô hơn 411 nghìn căn. Trong đó có 71 dự án đã hoàn thành với hơn 37,8 nghìn căn; 127 dự án được khởi công với quy mô gần 108 nghìn căn. Cùng với đó, có 301 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265,4 nghìn căn.
Nằm trong tốp đầu những địa phương đã tích cực thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội phải kể tới Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương… Ngược lại, một số địa phương trọng điểm, có nhu cầu nhà ở xã hội lớn nhưng việc đầu tư còn hạn chế so với mục tiêu của đề án, như: Hà Nội có 3 dự án, 1.700 căn đạt 9%; TP. Hồ Chí Minh có 7 dự án, gần 5.000 căn, đạt 19%. Một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội nào khởi công từ năm 2021 đến nay, trong đó có Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi…
Đáng chú ý, tình hình giải ngân hai nguồn vốn hỗ trợ chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội đều đang rất chậm. Cụ thể, gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (đã hết hạn triển khai) chỉ giải ngân được 125 tỷ đồng cho 1 dự án, dù theo công bố của Bộ Xây dựng, có 24 dự án đủ điều kiện vay vốn với nhu cầu khoảng 7.500 tỷ đồng. Gói 120 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản giải ngân khoảng 416 tỷ đồng cho 5 dự án tại 5 địa phương trong khi có 27 địa phương đã công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn gần 28 nghìn tỷ đồng.
Riêng gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, nhà ở của hộ gia đình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP giải ngân khá tốt với dư nợ 10,2 nghìn tỷ đồng cho hơn 26,2 nghìn khách hàng.
Có thể thấy, phát triển nhà ở xã hội đã có bước chuyển động tích cực hơn trong thời gian qua với những quyết sách quan trọng của Quốc hội và Chính phủ. Vậy nhưng tiến độ không như kỳ vọng và với mong đợi của người dân. Điều này cũng dễ hiểu, khi báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng các các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai. Một số dự án đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ. Các cấp chính quyền địa phương cũng chưa quyết tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án theo thẩm quyền. Việc cải cách thủ tục hành chính; ban hành các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thêm của địa phương để kêu gọi các thành phần tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế…
Dự kiến ngày 22.2 tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức hội nghị triển khai Đề án 1 triệu nhà ở xã hội năm 2024. Để đề án về đích đúng kế hoạch từng năm và từng giai đoạn, rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm và cần nhiều hơn nỗ lực từ các chủ thể liên quan.