Cần có thêm chính sách mới để huy động nguồn lực phát triển nhà ở xã hội
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2022, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn chỉ đạt 41,7% kế hoạch trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Hiện tại, cả nước đang triển khai thêm 418 dự án với khoảng 432.400 căn.
Riêng tại TP HCM đã đưa vào sử dụng 23 dự án nhà ở xã hội với 18.085 căn trong giai đoạn 2015-2020 đạt 75% kế hoạch và dự kiến triển khai đầu tư xây dựng 25 dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 với tổng số căn hộ là 30.610 căn.
Tuy nhiên, số lượng căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành giảm dần đều qua các năm. Đơn cử, năm 2020 chỉ hoàn thành 8 dự án với 1.677 căn, năm 2021 chỉ hoàn thành 5 dự án với 1.694 căn và năm 2022 cũng chỉ hoàn thành được 6 dự án với 1.300 căn.
Nhận định về những con số này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt kế hoạch đã đề ra, chưa đáp ứng kịp nhu cầu nhà ở rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư.
Theo ông Châu, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, mục tiêu này đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
“Nếu tính từ 2021 tới giữa tháng 5/2023, cả nước mới chỉ đạt 4,55% kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025 là con số thấp. Mục tiêu tới hết năm 2025 sẽ là 428.000 căn hộ nhà ở xã hội sẽ là một thách thức lớn”, ông Châu nhận xét.
Trên cơ sở đó, ông Châu cho rằng cần tập trung nỗ lực xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê nhà ở xã hội.
“Đồng thời cần có các chính sách mới để huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hoá từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn thực hiện cam kết đầu tư phát triển khoảng 1,5 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030”, ông Châu nói.
Cần xóa bỏ định kiến nhà ở xã hội là nhà rẻ tiền
Một trong những thách thức lớn của nhà ở xã hội hiện nay là định kiến của người dân. Nhiều người cho rằng, nhà ở xã hội là nhà giá rẻ, nhà rẻ tiền có chất lượng thấp, dẫn đến việc nhiều người có thông tin sai lệch và không mặn mà với dòng sản phẩm này.
Trong thực tế thời gian qua, đã có một số dự án nhà ở xã hội có chất lượng xây dựng công trình không tốt, bị thấm, dột, nhanh xuống cấp hoặc thiếu các tiện ích, dịch vụ tại chỗ và thiếu các dịch vụ đô thị trong khu vực lân cận, không kết nối giao thông thuận tiện, nên đã có dự án nhà ở xã hội rao bán đến vài chục lần vẫn không có người mua.
Cũng có trường hợp, một số dự án nhà ở xã hội bị khách hàng khiếu nại, nên đã xuất hiện cách nhìn nhận chưa đúng về chất lượng nhà ở xã hội hoặc xem nhà ở xã hội là nhà rẻ tiền.
Ông Châu cho rằng, có thể do nhận thức chưa đúng về nhà ở xã hội và chỉ nhằm tìm cách làm giảm giá thành nhà ở xã hội hoặc xem nhà ở xã hội là nhà rẻ tiền, nên đã có một số quy định pháp luật về nhà ở xã hội chưa theo hướng bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cùng loại.
Ví dụ như quy định bắt buộc sử dụng gạch không nung cho dự án nhà ở xã hội là chưa hợp lý, hoặc một số quy định khác liên quan tới suất vốn đầu tư,…
“Do đó, trong Luật Nhà ở (sửa đổi) cần khẳng định nhà ở xã hội là nhà ở có chất lượng tương đương nhà ở thương mại cùng loại”, Chủ tịch HoREA nói.