Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), chia sẻ ông hoàn toàn ủng hộ các quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm và quy định về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm tại Thông tư 29. Riêng với quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho rằng việc dạy thêm không thu tiền của học sinh (HS) là đúng, nhưng phải có tiền chi trả thù lao, bồi dưỡng cho GV. Lấy từ nguồn nào thì tỉnh, TP phải cân đối và quy định cụ thể. Đây cũng là tâm tư của không ít nhà giáo, với nhiều ý kiến cho rằng có thể huy động, kêu gọi GV dạy miễn phí nhưng không thể bắt buộc hoặc thực hiện trong thời gian dài.
Các địa phương tìm giải pháp cân đối nguồn thu để chi trả thù lao cho giáo viên khi ôn tập cho học sinh cuối cấp mà không được thu phí theo quy định
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Thầy Nguyễn Văn Đường, GV Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội), cho rằng khi Thông tư 29 có hiệu lực, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ phải thay đổi rất nhiều. Những thầy cô có năng lực chuyên môn tốt, có sức hút đối với người học thì không lo lắm vì có thể liên hệ dạy thêm bên ngoài nhà trường với HS ở các nơi. Có thể đây còn là cơ hội để thầy cô tạo ra đột phá về thu nhập. Trong khi đó, những thầy cô chưa tạo được thương hiệu, chưa có sức hút thì có thể sẽ không được các trung tâm đón nhận, sẽ mất nguồn thu từ hoạt động này. "Thông tư này có lợi nhất là HS, các em sẽ được lựa chọn học thêm với các thầy cô mà các em yêu thích, từ đó mà hiệu quả sẽ tăng lên", thầy Đường nói.
Tuy nhiên, theo thầy Đường, việc dạy thêm miễn phí cho 3 nhóm đối tượng HS giỏi, HS yếu kém, HS cuối cấp đang là vấn đề nan giải. Nếu dừng mọi hoạt động dạy thêm cho nhóm đối tượng này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, thành tích chung của nhà trường, nhưng nếu dạy thì buộc phải chi trả cho thầy cô tham gia trong khi ngân sách rất hạn hẹp, nhiều trường năm nay thưởng tết 0 đồng mặc dù cả năm đã thắt chặt chi tiêu.
Do vậy, dùng tiền chi thường xuyên trả công cho GV dạy nhóm đối tượng này thì đúng là quá sức. "Tôi đơn cử như trường tôi, nếu mỗi HS được bồi dưỡng 2 tiết/môn/tuần. Các em ôn tập 4 môn thi tốt nghiệp THPT, có thể tính: 15 lớp x 4 môn x 2 tiết x 16 tuần (4 tháng tính từ tháng 2 - tháng 6) x 200.000 đồng/tiết = 384.000.000 đồng, trong khi nguồn ngân sách chưa cấp để chi cho hoạt động này", thầy Đường nói. Do vậy, thầy cho rằng nếu không thu tiền của HS thì ngân sách cần chi trả cho GV như một hoạt động làm thêm giờ vì đồng lương của GV còn thấp.
Đề cập kinh phí chi trả khi tổ chức lớp ôn thi cho HS cuối cấp, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, TP.Thủ Đức (TP.HCM), chia sẻ: "Tôi đã triển khai nội dung những quy định nêu trong thông tư về dạy thêm cho GV trong trường. Đồng thời có ngỏ ý về việc dạy thêm không thu tiền. Thay vào đó, nhà trường sẽ căn cứ quy định chi thu nhập tăng thêm hằng quý (theo Nghị quyết 98 của HĐND TP.HCM) để tính ngày công cho GV. Hầu hết các GV đều đồng tình với cách này. Nhà trường sẽ tổ chức cho GV đăng ký dạy thêm và HS đăng ký học thêm. Trên cơ sở đăng ký, ban giám hiệu trường sẽ xếp lớp dạy thêm cho phù hợp".
Tương tự, bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) cũng cho hay TP.HCM có Nghị quyết 98 về chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức mà GV đang được thụ hưởng. Đây là chính sách mà không phải GV tỉnh, thành nào cũng có nên nhà trường sẽ tính toán để đưa việc tham gia công tác hỗ trợ ôn thi lớp 10 của GV khi tính ngày công, đánh giá mức độ hoàn thành công việc đối với GV sao cho hợp tình, hợp lý nhất.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-nuoc-nen-cap-ngan-sach-cho-giao-vien-day-ngoai-gio-185250212203703814.htm
Bình luận (0)