Sáng 9/12, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam”.
Vì sao đầu tư cho văn hóa gặp khó?
Hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam” thu hút đông đảo chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu rõ, thực tế những năm qua cho thấy, văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Do đó, việc huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa là cần thiết, để văn hóa là một trong bốn trụ cột phát triển bền vững đất nước cùng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ từ chính quyền. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các ấn phẩm sách báo và cuộc hội thảo khoa học trong lĩnh vực này cũng khiến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà đầu tư tiềm năng khó khăn trong tìm kiếm thông tin chuyên sâu.
Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức, mà còn làm giảm cơ hội kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan. Hệ quả là, nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai một cách hiệu quả.
Việt Nam học được gì từ quốc tế trong việc đầu tư cho văn hóa?
Hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam” được kỳ vọng là cầu nối giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tư duy đổi mới trong việc huy động nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa; thảo luận các chính sách nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm phát triển bền vững văn hóa Việt Nam.
Có khoảng 20 tham luận, ý kiến phát biểu được trình bày, thảo luận tại hội thảo. Hội thảo tập trung bàn luận vào ba nhóm vấn đề là: Đầu tư và tài trợ cho văn hóa tại Việt Nam – Góc nhìn đa chiều; Đầu tư và tài trợ cho văn hóa – Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra; Đầu tư và tài trợ cho văn hoá – Mục tiêu, công cụ chính sách cùng những sáng kiến định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo Hà Nội”.
Các tác giả như PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Đỗ Thị Thanh Thủy (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), ông Jérémy Segay (Tùy viên nghe nhìn khu vực Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Thị Anh Quyên (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội) trình bày các nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp và kinh nghiệm về đầu tư và tài trợ cho văn hóa ở một số quốc gia và từ đó, gợi mở các hướng áp dụng cho Việt Nam.
Theo đó, ông Jérémy Segay lấy dẫn chứng cụ thể từ cơ chế công của Pháp trong việc hỗ trợ cho điện ảnh. Cụ thể, các hãng truyền hình ở Pháp phải đầu tư ngược trở lại cho việc sản xuất các phim truyền hình.
Nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Phương – Đỗ Thị Thanh Thủy đề cập tới mô hình quản trị văn hóa Pháp với sự kiến tạo, thúc đẩy sự sáng tạo dựa trên nguồn hỗ trợ lớn từ nhà nước và đa dạng hóa trong đầu tư.
Từ đây, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam từ mô hình quản trị nhà nước và đầu tư, gồm: Đa dạng hóa nguồn tài chính; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân; cho phép tạo các nguồn thu tự tạo; phát triển các mô hình hợp tác bền vững.
Lấy dẫn chứng từ hoạt động đầu tư cho văn hoá ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, TS Hà Huy Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam)cho rằng chúng ta cần tăng cường công tác nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và khoa học tiên tiến thế giới để hoàn thiện, làm phong phú hơn kho tàng văn hóa, tri thức của Việt Nam.
Đồng thời, chúng ta cũng cần đưa tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới, góp phần bổ sung tinh hoa văn hóa nhân loại; đấu tranh chống lại những sản phẩm văn hóa không lành mạnh từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam.
Đầu tư cho văn hóa vẫn dàn trải, thiếu tập trung, đồng bộ
Phát biểu trong tham luận, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung cho biết, trong nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư vào văn hóa, mặc dù chưa nhiều, nhưng dự kiến trong tương lai, mức đầu tư sẽ còn tăng hơn nữa.
Tuy nhiên, việc đầu tư thường diễn ra một cách dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ. Đặc biệt, là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan.
Vị nhạc sĩ cho rằng, nếu không đánh giá đúng, chúng ta sẽ không thể xây dựng chiến lược phù hợp và xác định chính xác những mục tiêu cũng như khu vực cần đầu tư.
Tất cả những yếu tố này dẫn đến tình trạng mặc dù Nhà nước đã và đang đầu tư, nhưng những người làm văn hóa, nghệ sĩ vẫn cảm thấy thiếu thốn, và không có cơ hội tiếp cận hay sử dụng những nguồn lực đầu tư đó.
Để giải quyết thực trạng trên, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, chúng ta cần tập trung vào các vấn đề đầu tư xây dựng và nâng cao cơ sở hạ tầng, năng lực của đội ngũ sáng tạo.
Theo nhạc sĩ, khoảng cách và sự đồng cảm giữa cơ quan quản lý và nghệ sĩ sáng tạo hiện nay là khá lớn, nó tạo nên một rào cản kìm hãm sự phát triển.
“Bên cạnh đó, Việt Nam cần tham khảo và hợp tác nhiều hơn từ các chuyên gia nước ngoài về các chiến lược xây dựng công nghiệp sáng tạo. Bằng những chính sách phát triển và quản lý tiên tiến, bền vững, chúng ta xây dựng một nền công nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức cả cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước để có thể đồng cảm hơn, hợp tác hiệu quả, cùng tạo ra được môi trường thúc đẩy sáng tạo”, nhạc sĩ Quốc Trung nói thêm.
NSƯT Cao Ngọc Ánh (Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ) cũng cho rằng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện đang có rất nhiều bất cập. Cụ thể, lĩnh vực này chưa đồng bộ từ thể chế đến hạ tầng và nhân lực.
Đi ngược từ nguồn nhân lực – hệ thống nghệ sỹ biểu diễn, đội ngũ sáng tạo và các kỹ thuật viên chuyên nghiệp đang còn thiếu và rất yếu.
“Các thiết chế phục vụ cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn thiếu và yếu. Tại Thủ đô Hà Nội, các rạp hát đủ tiêu chuẩn quốc tế đếm trên đầu ngón tay, hiện nay, chỉ có thể kể đến Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm là đạt tiêu chuẩn nhóm A trên thế giới; còn lại đều đã quá cũ không đáp ứng thỏa mãn cho các chương trình nghệ thuật chất lượng cao.
Các điểm diễn ngoài trời có sức chứa cho các show ca nhạc lớn cũng như vậy phải tận dụng sân vận động, nhà thi đấu”, NSƯT Cao Ngọc Ánh nêu.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi về thực tiễn hoạt động đầu tư, hỗ trợ tài chính từ khu vực công, tư và đóng góp từ các nguồn đa dạng khác cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung trong thời gian qua, cũng như trong mục tiêu định vị thương hiệu của địa phương.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nha-nuoc-da-dau-tu-vi-sao-nguoi-lam-van-hoa-van-thay-thieu-thon-192241209154822301.htm