Để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm cây ăn quả, cần phải sớm sửa đổi những luật và nghị định đã không còn phù hợp, thậm chí cản trở quá trình hình thành những vùng sản xuất tập trung. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn Nhân Dân cuối tuần.
Giá sầu riêng xuất khẩu đang hạ nhiệt làm khó người nông dân. Ảnh: Ngọc Thạch
– Theo nhìn nhận của ông, việc triển khai Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030 được Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt (Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT, ngày 27/10/2022) đã và đang gặp những khó khăn gì?
– Chúng ta phải hiểu đặc điểm phát triển của nền nông nghiệp nói chung, cây ăn quả nói riêng ở nước ta là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán. Vì vậy, muốn trở thành một vùng sản xuất hàng hóa, trước hết phải có vùng tập trung. Đây là khó khăn trước mắt trong xây dựng và thực hiện đề án tổng thể cũng như đề án phát triển cây ăn quả của từng địa phương.
Cây ăn quả cũng như các loại cây trồng khác ở nước ta chủ yếu mang tính thời vụ nên thu hoạch diễn ra trong thời gian ngắn, rất khó cho công tác bảo quản cũng như tiêu thụ vì đòi hỏi sự đầu tư cho hệ thống sơ chế, bảo quản đạt chuẩn để bảo đảm chất lượng hàng hóa.
Thực tế, tính liên kết trong sản xuất của chúng ta còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Đề án này lại đang thực hiện trong bối cảnh nền nông nghiệp luôn phải đối phó khó khăn về thị trường tiêu thụ, đối mặt thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và tập quán thâm canh sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng khác. Rất nhiều ý kiến rằng đất đai nhiều nơi bị thoái hóa, năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất không cao.
Song nhìn lại, phải thấy chúng ta có những cơ hội lớn khi triển khai Đề án. Đó là: Việt Nam có bảy vùng sinh thái trải dài từ bắc đến nam; khí hậu nhiệt đới và ôn đới nên các loại cây ăn quả phát triển tốt quanh năm. Về cơ chế, chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực hiện theo Quyết định 150 của Thủ tướng Chính phủ đúng trong thời điểm này là lợi thế nông nghiệp được phát huy. Sản xuất cây ăn quả đang được chú trọng, là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, năm 2022 đóng góp cho xuất khẩu hơn năm tỷ USD, xuất siêu mang lại lợi nhuận cho đất nước và cho người nông dân, phát huy hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi của đất lúa kém hiệu quả. Các hiệp định thương mại đã ký kết và luôn được mở rộng. Trái cây của chúng ta đã được xuất khẩu sang 60 nước, trong đó có 10 thị trường chủ lực mà Trung Quốc là một thí dụ. Và một loạt chính sách khác ra đời đang khuyến khích, thúc đẩy nông nghiệp nói chung, cây ăn quả nói riêng. Trong đó, có chính sách đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
– Ông vừa nhắc đến thị trường xuất khẩu chủ lực của trái cây Việt Nam. Rõ ràng, muốn mở rộng thị phần, chúng ta cần phải hình thành được những vùng sản xuất lớn. Nhưng, làm sao thu hút được nhiều chủ thể tham gia vào đầu tư?
– Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sắp tới được thông qua là tín hiệu tốt với ngành nông nghiệp bởi sẽ tạo cơ hội mở rộng hạn điền, khuyến khích đầu tư tập trung. Thêm nữa, những chính sách về nới lỏng tín dụng, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân vay vốn với lãi suất ưu đãi cũng tạo thêm sức hút để các nhà sản xuất đầu tư tập trung, phát triển cây dài ngày. Một chính sách quan trọng cho liên kết các nhà chính là Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cũng tạo nên tính đột phá, khuyến khích các nhà cùng chung tay sản xuất cây ăn trái.
Riêng về lĩnh vực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, có Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện được giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi, vì cho đến nay vẫn khó đi vào cuộc sống. Như vậy, cùng với Luật Đất đai sửa đổi, Nghị định 57 sửa đổi sớm ban hành sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từ đó sẽ có mối liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã và người nông dân.
– Ông nhìn nhận thế nào về sự tương thích giữa Đề án với cơ chế, chính sách hiện hành? Phải chăng không chỉ có Nghị định 57 không vào được đời sống?
– Để đạt mục tiêu xuất khẩu 5,5-6 tỷ USD năm 2025 và 6,6 tỷ USD vào năm 2030 như trong Đề án, thiết nghĩ sau khi sửa đổi Luật Đất đai, chúng ta cần sửa đổi một loạt luật, nghị định khác. Một thí dụ là Luật Trồng trọt (được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020): Tự những điều luật đưa ra vô hình trung bó buộc các nhà khoa học, nông dân và các doanh nghiệp khi nghiên cứu và phát triển giống cây trồng mới. Trong khi nói đến Đề án này là chúng ta phải nghĩ đến phát triển giống mới có chọn lọc, có nhập khẩu, và duy trì bảo tồn nguồn gien.
Vì vậy, ngoài sửa đổi Luật Đất đai, theo tôi cần tiếp tục sớm sửa đổi Luật Trồng trọt và đặc biệt nhanh chóng sửa đổi Nghị định 57 về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với đó là chính sách đột phá để nâng cao giá trị cho phát triển cây ăn trái, như về sơ chế, bảo quản và chế biến. Thí dụ, trái chanh leo được phát triển tại nhiều địa phương, điển hình như tỉnh Sơn La, song vẫn mang tính chất thời vụ nên chỉ dùng làm nước ép. Tương tự các sản phẩm cây có múi khác, như cam ở Hòa Bình, do chưa làm tốt khâu chế biến sản phẩm nên hạn chế đầu ra khiến cho vùng trồng đang bị thu hẹp dần.
– Sửa đổi cơ chế là cần thiết, tuy nhiên, năng lực thực thi cũng là vấn đề. Ở cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ông có những kiến nghị gì?
– Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành cho nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, sạch, hữu cơ, tuần hoàn, với mục tiêu là phát triển bền vững và hiệu quả. Theo tôi, những chủ trương ấy rất phù hợp tình hình phát triển đất nước hiện nay, phù hợp mong mỏi của cả xã hội cũng như đáp ứng được theo hướng đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng thị trường các nước trên thế giới.
Nhưng vấn đề là khâu triển khai thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí lúng túng. Thí dụ: Muốn xuất khẩu được nông sản thì việc truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng, mã vạch phải bảo đảm nhanh, gọn và chính xác. Vừa qua, Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn triển khai nhanh, chuyển đổi khâu quản lý này từ Cục Bảo vệ thực vật cho các địa phương, do các địa phương gắn với thực tiễn sản xuất hơn, và như thế mới gắn được với đề án phát triển cây ăn quả tại các địa phương.
Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp hiện mới ở chặng đầu tiên, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Tôi cho rằng, phần lớn người nông dân nay đã dùng smart phone, vì vậy hãy biến nó thành công cụ thông minh từ trồng trọt, chăm sóc, bảo vệ, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Muốn vậy, rất cần chính sách phát triển để nhanh chóng thực hiện được mục tiêu của Đề án đặt ra cũng như phát huy toàn diện lợi thế của ngành nông nghiệp. Một điều đáng lo ngại là trong ba tháng đầu năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã sụt giảm giá trị xuất khẩu so với năm trước. Điều đó cho thấy, nhà nông đã được quan tâm nhưng chưa đủ, phải quan tâm nhiều hơn, đa dạng hơn, tập trung cao độ hơn về cơ chế, chính sách để có cơ sở phát triển một nền nông nghiệp bền vững, xanh, sạch và an toàn.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nghĩa Nam (thực hiện)