Bài báo “Các tác giả “siêu năng suất” bài báo quốc tế bị nghi ngờ: những người Việt nào bị điểm tên?” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 3-4 đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là cộng đồng khoa học Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân (nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm vật lý lý thuyết, Viện vật lý – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là một trong số người Việt có tên trong danh sách tác giả ‘siêu năng suất’.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Vân nói:
– Theo nghiên cứu công bố, từ năm 2000 – 2022 tôi có tên trong tổng cộng 202 bài báo khoa học. Trong đó, từ năm 2012 – 2013 là 180 bài, như vậy khoảng 10 năm còn lại chỉ có hơn 20 bài.
Thực tế 180 bài báo khoa học trong năm 2012 và 2013 là những bài báo thuộc thí nghiệm ATLAS-LHC (một trong hai thí nghiệm LHC lớn nhất), lúc tôi thực hiện luận án tiến sĩ của mình tại Pháp và bởi vậy địa chỉ trong các bài báo của tôi là địa chỉ cơ quan khoa học của Pháp (CEA, Saclay), không liên quan đến địa chỉ Việt Nam.
Trong thời gian tôi làm nghiên cứu không chỉ một mình tôi tham gia thí nghiệm ATLAS-LHC. Cùng với CMS-LHC, đây là hai thí nghiệm lớn nhất trên thế giới, mỗi thí nghiệm có đến hơn 40 nước (đa số là các nước phát triển Âu – Mỹ) tham gia.
Một bài báo của thí nghiệm ATLAS-LHC mà tôi tham gia có hơn 3.000 tác giả, chứ không phải ít tác giả. Sau khi tôi làm xong tiến sĩ ở Pháp về tôi không có quyền tham gia thí nghiệm LHC nữa, do Việt Nam không phải là nước thành viên. Chính vì vậy, 10 năm sau tôi chỉ có hơn 20 bài công bố khoa học.
Trong thời gian này ngoài tôi còn có một số đồng nghiệp người Việt tham gia thí nghiệm. Chúng tôi đều làm trên danh nghĩa của các cơ quan khoa học tại các nước phát triển Âu – Mỹ cho nên không có địa chỉ của Việt Nam được ghi trong các công bố khoa học liên quan LHC của chúng tôi.
Như vậy con số thống kê 180 bài báo có tên tôi nêu trên phải thống kê tôi là tác giả từ Pháp. Bởi vậy bài báo trên Tuổi Trẻ liệt kê tôi có các công bố với tư cách là tác giả từ Việt Nam là không đúng và có thể gây hiểu lầm trong dư luận.
* Nhóm nghiên cứu của GS John PA Ioannidis (ĐH Stanford, Mỹ) đã tách riêng các tác giả thuộc lĩnh vực vật lý, những người có xu hướng đứng tên số lượng lớn công bố vì văn hóa đứng tên tác giả bài báo trong lĩnh vực vật lý khác với các lĩnh vực khác. Là nhà vật lý có tên trong sách này, nhận định của bà ra sao?
– Trong bài báo, nhóm nghiên cứu của GS John PA Ioannidis đã tách riêng các nghiên cứu của ngành vật lý. Bởi ngành vật lý, đặc biệt như vật lý năng lượng cao, có đặc thù riêng có những thí nghiệm tầm cỡ lớn như ATLAS-LHC, với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tác giả từ hàng chục nước tham gia. Nên việc lĩnh vực vật lý có nhiều công bố là chuyện bình thường từ trước tới nay. Đây là đặc thù mà các lĩnh vực khác nói chung không có.
Do vậy mỗi bài báo là công trình chung của hàng nghìn người nên không thể tính cho riêng một người để khẳng định người đó có siêu công bố, ví dụ một người một năm có 100 bài, chia cho 3.000 tác giả thì hệ số đóng góp của một tác giả là rất thấp, 100/3.000 tác giả, nên không thể nói là “tác giả có siêu công bố” được.
Điều này cũng được bài báo bằng tiếng Anh ghi rõ: “Trong khi những bài báo của tác giả ngành vật lý có hệ số trích dẫn tính theo trung bình tác giả cực kỳ thấp, nhưng các ngành không phải vật lý lại có hệ số cực kỳ cao. Bởi, số tác giả trong bài báo ngành vật lý là nhiều. Do vậy nhóm nghiên cứu không nghi ngờ ngành vật lý bởi nó có đặc thù riêng như đã nói trên”.
* Bà có thể chia sẻ thêm về những đóng góp cụ thể của mình trong dự án LHC. Để đứng tên trong công bố khoa học của LHC, tác giả phải thỏa mãn điều kiện gì?
– Đối với những thí nghiệm lớn trong lĩnh vực vật lý này mỗi cá nhân đều phải có đóng góp tới mức nhất định thì mới được đứng tên tác giả công bố chung, không phải cá nhân thích đứng tên tác giả là được.
Mỗi người phải đóng góp thỏa mãn các tiêu chí được quy định từ trước (được một hội đồng thông qua) mới trở thành tác giả của bài báo. Tất cả các tiêu chí đánh giá đều công khai trong tập thể các thành viên của thí nghiệm.
Tác giả ghi địa chỉ nào thì cơ quan chủ quản tương ứng phải có đóng góp về mặt chuyên môn và tài chính… Kể cả thầy muốn ghi tên học trò vào đứng tên tác giả bài báo cũng không được. Tôi bắt đầu làm nghiên cứu sinh tiến sĩ năm 2008, sau gần ba năm mới bắt đầu được đứng tên trên bài báo vì lúc đó mới hoàn thành các nghĩa vụ và yêu cầu thực hiện.
Trong bài báo, nhóm nghiên cứu không hề đánh đồng ngành vật lý với các ngành khác nên đã không tính ngành vật lý trong nghiên cứu của họ khi đưa số liệu về sự tăng rất nhanh số lượng công bố, đặc biệt trong những năm gần đây.
Do vậy, đặt tên các nhà vật lý vào những tác giả siêu năng suất đáng nghi ngờ, tôi thấy không phù hợp, gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến những người làm nghiên cứu.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân
Danh sách tác giả “siêu năng suất” được xác định ra sao?
Ngày 26-7, tạp chí Scientometrics thuộc Nhà xuất bản Springer Nature đăng tải nghiên cứu về danh sách các tác giả siêu năng suất (công bố hơn 60 bài/năm). Đây là công trình nghiên cứu của nhóm tác giả John PA Ioannidis (ĐH Stanford, Mỹ), Thomas A. Collins (Elsevier, Mỹ) và Jeroen Bass (Elsevier, Hà Lan). Theo Nature, sự gia tăng nhanh chóng số lượng tác giả siêu năng suất gây lo ngại cho cộng đồng khoa học thế giới.
Trong công trình nghiên cứu, GS Ioannidis và cộng sự đã thống kê tất cả các bài nghiên cứu, bài báo tổng quan và báo cáo hội nghị được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Scopus từ năm 2000 đến 2022 để đánh giá sự tiến triển của hành vi xuất bản cực đoan ở khắp các quốc gia và lĩnh vực khoa học.
Hành vi xuất bản cực đoan được nhóm nghiên cứu định nghĩa là có trên 60 công bố (bài nghiên cứu, bài báo tổng quan, báo cáo hội nghị) được Scopus lập chỉ mục trong vòng một năm.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, họ đã xác định được 3.191 tác giả siêu năng suất trong khắp các lĩnh vực khoa học không bao gồm vật lý và 12.624 tác giả như vậy trong lĩnh vực vật lý. Trong khi lĩnh vực vật lý có số lượng tác giả siêu năng suất cao hơn nhiều trong quá khứ, thì vào năm 2022 số lượng tác giả siêu năng suất gần tương đương giữa các lĩnh vực không phải vật lý và vật lý (1.226 so với 1.480 tác giả).
Tháng 6-2024, GS John Ioannidis cùng cộng sự đã công bố dữ liệu chi tiết về các tác giả siêu năng suất trong bốn danh sách: 1. Danh sách tác giả siêu năng suất (công bố ít nhất 73 bài/năm) không bao gồm lĩnh vực vật lý; 2. Danh sách tác giả “gần siêu năng suất” (công bố ít nhất 61 – 72 bài/năm) không bao gồm vật lý; 3. Danh sách tác giả siêu năng suất (công bố ít nhất 73 bài/năm) lĩnh vực vật lý; 4. Danh sách tác giả “gần siêu năng suất” (công bố ít nhất 61 – 72 bài/năm) lĩnh vực vật lý.
Trong nghiên cứu vừa đăng trên Scientometrics, GS Ioannidis và cộng sự giải thích cách xác định affiliation (địa chỉ hoặc địa chỉ làm việc) của các tác giả: “Với mỗi mã định danh tác giả theo Scopus thỏa mãn tiêu chí về hành vi xuất bản cực đoan trong một năm, chúng tôi thu thập số lượng bài báo của tác giả trong năm đó, nơi làm việc và quốc gia của tác giả được liệt kê trong Scopus (tại thời điểm thu thập dữ liệu), tổng số bài công bố trong toàn bộ sự nghiệp của tác giả và trong giai đoạn 2000-2022, cũng như lĩnh vực nghiên cứu chính của tác giả”. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết: “Chúng tôi sử dụng dữ liệu Scopus tính đến thời điểm tháng 5-2023”.
Thống kê là từ 2000 đến 2022, trong đó PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân (Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành – ICISE) có hai năm siêu năng suất là 2012 và 2013. Như vậy, affiliation của tác giả được xác định tại một thời điểm, là khi nhóm của GS Ioannidis thu thập dữ liệu Scopus, vào tháng 5-2023.
Thực tế bà Vân từng đăng nhiều bài ghi cả hai địa chỉ là ICISE và VAST, có những bài ghi địa chỉ ICISE trước VAST. Có thể đây là lý do Scopus xác định affiliation của PGS Vân là ICISE chứ không phải VAST.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-nghien-cuu-viet-nam-co-ten-trong-danh-sach-tac-gia-sieu-nang-suat-noi-gi-20240804223207796.htm