UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xử lý thông tin về tình trạng Công ty Cổ phần Đường Kon Tum chậm thu mua mía của người dân.
Theo thống kê vẫn còn hơn 350ha mía đã qua lịch thu hoạch nhưng người trồng mía vẫn chưa thể thực hiện do Công ty Cổ phần Đường Kon Tum chưa cho nhập mía về nhà máy. Theo lịch thời vụ, việc thu hoạch mía diễn ra đồng loạt trước Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, đã vào cuối tháng 2.2024, trên địa bàn thành phố Kon Tum mới thu hoạch được khoảng 55% diện tích mía đủ điều kiện, khiến nông dân trồng mía vô cùng lo lắng. UBND thành phố Kon Tum cũng làm việc với Công ty cổ phần Đường Kon Tum để có giải pháp giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của người trồng mía trên địa bàn
Theo ông Nguyễn Hữu Quảng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, do phải sửa chữa nâng cấp thiết bị mới đưa vào hoạt động hiệu quả nên ép mía niên vụ 2023-2024 bị chậm hơn kế hoạch 20 ngày.
Vùng nguyên liệu của Công ty chiếm hơn 60% là diện tích mía tơ và đất phù sa ven sông suối, đất thấp trũng, bán ngập và hơn 70% là giống mía chín trung bình và trung bình muộn. Các giống mía hầu như không trổ cờ hoặc trổ cờ rất ít, do đó sẽ không ảnh hưởng chất lượng của cây mía.
Công ty đã tổ chức tiến hành thu mua mía của bà con ngay từ đầu vụ sản xuất, tổ chức cho đốn chặt đối với những diện tích mía chín trước thì thu hoạch trước, mía gốc chặt trước, mía tơ chặt sau, mía trên cao chặt trước, mía dưới thấp chặt sau. Hiện nay Công ty đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm chi phí đối với những diện tích, sản lượng mía nguyên liệu được đốn chặt sau Tết Nguyên đán, với mức hỗ trợ 20.000 đồng/tấn mía sạch.
Nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định, công tác thu mua cũng đã đáp ứng được nhu cầu đốn chặt của bà con nông dân trong tỉnh Kon Tum và dự kiến cuối tháng 3.2024 Công ty sẽ thu mua hết toàn bộ sản lượng mía trong tỉnh.
Toàn tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 1.219 ha mía, tỉnh có chủ trương phát triển diện tích mía nguyên liệu niên vụ 2023 – 2024 đạt khoảng 2.000 ha. Thành phố Kon Tum là địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh Kon Tum, với hơn 832 ha mía đủ điều kiện cho thu hoạch.