TIỀN GIANG Do đang vận hành thử nghiệm nên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 60% công suất, thu hồi từ 30 – 50% (30 tấn) nguyên liệu thô mỗi ngày.
TIỀN GIANG Do đang vận hành thử nghiệm nên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 60% công suất, thu hồi từ 30 – 50% (30 tấn) nguyên liệu thô mỗi ngày.
Tiền Giang là địa phương có vườn cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL, diện tích khoảng 84 nghìn ha, sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn. Bên cạnh tiêu thụ dạng ăn tươi, hoạt động chế biến trái cây đóng hộp, đông lạnh, sấy khô… được nhiều doanh nghiệp thực hiện để xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao.
Một số nhà máy chế biến trái cây tiêu biểu ở tỉnh Tiền Giang có thể kể đến như Hùng Phát, Long Uyên, Cát Tường, Thabico, Rau quả Tiền Giang… Đặc biệt, hàng chục doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã bóc tách cơm sầu riêng để xuất khẩu dưới dạng cơm sầu riêng đông lạnh phát sinh lượng lớn vỏ sầu riêng cần xử lý. Hiện nay, tỷ lệ phế phụ phẩm trong chế biến xoài khoảng 40%, còn đối với sầu riêng là khoảng 50%. Theo ước tính, lượng phế phụ phẩm từ hoạt động chế biến trái cây (như vỏ, hạt) khoảng 500 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, vẫn chưa có đơn vị nào sử dụng phế phụ phẩm này để tái sử dụng phục vụ ngành nông nghiệp.
Nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý phế phụ phẩm từ hoạt động chế biến trái cây để không gây ô nhiễm môi trường, Công ty TNHH DTH Môi trường xanh (thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã nghiên cứu đưa ra quy trình, công nghệ, thiết bị biến chúng thành sản phẩm có ích, có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ rất tốt cho nông nghiệp. Đây là doanh nghiệp đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang đưa vào vận hành dây chuyền xử lý phế phụ phẩm này.
Ông Dương Hoàng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH DTH Môi trường xanh chia sẻ: “Chúng tôi lên ý tưởng đưa vào quy trình biến rác hữu cơ như vỏ xoài, vỏ sầu riêng… trở thành phân bón hữu cơ có ích cho nông nghiệp. Quá trình thực hiện sẽ được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất đầu tư nhà máy xử lý vỏ, hạt trái cây trở thành dạng nguyên liệu thô để chúng không còn khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa thành phẩm ở giai đoạn 1 trở thành nguyên liệu phối trộn với một số nguyên liệu khác để trở thành phân bón hữu cơ phục vụ chuyên biệt cho từng loại cây trồng cụ thể như sầu riêng, mít, lúa, rau màu…”.
Hiện nay, nhà máy này đang vận hành thử nghiệm giai đoạn 1. Nhà máy được đầu tư trên 15 tỷ đồng trên diện tích hơn 1ha, với hệ thống thiết bị máy móc hiện đại, có công suất thiết kế xử lý khoảng 100 tấn vỏ, hạt trái cây mỗi ngày. Tuy nhiên, do đang vận hành ở giai đoạn thử nghiệm nên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 60% công suất, thu hồi từ 30 – 50% (30 tấn) nguyên liệu thô mỗi ngày.
Sau khi tiếp nhận tại nguồn thải, rác sẽ được vận chuyển về khu tiếp nhận của nhà máy. Tại đây, chúng được đưa qua khu xử lý vi sinh và tiếp tục trải qua các công đoạn nghiền, tách nước, sấy khô. Sau sấy khô sẽ tiếp tục đưa ra nhà màng để ủ vi sinh trong khoảng 7 ngày. Cuối cùng, chúng sẽ được nghiền nát, trở thành dạng nguyên liệu tơi xốp, rất giàu dinh dưỡng và an toàn với môi trường, có thể dùng bón cho cây trồng, tuy nhiên cần được phối trộn thêm các nguyên liệu để phù hợp với từng loại cây trồng.
Giai đoạn 1 nhà máy đã xử lý vỏ các loại trái cây như xoài, sầu riêng, thanh long… góp phần giúp các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trái cây tại tỉnh Tiền Giang giải quyết vấn đề trước mắt là thu gom, xử lý rác thải đúng quy định, không gây ô nhiễm môi trường.
Ông Dương Hoàng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH DTH Môi trường xanh cho biết thêm: “Trước mắt giai đoạn 1 chúng tôi sẽ tập trung xử lý những rác hữu cơ, vỏ trái cây để không còn gây ô nhiễm môi trường. Sau khi xử lý xong ở giai đoạn 2 thì có thể thương mại hóa để phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, dự kiến giữa năm sau chúng tôi sẽ thực hiện giai đoạn 2”.
Nói về việc đưa vào vận hành nhà máy xử lý vỏ, hạt trái cây để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Trưởng Bộ môn Nông học (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết, phân bón hữu cơ vi sinh được ủ từ vỏ, hạt trái cây rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vỏ xoài, vỏ sầu riêng.
Theo TS Trúc, trong quá trình thâm canh cây ăn quả, nông dân bón thêm phân bón cho quả ngọt, béo. Khi dinh dưỡng vào nuôi trái, chúng được tích lũy trong thịt quả, vỏ quả và kể cả hạt. Do đó, sử dụng vỏ quả, hạt để ủ phân hữu cơ sẽ trả chúng lại cho đất, việc này rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề ở đây chính là quy trình công nghệ xử lý, ủ phân bón phải đảm bảo sạch mầm bệnh thì bón cho cây trồng mới đạt hiệu quả cao.
Theo ông Trình Văn Sỹ, chủ vựa kinh doanh sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) nhà máy xử lý vỏ trái cây, trong đó có vỏ trái sầu riêng là rất cần thiết giúp giải quyết được số lượng vỏ trái cây đang tồn đọng từ nhiều năm qua, góp phần giúp doanh nghiệp chế biến trái sầu riêng xuất khẩu và xử lý triệt để vấn nạn vứt bỏ vỏ sầu riêng tràn lan gây ô nhiễm môi trường.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/nha-may-bien-vo-trai-cay-thanh-phan-bon-huu-co-dau-tien-o-tien-giang-d410058.html