Chiều 19.6, tiếp tục chương trình kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Theo dự thảo luật, ngoài các điều kiện đảm bảo PCCC như nhà ở thông thường, nhà ở kết hợp kinh doanh còn phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở và khu vực kinh doanh.
Nhà chỉ rộng 30 m2, yêu cầu ngăn khói có khả thi?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho rằng, quy định về giải pháp ngăn cháy như dự thảo còn rất chung chung.
Theo nữ đại biểu, nhà ở kết hợp kinh doanh có nhiều loại, từ việc kinh doanh bán nước, nhà hàng, nhà trọ cho đến sửa xe… Rồi giải pháp ngăn cháy ở đây cần hiểu là ngăn như thế nào, thực hiện ra sao…?.
Dự thảo luật không nêu rõ các vấn đề trên, cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này. Vì thế, bà Dung đề xuất bổ sung giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết liên quan đến công tác đảm bảo PCCC đối với các loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh.
Cùng quan tâm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) nhắc lại năm 2019, Quốc hội từng yêu cầu Chính phủ đôn đốc các địa phương trong việc xử lý các cơ sở vi phạm PCCC. Thời điểm ấy, số lượng là 5.800 cơ sở không đảm bảo PCCC.
Đến nay, các cơ quan rà soát thì lại phát hiện hơn 39.500 công trình hiện hữu còn tồn tại về PCCC ở mức độ khó hoặc không thể khắc phục; hơn 8.000 công trình chưa được nghiệm thu PCCC, chưa khắc phục đầy đủ yêu cầu về an toàn PCCC. Trong khi đó, dự thảo luật đặt ra các yêu cầu cao hơn về PCCC, liệu có đảm bảo tính khả thi?
Ông Giang lấy ví dụ với trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh phải có giải pháp ngăn cháy. “Tôi đảm bảo tất cả nhà mặt phố đều vi phạm hết, nhà có 30 m2 mà bảo có giải pháp ngăn khói thì không bao giờ làm được, sẽ đóng cửa hết”, ông Giang nói.
Vẫn theo vị đại biểu đoàn Đắk Nông, đặc trưng ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM là nhà dạng ống, dưới kinh doanh, trên để ở. Yêu cầu có giải pháp ngăn khói là rất khó.
Từ thực tiễn trên, ông Giang đề nghị dự thảo luật cần có điều khoản chuyển tiếp. Các công trình không đáp ứng điều kiện về PCCC theo quy định tại luật mới cần có thời gian để xử lý, chứ không thể thực hiện ngay khi luật có hiệu lực, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.
Xây dựng phương án thoát nạn cho từng gia đình
Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Lê Trường Lưu (đoàn Thừa Thiên – Huế) đề cập tới việc chi phí dành cho công tác đảm bảo PCCC theo quy định hiện là khá lớn. Có nhà máy tổng mức đầu tư 150 triệu USD thì mất đến 12 triệu USD dành cho công tác PCCC bổ sung.
Vì thế, ông Lưu đề nghị cần nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn sao cho phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, nền sản xuất.
Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) thì cho rằng một những nguyên nhân lớn gây ra các vụ cháy là do việc sử dụng nguồn điện. Một là không đảm bảo chất lượng, hai là sử dụng không đúng cách.
Thực tế, nhiều thiết bị điện không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, khi sử dụng với công suất lớn sẽ dẫn tới chập cháy.
Dự thảo luật có đưa ra các quy định yêu cầu bảo đảm chất lượng thiết bị điện, nhưng ông Công cho rằng mức độ còn nhẹ, cần mạnh mẽ hơn. Ông kiến nghị phải ràng buộc trách nhiệm của từng bộ, ngành có liên quan, từ việc đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật rồi loại trừ hàng giả, kém.
Đồng thời, vị đại biểu tỉnh Thái Nguyên đề nghị cần xây dựng phương án phòng chống cháy nổ đối với các công trình nhà ở riêng lẻ, để mỗi gia đình có thể thiết kế phương án thoát nạn cho riêng mình khi xảy ra cháy. Có như vậy, hiệu quả PCCC mới cao, mới đảm bảo nguyên tắc phòng cháy là chính.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-mat-pho-30-m2-bao-phai-co-giai-phap-ngan-khoi-thi-khong-lam-duoc-185240619171454395.htm