Tạp chí Frontiers in Energy Research thuộc Nhà xuất bản Frontiers vừa gỡ bỏ bài báo của nhóm tác giả Malaysia, Bangladesh, Trung Quốc và Việt Nam.
Biên tập viên bình duyệt, người phản biện đều có quan hệ với nhóm tác giả bài báo
Bài báo bị gỡ bỏ có tên Optimization of Pyrolysis Parameters for Production of Biochar From Banana Peels: Evaluation of Biochar Application on the Growth of Ipomoea aquatica, được xuất bản ngày 16-2-2021.
Tác giả Việt Nam có tên trong bài báo bị gỡ là TS Võ Nguyễn Đại Việt (tác giả thứ 7), phó viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững Trường đại học Nguyễn Tất Thành.
Ông Việt là một trong bốn người Việt Nam lọt vào “top 1% được trích dẫn cao nhất thế giới” của Clarivate, đồng thời nằm ở vị trí thứ 17 trong số 47 người Việt vào “top nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới” trong bảng xếp hạng của GS John P.A. Ioannidis cùng các cộng sự thuộc Đại học Stanford.
Theo thông báo gỡ bài, Nhà xuất bản Frontiers đã phát hiện bằng chứng về nhiều mâu thuẫn lợi ích không được khai báo, gây xói mòn sự liêm chính của quá trình bình duyệt. Mâu thuẫn lợi ích không được khai báo khiến Frontiers phải gỡ bài là cả biên tập viên phụ trách quá trình bình duyệt và các phản biện đều có quan hệ với nhóm tác giả bài báo.
Mối quan hệ không được khai báo giữa 5 người là tác giả
Theo thông tin các nhà khoa học cung cấp cho Tuổi Trẻ Online ngay sau khi bài báo trên bị gỡ bỏ, tác giả liên hệ của bài báo là Pau Loke Show ghi địa chỉ Đại học Nottingham Malaysia. Đáng chú ý, ông Đại Việt và Pau Loke Show là đồng tác giả trong ít nhất 12 bài báo.
Biên tập viên phụ trách quá trình bình duyệt bài báo là Su Shiung Lam tại Đại học Malaysia Terengganu, đồng tác giả thường xuyên với ông Việt và Pau Loke Show. Su Shiung Lam đã đứng tên chung với ông Việt trong ít nhất 15 bài báo và với Pau Loke Show trong 11 bài.
Bài báo vừa bị gỡ bỏ nộp cho tạp chí Frontiers in Energy Research ngày 4-12-2020 và được chấp nhận công bố chỉ chưa đầy 3 tuần sau đó, vào 23-12-2020. Biên tập viên Su Shiung Lam là đồng tác giả với Võ Nguyễn Đại Việt và Pau Loke Show cả trước, sau và thậm chí trong quá trình bình duyệt bài báo này.
Một trong ba người phản biện của bài báo bị gỡ bỏ là TS Nguyễn Thị Đông Phương, khoa công nghệ hóa học – môi trường Trường đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). Bà Phương cũng là đồng tác giả rất thường xuyên với Pau Loke Show. Hai người này đã đứng tên chung trong ít nhất 17 bài báo.
Một phản biện khác của bài báo bị gỡ bỏ là Chin Kui Cheng ghi địa chỉ Đại học Khalifa, United Arab Emirates. Người này cũng là đồng tác giả thường xuyên với Võ Nguyễn Đại Việt và Pau Loke Show.
Chin Kui Cheng đã đứng tên chung với ông Đại Việt trong ít nhất 12 bài báo và với Pau Loke Show trong 10 bài. Có bài báo cả tác giả Võ Nguyễn Đại Việt, phản biện Chin Kui Cheng lẫn biên tập viên Su Shiung Lam đều là đồng tác giả.
“Mối quan hệ không được khai báo giữa năm người là tác giả Võ Nguyễn Đại Việt, tác giả liên hệ Pau Loke Show, phản biện Nguyễn Thị Đông Phương, phản biện Chin Kui Cheng và biên tập viên Su Shiung Lam là mâu thuẫn lợi ích, gây xói mòn sự liêm chính của quá trình bình duyệt, khiến Nhà xuất bản Frontiers phải gỡ bài”, một nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài nhận định.
Ông Võ Nguyễn Đại Việt làm cách nào để công bố 3 ngày 1 bài báo khoa học?
Ông Võ Nguyễn Đại Việt đã đăng hơn 500 bài báo khoa học với gần 1.400 đồng tác giả. Trong năm 2021 và 2022, ông công bố khoảng 120 bài/năm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Việt xác nhận theo cơ sở dữ liệu của SCOPUS được trích xuất vào ngày 26-11-2023, ông và các cộng sự công bố năm 2021: 120 bài, năm 2022: 119 bài báo khoa học với địa chỉ công tác tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành và các đơn vị nước ngoài.
Lý giải về năng lực công bố quốc tế “khủng” này, ông Việt cho biết: “Từ dữ liệu cho thấy phần lớn công bố của tôi liên quan nhiều đến công tác biên tập như bài báo biên tập tổng quan, sách biên tập, chương sách biên tập, lời nói đầu, thư gửi biên tập và bài đính chính đã góp phần làm tăng số lượng công bố trong năm (năm 2021: 55,24%; năm 2022: 71,13%); và chủ yếu là tác giả phụ trong các công bố khoa học (năm 2021: 90,48%; năm 2022: 78,35%)”.
Ông Việt cho hay còn có kinh nghiệm bình duyệt và là biên tập viên của nhiều tạp chí quốc tế chuyên ngành (phó biên tập và trợ lý biên tập của nhiều tạp chí uy tín quốc tế). Ông đã tham gia biên tập trên 40 chuyên đề đặc biệt với vai trò biên tập viên khách mời, có 18 năm kinh nghiệm nghiên cứu, bình duyệt (top 1%).
“Thực tế là tùy vào từng công trình đã công bố, tôi đã có những đóng góp nhất định vào một vài công việc như sau: tham gia đề xuất hướng nghiên cứu, hoặc phương pháp nghiên cứu; chia sẻ cơ sở dữ liệu khoa học, hoặc tham gia đo đạt một số chỉ tiêu khảo sát liên quan đến hướng nghiên cứu khoa học môi trường, phát triển bền vững; thảo luận và phân tích một số kết quả của đề tài; tham gia chỉnh sửa bản thảo và trả lời phản biện của bài báo.
Ngoài ra, thực tế rất nhiều nhà khoa học trẻ trên thế giới đã liên hệ với tôi, nhờ thảo luận, phân tích kết quả và đưa ra nhận định, chỉnh sửa bài báo khoa học, vì tôi có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và công tác biên tập. Vì những đóng góp này, tôi xứng đáng là đồng tác giả trong các bài báo hợp tác quốc tế”, ông Việt nói.
Bên cạnh đó, ông còn cho biết các công bố phối hợp theo hướng hợp tác với nhiều nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học ở các nước khác nhau là các đối tác quốc tế uy tín.
“Do có đóng góp với mức độ nhất định và phù hợp trong đề tài và bản thảo bài báo, tôi rất xứng đáng là tác giả phụ trong các bài báo này theo như thông lệ nghiên cứu và công bố quốc tế, cũng như các quy định của COPE (Committee on Publication Ethics) về đạo đức nghiên cứu và công bố khoa học”, ông khẳng định.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-khoa-hoc-viet-trong-top-anh-huong-nhat-the-gioi-ly-giai-cong-bo-3-ngay-1-bai-bao-20240616194717691.htm