TS. Phạm Huy Hiệu đã công bố 50 bài báo trên các tạp chí và hội thảo khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Anh cũng đã có 2 giải pháp công nghệ được công bố sáng chế, 4 giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu Vàng năm 2023 cho các cá nhân.
TS. Hiệu cũng là chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm 6 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, không chỉ trong nước mà còn là người dẫn dắt các dự án nghiên cứu quốc tế. Theo thống kê của Google Scholar, các xuất bản khoa học của anh về Thị giác máy tính (Computer Vision) và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe (AI in Medicine) được trích dẫn hơn 1.100 lần chỉ sau bốn năm hoàn thành chương trình tiến sĩ. Những đóng góp này được ghi nhận và tạo ảnh hưởng tới cộng đồng khoa học quốc tế.
Hai công trình nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc sức khoẻ số (Digital Health) mà TS. Hiệu tâm đắc nhất là “Giải pháp VAIPE: Hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt” và “Nghiên cứu và xây dựng các cơ sở hình ảnh y tế quy mô lớn hỗ trợ xây dựng các mô hình dự đoán sớm bệnh lý”.
TS. Phạm Huy Hiệu Đại diện đơn vị tổ chức bấm nút khởi động cuộc thi GDSC Hackathon Việt Nam 2024.
Hệ thống VAIPE do nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Sức khỏe thông minh VinUni-Illinois, trường Đại học VinUni và các cộng sự tại Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển. Đây là công nghệ sức khỏe số sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), có chi phí thấp, dễ sử dụng và tiếp cận ở quy mô lớn nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Giải pháp này được đánh giá cao về công nghệ mới, mức độ sáng tạo và giành chiến thắng tại AI Awards 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng.
Theo TS. Phạm Huy Hiệu, đây là lần đầu tiên các thuật toán AI mới sử dụng mạng đồ thị (graph neural networks) và kỹ thuật học đối sánh (contrastive learning) được giới thiệu cho phép nhận diện chính xác các loại thuốc từ dữ liệu hình ảnh và có khả năng phát hiện thuốc uống sai đơn. Chức năng tự động nhận dạng thuốc qua hình ảnh chụp viên thuốc sẽ giúp tìm kiếm thông tin (công dụng, liều dùng) cùng các khuyến cáo về tác dụng phụ khi sử dụng. Tính năng này được kỳ vọng giúp giám sát quá trình sử dụng thuốc để tránh những sai sót. Ưu điểm thứ hai là giúp bác sĩ tiếp cận các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân theo thời gian thực và đưa ra khuyến cáo cần thiết. Hệ thống tự động trích xuất và nhận dạng thông tin từ hình chụp đơn thuốc, giúp lập lịch và quản lý uống thuốc. Qua đó, người dùng có thể tiếp cận các thông tin phân tích về sức khỏe cá nhân kịp thời.
TS Phạm Huy Hiệu và sinh viên tham gia trình bày nghiên cứu tại Hội nghị IEEE Statistical Signal Processing tổ chức ở Trường đại học VinUni.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng nền tảng di động tích hợp AI cho phép thu thập dữ liệu tập trung để hình thành hồ sơ sức khỏe, hỗ trợ quản lý điều trị bệnh. Các chỉ số như thông tin thuốc, nhịp tim, huyết áp… được thu thập theo thời gian thực giúp xây dựng cơ sở dữ liệu quy mô lớn phục vụ phát triển thuật toán AI cảnh báo sớm và theo dõi tiến trình phát triển bệnh.
Đồng thời, hệ thống còn tích hợp nền tảng học phân tán cho phép bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng. Nguồn dữ liệu lớn và phong phú được mở cho cộng đồng khoa học và sử dụng làm nền tảng xây dựng chính sách và phát triển các dịch vụ y tế công cộng để mang lại lợi ích cho người Việt.
TS Phạm Huy Hiệu cho biết: “Trong suy nghĩ của chúng tôi, các giải pháp y tế thông minh và y tế số chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng được dễ dàng tiếp cận bởi mọi người dân, không phân biệt mức thu nhập hay nơi ở. Rộng hơn nữa, các tiến bộ về khoa học công nghệ phải được mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả mọi người ở quy mô càng lớn càng tốt”.
Lực lượng trẻ ngành công nghệ và khoa học tại Việt Nam đang được góp phần xây dựng từ những người giàu đam mê và tài năng.
Trung tâm nghiên cứu Sức khỏe thông minh VinUni-Illinois do trường Đại học VinUni phối hợp cùng Đại học Illinois Urbana-Champaign (UIUC) – Mỹ hợp tác phát triển trong lĩnh vực công nghệ sinh học và khoa học dữ liệu. Đây là dự án được Tập đoàn Vingroup tài trợ 13,5 triệu USD hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển các công trình nghiên cứu có tác động tích cực đến sức khỏe của con người với chi phí thấp và dễ tiếp cận.
Còn với dự án “Nghiên cứu và xây dựng các cơ sở hình ảnh y tế quy mô lớn hỗ trợ xây dựng các mô hình dự đoán sớm bệnh lý” hướng tới thu thập, chuẩn hóa và dán nhãn các cơ sở hình ảnh y tế quy mô rất lớn để phục vụ phát triển các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ khoanh vùng tổn thương và phân loại sớm các bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý nguy hiểm và thường gặp tại Việt Nam.
TS. Phạm Huy Hiệu cho biết: “Nhóm nghiên cứu đã công bố 5 bộ dữ liệu quy mô lớn về chẩn đoán hình ảnh y khoa, được mở hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế”. Các bộ dữ liệu này đã được hàng trăm nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới trích dẫn và khai thác để đánh giá hiệu quả của các thuật toán, mô hình học máy dựa trên dữ liệu. Sinh viên các trường đại học kỹ thuật trên khắp cả nước cũng đã sử dụng các bộ dữ liệu này phục vụ học tập và nghiên cứu. Nghiên cứu này là một phần trong nỗ lực của chúng tôi trong việc giải các bài toán của người Việt, đồng thời thúc đẩy khoa học mở (open science) và dữ liệu mở (open data).
TS. Phạm Huy Hiệu tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2015, sau đó tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về khoa học máy tính tại Viện Đại học Toulouse (Pháp) và học giả sau tiến sĩ tại Đại học UIUC – Hoa Kỳ. Anh trở về Việt Nam với mong muốn phát triển và ứng dụng các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong y tế thông minh và y tế số.
TS. Phạm Huy Hiệu nói: “Tôi cho rằng xác định đúng bài toán và mục tiêu nghiên cứu là điều vô cùng quan trọng. Những hướng nghiên cứu có tính tiên phong và gắn với mục tiêu vì cộng đồng sẽ là động lực để các nhà nghiên cứu vượt qua những khó khăn, tạo ra những thành tựu và đóng góp ý nghĩa cho xã hội”.
TS. Phạm Huy Hiệu, TS. Nguyễn Quý Hà, Ths. Nguyễn Thành Nhân (từ trái sang) – các nhà phát triển chính của giải pháp VinDr – phân tích hình ảnh y tế toàn diện ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI).
Cuối năm 2019, TS. Phạm Huy Hiệu về nước và làm việc tại Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Vingroup với vai trò chuyên gia nghiên cứu. Đến nay, TS. Phạm Huy Hiệu là giảng viên tại Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính, kiêm Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe thông minh VinUni-Illinois, Giám đốc Khoa học Trung tâm khởi nghiệp tại trường Đại học VinUni.
“Kỳ vọng của tôi là Việt Nam sẽ có một thế hệ các nhà khoa học trẻ hùng hậu, tài năng, có trí tuệ và khát vọng cống hiến mạnh mẽ để tham gia vào lực lượng dẫn dắt sự phát triển của công nghệ và khoa học, đặc biệt là các lĩnh vực mũi nhọn giúp định hình tương lai của đất nước. Tôi cũng kỳ vọng đất nước có nhiều hơn nữa các trung tâm học thuật xuất sắc nơi các nhà khoa học có thể phát huy tối đa các nguồn lực nghiên cứu. Tôi tin rằng vai trò của các nhà khoa học nằm ở chỗ sử dụng hiệu quả các nguồn lực nghiên cứu được cung cấp để tạo ra các công trình, giải pháp có ảnh hưởng và tác động tích cực để mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi thấy ngày càng nhiều các nhà khoa học trẻ trở về nước dấn thân vì khoa học và tạo dựng được những thành tựu trong nghiên cứu và đào tạo. Chúng tôi đều có niềm tin chung về tương lai tươi đẹp của đất nước và cùng chung tay góp phần tạo dựng tương lai ấy”, TS. Hiệu chia sẻ.
Bài viết: Lê Vân/Báo Tin tức
Ảnh: TTXVN, Nhân vật cung cấp
Trình bày: Tuệ Thy