Bộ quần áo mới của Hoàng đế là truyện ngắn của nhà văn Hans Christian Andersen – tác giả truyện thiếu nhi nổi tiếng từ những năm 1800 đến nay.
Câu chuyện kể về việc hai người thợ dệt hứa với vị hoàng đế rằng: Họ sẽ dệt cho ông một bộ y phục mà khi ông mặc vào thì những kẻ ngu ngốc, bất tài hoặc bất xứng với địa vị của họ sẽ không thể nhìn thấy.
Truyện ngắn này đã được dịch sang hơn 100 ngôn ngữ và được chuyển thể sang nhiều thể loại khác nhau như phim, hoạt hình, kịch, nhạc kịch, ballet, ca khúc. Bộ quần áo mới của Hoàng đế kinh điển và nổi tiếng đến độ trở thành một thành ngữ về tình huống mà “không ai tin, nhưng mọi người đều tin rằng tất cả những người khác đều tin”.
Ở phiên bản của Nhà hát Kịch Việt Nam, tác giả Minh Nguyệt đã viết kịch bản phỏng tác câu chuyện, với nhiều thay đổi mới mẻ và phù hợp với khán giả nhí hiện nay. Đặc biệt, đạo diễn người Nhật Bản, Hiroyuki Muneshige tạo dấu ấn mới khi thể hiện tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ mang tính giải trí cao, như kịch nói, kịch câm, vũ đạo, âm nhạc, ánh sáng…
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Nguyễn Xuân Bắc chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn trở thành đơn vị đi đầu trong việc đáp ứng nhu cầu giải trí của thiếu nhi trong mùa hè này. Bộ quần áo mới của hoàng đế là một tác phẩm trọng điểm. Nội dung tác phẩm đã quen thuộc với khán giả, nên để hấp dẫn, Nhà hát Kịch Việt Nam đã mời đạo diễn người Nhật Bản Hiroyuki Muneshige dàn dựng. Ông đã thổi luồng gió đầy mới lạ trong cách kể câu chuyện này”.
Cũng theo NSND Xuân Bắc, vở kịch Bộ quần áo mới của Hoàng đế là tác phẩm mà dàn nghệ sĩ của Nhà hát rất tâm huyết. “Vở kịch đề cao sự tương tác giữa nghệ sĩ với khán giả, có những màn đối đáp từ trên sân khấu xuống ghế ngồi với không khí vui tươi, trẻ trung, khiến cho các em thích xem kịch hơn. Chúng tôi cũng mong muốn các em sẽ có tư duy nghệ thuật, cách cảm nhận về nghệ thuật chính xác để tránh tình trạng khi lớn lên không phân biệt được các loại hình nghệ thuật. Điều gây tò mò nhất trong vở kịch này là cách đạo diễn và ê kíp hóa giải tình huống hoàng đế mặc bộ trang phục mới – thực ra là không mặc gì – trên sân khấu. Khán giả, nhất là các bạn nhỏ, sẽ cười sảng khoái và tha hồ tưởng tượng trong tình huống này”- NSND Xuân Bắc nói.
NSƯT Kiều Minh Hiếu – Phó Giám đốc Nhà hát vào vai Hoàng đế trong vở kịch. Nam nghệ sĩ cho biết, so với những vai diễn khác ở truyền hình, kịch nói thì nhân vật Hoàng đế không làm khó anh, thậm chí anh thấy hứng thú khi vào vai một ông vua mê thời trang, thích quần áo mới.
“Tôi đã có gần 1 tháng để tập luyện vở kịch này. Tôi cũng muốn mang lại cảm xúc mới mẻ cho các em nhỏ bằng cách khiến cho các em cười và tương tác nhiều hơn. Khi mặc bộ quần áo ngắn cũn cỡn đi lại trên sân khấu tôi cũng không thấy ngại vì nhân vật này lột tả một ông vua chỉ mải mê thích thời trang, khi bị nịnh thần lừa mà không biết nên mới dẫn đến tình huống dở khóc dở cười như vậy…”, NSƯT Kiều Minh Hiếu chia sẻ.
Ngoài NSƯT Kiều Minh Hiếu, vở kịch còn có sự tham gia của nghệ sĩ Hồ Liên, Hồng Quang, Hoàng Nhật, Thu Hồng, Xuân Nam, Ngân Hoa…
Vở kịch sẽ chính thức được biểu diễn phục vụ khán giả từ ngày 20/5 đến hết 1/6 tại Nhà hát Star Galaxy (87 Láng Hạ), Hà Nội.
Trong dịp này, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng cho ra mắt vở kịch Rồng thần trở lại do bộ đôi NSND Xuân Bắc và NSND Tự Long dàn dựng nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi. Đây là phiên bản sân khấu đặc sắc từ tác phẩm truyện, phim đình đám Bảy viên ngọc rồng, được thể hiện dưới góc nhìn vô cùng mới mẻ nhưng cũng không kém phần hài hước, dí dỏm của các nghệ sĩ. Vở kịch chắc chắn sẽ mang đến những phút giây thư giãn, những tiếng cười thích thú cho các bạn nhỏ.
Qua đó, các bạn khán giả nhỏ tuổi sẽ thấy được sức mạnh của tinh thần đoàn kết, biết yêu cái đẹp, tránh xa cái xấu. Rồng thần trở lại sẽ xuất hiện trên sân khấu vào các ngày 24, 25, 26, 31/5; ngày 1 và 2/6 tại Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Rạp Đại Nam (89 phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Nguồn: https://toquoc.vn/nha-hat-kich-viet-nam-khoi-dong-mua-kich-danh-cho-thieu-nhi-20240504165534645.htm