Theo đó, “độc tài” gắn với tên ông nghĩa là vị tướng thâu tóm quyền lực và có tiếng nói “cao hơn vạn trượng” trong chế độ bán dân sự của La Mã cổ đại. Vì sao Caesar đạt được điều đó? Và để tiến trên con đường danh vị, ông đã trải qua những sự kiện nào? Thông qua tác phẩm tái hiện cuộc đời của nhà quân sự đại tài, tác giả Philip Freeman sẽ cho ta thấy chân dung toàn vẹn của một Caesar vĩ đại.
Từ tuổi thơ thiếu thốn…
Theo Freeman, tư liệu về Caesar đa số bắt đầu từ tuổi 16, khi ông bước vào chính trường. Từ đó về trước hầu như không có thứ gì còn lưu lại được, một phần vì các tư liệu đã bị hỏng sau hàng nghìn năm, và cũng một phần là do Caesar không xuất thân từ tầng lớp trâm anh thế phiệt của thời bấy giờ.
Đúng là ông thuộc dòng họ của giới quý tộc, thế nhưng đến thời Caesar thì đã “có tiếng mà không có miếng”. Ông chỉ bắt đầu dần được chú ý khi bước vào cuộc tranh giành quyền lực với Viện Nguyên lão, khi chú của ông – Marius, cùng với Cinna, chống lại “cơn lũ độc tài” của Sulla, người đã dùng quân đội để kiểm soát quân sự La Mã.
Tuy là con cháu của phe đối địch, thế nhưng Sulla lại khá thích thú với chàng trai trẻ có nhiều tiềm năng. Về phía Caesar, mặc cho phải rời quê hương để giữ mạng sống, nhưng ông cũng đã chứng minh bản lĩnh của mình. Freeman viết rằng vào những ngày đó, ông đã ngạo nghễ từ chối yêu cầu ly dị Cornelia (con gái của Cinna) theo ý Sulla, cũng như sau này sẽ đứng ở giữa quảng trường ca ngợi dì mình (vợ Marius) và rồi trưng bày gia sản người chú không hề ngượng ngùng…
Từ những nét chấm phá ấy, Freeman đã mang đến một gợi ý có phần hợp lý, là liệu phải chăng chính sự lớn lên từ một gia đình hoàn toàn bình thường giữa khu ổ chuột ở Subura đã tôi luyện nên một vị anh hùng đi theo chủ nghĩa dân túy? Freeman đã giả thiết rằng bởi lẽ chứng kiến tình cảnh lầm than, mà Caesar sau này kình chống kịch liệt với Viện Nguyên lão chỉ đang đại diện cho tầng lớp quý tộc, vơ vét tiền của đến từ ngưqqời nghèo.
Cũng tại nơi chốn tưởng ô hợp đó, Caesar bắt đầu thấm nhuần nhiều nền văn hóa. Từng được nuôi dạy trong một gia đình chỉ toàn phụ nữ khi cha mất sớm, tiếp xúc với những nô lệ đến từ khắp nơi… nên Caesar có sự nhạy bén nhất định, khi ngay từ nhỏ ông đã thành thạo tiếng Latin, Hy Lạp, Gaul và Ai Cập trước hầu hết mọi người. Kết hợp cùng với giáo dục La Mã tinh hoa, ông sớm trở thành một nhà hùng biện và nhà ngoại giao vô cùng ấn tượng.
Bám theo cuộc đời Caesar, Freeman cũng đã vạch nên những nét rất chính của xã hội La Mã thời đó. Đó là chế độ “nam trị”, là sự già cỗi của Viện nguyên lão, cũng như cho thấy con đường danh vị để từ một người bình thường có thể dấn bước vào trong chính trường… Kiến trúc, cảnh quan, giáo dục, văn hóa, xã hội… của nền cộng hòa La Mã cũng được tường thuật một cách sống động, đem đến góc nhìn tổng hòa về một thời đoạn vẫn còn khuyết thiếu trong đời Caesar.
… đến chính trị gia lỗi lạc
Nếu như phần đầu không có quá nhiều chi tiết để khắc họa lại, thì quãng đời sau của Caesar với thời chinh phạt và hoạt động chính trị năng nổ lại chứa đầy ắp thông tin đến từ rất nhiều tác phẩm còn lưu trữ lại. Freeman qua tác phẩm Chiến tranh xứ Gaul và Cuộc nội chiến do chính Caesar chấp bút, cũng đã mô tả một cách chi tiết hơn 3 thập kỷ ra trận cầm quân của vị anh hùng.
Freeman đã cho ta thấy thành công của ông luôn luôn đến từ tính chất quyết liệt và các quyết định không thể ngờ đến. Tưởng như không thể vượt qua lớp tuyết dày đến 2 m hay chèo thuyền vượt biển ở giữa mùa đông… Nhưng với Caesar, mọi thứ luôn luôn có thể, và chính điều đó cũng không ít lần mang đến chiến thắng cho ông. Bằng kỷ luật sắt, ông đã rèn luyện quân đội của mình thành một đội quân vô cùng thiện chiến. Nhưng hơn cả thế, ông cũng là nhà tâm lý chiến đại tài, khi biết cương – nhu thích hợp, nương theo tình hình.
Từ đó chiến tranh xứ Gaul với tộc người Celt, hai lần đổ bộ lên trên nước Anh cũng như cuộc nội chiến Ý với người “con rể” Pompey bùng phát từ Roma, Hy Lạp, Ai Cập… cho đến châu Phi đã được tái hiện đầy ắp sự kiện và rất sống động. Tuy vậy Freeman chưa hẳn trung dung ở vài sự kiện mà các sử gia vẫn chưa thống nhất. Như các chi tiết về cuộc tranh đấu trong gia tộc Ptolemy của Cleopatra hay là bản chất về mối quan hệ của hai người họ…
Ngoài các tác phẩm Caesar chấp bút, Freeman cũng đã kết hợp nhiều nguồn thông tin có độ tin cậy. Đó là thư từ của Cicero cùng thời, là tác phẩm của những nhà viết tiểu sử nổi tiếng như Plutarch (Hy Lạp) hay Suetonius (La Mã)… cũng như của các sử gia hiện đại, từ đó hoàn thành nên bức tranh chung về vị chính trị gia vĩ đại.
Dù thế cho đến cuối cùng thì sau quãng đời chìm nổi, qua sự ám sát vô cùng đớn hèn, thì Julius Caesar cũng sẽ hiện lên trong tác phẩm này là người luôn hướng về phía dân chủ, cũng như mong muốn xây dựng La Mã vĩ đại. Trong thời đại mình, ông đã khuấy động những “cơn bão lớn” với Viện Nguyên lão không nhằm mục đích gì khác để thải loại đi những thứ thủ cựu, cũng như đảm bảo một nền dân chủ hoàn toàn công bằng gắn với tiến bộ.
Tuy vậy ông đã bị giết chính bởi điều đó, và rồi những kẻ chủ mưu cũng không thể giữ được nền cộng hòa đứng vững bền hơn. Bằng cách viết đơn giản, dễ hiểu, kết hợp với các sử liệu rất đáng tin cậy… Philip Freeman qua tác phẩm này đã họa nên bức chân dung sống động về một con người đã ghi tên mình vào trong lịch sử, một lần và mãi mãi.
Philip Freeman là giáo sư Khoa học nhân văn tại Đại học Pepperdine, ở Malibu, California. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard về Ngữ văn cổ và Ngôn ngữ – Văn học Celt. Ông đã xuất hiện trên nhiều chuyên trang phê bình văn học nổi tiếng, với bộ 3 tiểu sử về các nhân vật Hannibal, Alexander Đại đế và Julius Caesar.