Thị trường quản lý gia sản Việt Nam được đánh giá có quy mô 600 tỷ USD vào năm 2027. Trong sân chơi này, ngân hàng đang là người chơi tiên phong, dẫn dắt thị trường.
Ngân hàng tiên phong tại thị trường 600 tỷ USD
Theo đánh giá của McKinsey, thị trường quản lý gia sản của Việt Nam ước đạt quy mô 600 tỷ USD vào năm 2027, dư địa khai thác còn rất lớn, nhắm vào khách hàng từ tầng lớp trung lưu tới tầng lớp có thu nhập ròng cao.
Hiện thị trường Việt Nam có một số loại hình tổ chức tham gia quản lý gia sản: ngân hàng TMCP trong nước, ngân hàng TMCP nước ngoài hiện diện tại Việt Nam; các công ty quản lý quỹ, các công ty bảo hiểm và một số fintech quản lý gia sản.
Trong đó, nhờ mạng lưới phân phối lớn, hệ sinh thái đa dạng (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm…) và tệp khách hàng rộng lớn, các ngân hàng đang dẫn đầu thị trường, đưa ra nhiều giải pháp quản lý gia sản cho khách hàng. Một số ngân hàng bắt tay với ngân hàng ngoại để nâng cao chuyên môn về quản lý gia sản.
Những năm gần đây, các ngân hàng rầm rộ triển khai dịch vụ khách VIP, nhằm tư vấn đầu tư và giúp khách hàng có tổng tài sản lớn quản lý tài sản hiệu quả nhất. Theo đó, ngân hàng không còn thuần túy là nơi gửi tiền tiết kiệm, mà còn là nơi giúp khách hàng được tư vấn mục tiêu tài chính, triển khai chiến lược đầu tư sinh lời hiệu quả, giảm thiểu rủi ro.
Thông thường, dịch vụ quản lý gia sản tại các ngân hàng được cá nhân hóa để chuyên gia tư vấn đưa ra lời khuyên phù hợp nhất. Đơn cử, tại VPBank, dịch vụ quản lý tài sản cho khách hàng ưu tiên gần như được “may đo” theo chân dung khách hàng, bao gồm độ tuổi, thói quen, sở thích, lĩnh vực kinh doanh và mối quan tâm về tài chính. Đại diện VPBank cho hay, việc cá nhân hóa dịch vụ tài chính giúp đáp ứng linh hoạt và tùy chỉnh cho khách hàng.
Ông Ngô Thành Huấn, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, thành viên Hội đồng Chuyên gia của Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, dịch vụ quản lý tài sản cho khách VIP tại các ngân hàng nở rộ 5 năm qua. Tuy vậy, chiếm thị phần lớn chủ yếu là các ngân hàng nước ngoài có nhiều kinh nghiệm lĩnh vực này như HSBC, Standard Chartered và một số ngân hàng lớn trong nước như Techcombank, VPBank, BIDV…
“Các định chế tài chính nói chung đang nhắm đến thị trường rất tiềm năng là thị trường quản lý gia sản. Một chuyên viên tư vấn và quản lý khách hàng ưu tiên tại ngân hàng có rất nhiều công cụ trong tay (tiền gửi, tín dụng, bảo hiểm, chứng chỉ quỹ, trái phiếu) và rất phù hợp để họ thay đổi cách tiếp cận từ thúc đẩy sản phẩm sang khách hàng là trọng tâm”, ông Huấn nói.
Dù các ngân hàng thương mại trong nước phát triển mạnh mẽ và nắm giữ các vị thế hàng đầu, song theo chuyên gia phân tích McKinsey, các giải pháp, sản phẩm quản lý gia sản của các ngân hàng vẫn ở giai đoạn sơ khai. Các ngân hàng vẫn đang trong quá trình thử nghiệm để tìm kiếm mô hình hoạt động phù hợp.
Nhà đầu tư ưa mạo hiểm, nhưng chưa biết cách tiêu tiền
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà đầu tư Việt Nam có khuynh hướng thích đầu tư, ưa mạo hiểm, điều này tạo nên tiềm năng lớn cho thị trường quản lý gia sản. Tuy vậy, đa phần nhà đầu tư thiếu kiến thức về hoạch định tài chính cá nhân. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều nhà đầu tư thua lỗ, thậm chí bị lừa đảo khi tự tham gia đầu tư.
Việt Nam hiện mới tập trung vào quản lý tài chính công và tài chính doanh nghiệp, mảng tài chính cá nhân gần như bị bỏ trống, người dân rất yếu kém trong quản lý tài chính cá nhân, bao gồm lập ngân sách chi tiêu, tiết kiệm, lên danh mục quản lý sản phẩm đầu tư, quản trị rủi ro. Hiện mức độ hiểu biết về tài chính của người Việt còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Một khảo sát của Hiệp hội Tư vấn tài chính (VFCA) thực hiện tại Hà Nội cho thấy, 80% người dân Thủ đô không biết tài chính cá nhân là gì.
“Người dân không biết tiêu tiền và đầu tư là một sự lãng phí, đất nước không thể phát triển được”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế lo lắng và cho rằng, cách tốt nhất để phát triển thị trường quản lý tài sản là phải nâng cao trình độ tài chính cá nhân.
Theo TS. Lực, nên đưa giáo dục tài chính cá nhân vào cấp học phổ thông, vào chương trình học cấp 3 như một môn học phổ thông giống như nhiều nước khác đang làm. Các trường đại học cũng nghiên cứu việc thành lập ngành đào tạo hoạch định tài chính cá nhân để tạo ra thế hệ tư vấn viên chuyên nghiệp và chính quy.
Các chuyên gia cũng cho rằng, mỗi người dân nên học cách quản lý tài chính cá nhân, bắt đầu từ việc gia tăng thu nhập, tiết kiệm, lên danh mục chi tiêu, sau đó là đầu tư. Đối với việc đầu tư, người dân nên tìm đến các trung gian tư vấn nếu không am hiểu các kênh đầu tư.
Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai – năm 2024/Vietnam Wealth Advisor Summit (VWAS) 2024 – diễn đàn duy nhất do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức sẽ diễn ra vào thứ Năm, ngày 6/6//2024, tại Khách sạn Pullman, Hà Nội.
VWAS 2024 có chủ đề “Ứng biến trong vạn biến/Adapting to Uncertainties”, với sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín trong nước và quốc tế. Diễn đàn sẽ thảo luận chuyên sâu về các kịch bản kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng; về các cơ hội, tỷ trọng các tài sản đầu tư nhằm đạt hiệu quả trong danh mục và chuyên sâu về danh mục cổ phiếu.
Nguồn: https://baodautu.vn/nha-dau-tu-ua-mao-hiem-nhung-chua-biet-cach-tieu-tien-d215303.html