Cổ phiếu VinFast được dự báo tăng gần gấp đôi
Tuần qua, thị trường xe điện toàn cầu kém khởi sắc khi những tên tuổi lớn của ngành là Tesla “cài số lùi” mạnh mẽ khiến tỷ phú Elon Musk mất hàng tỷ USD. Đồng thời, theo Market Watch, cổ phiếu của các công ty khởi nghiệp xe điện Fisker (FSR), Rivian Automotive (RIVN) và Lucid (LCID) đều thấp hơn.
Có thời điểm, giá cổ phiếu VinFast tăng tới 36%. Đêm qua, mã này điều chỉnh nhẹ nhưng vẫn được giới đầu tư đặt niềm tin.
Market Watch cho biết cổ phiếu VinFast đã nhận được hai mức xếp hạng của nhà phân tích kể từ khi sáp nhập với SPAC hồi tháng 8. Cả hai khuyến nghị đưa ra đều là “Mua”. Mục tiêu giá trung bình của nhà phân tích là 9 USD. Một nhà phân tích có mục tiêu giá 11 USD.
Như vậy, nếu VinFast có diễn biến theo đúng dự báo của giới chuyên gia quốc tế, giá cổ phiếu này sẽ tăng gần gấp đôi so với thời điểm hiện tại.
Và cuối cùng, Market Watch đánh giá: “VinFast vẫn là một start-up xe điện đắt giá”.
VinFast nhận được sự quan tâm của giới đầu tư trong nước cũng như quốc tế khi tỷ phú người Ấn Độ Gautam Shantilal Adani đã chia sẻ về buổi gặp gỡ với Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng trên trang Twitter cá nhân.
Trong buổi gặp, 2 doanh nhân cùng có mặt trong danh sách “Những người giàu nhất thế giới” do Forbes bình chọn đã cùng thảo luận về những cơ hội kinh doanh tiềm năng giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Người giàu thứ 2 Ấn Độ và giàu thứ 23 thế giới cho biết ông thực sự được truyền cảm hứng bởi hành trình khởi nghiệp ấn tượng của ông Phạm Nhật Vượng. Tỷ phú Adani ấn tượng về khả năng lãnh đạo có tầm nhìn của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.
Tranh mua cổ phiếu “họ VIN”, nhà đầu tư thắng đậm
Sự thăng hoa của VinFast trên sàn Nasdaq đã truyền cảm hứng cho cổ phiếu “họ VIN” ở thị trường trong nước. Trong vài phiên gần đây, nhà đầu tư tranh mua cổ phiếu VIC, VHM và VRE giúp các mã này tăng vọt.
Cụ thể, đóng cửa phiên 9/11, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng 2.400 đồng/CP, tương đương 5,58% lên 45.400 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Vingroup tăng 9.153 tỷ đồng lên 173.153 tỷ đồng.
Còn so với cuối tuần trước, giá VIC tăng tới 3.800 đồng/CP. Giá trị cổ phiếu VIC của cổ đông có thêm 14.493 tỷ đồng. Như vậy, sau chưa đầy 1 tuần, cổ đông VIC “đút túi” gần 14.500 tỷ đồng.
Tương tự VIC, cổ phiếu VHM của Vinhomes cũng bứt tốc, tăng 1.900 đồng/CP, tương đương 4,63% lên 42.900 đồng/CP. VHM giúp vốn hóa thị trường Vinhomes tăng 8.273 tỷ đồng.
Nếu so với cuối tuần trước, VHM tăng 2.400 đồng/CP, mang về cho Vinhomes 10.450 tỷ đồng vốn hóa thị trường. Đó cũng là lợi ích mà tất cả các cổ đông Vinhomes nhận được.
Đóng cửa phiên chứng khoán 9/11, cổ phiếu VRE của Công ty Cổ phần Vincom Retail tăng 600 đồng/CP, tương đương 2,53% lên 24.300 đồng/CP. VRE giúp giá trị cổ phiếu VRE của cổ đông có thêm 1.397 tỷ đồng.
Có thể thấy, nhờ tranh mua cổ phiếu “họ VIN”, nhà đầu tư đã thu được khoản lợi nhuận tỷ đô trong tuần này.
Và không chỉ mang lại lợi ích cho cổ đông, trong vài phiên gần đây, VIC, VHM và VRE còn đóng vai trò truyền cảm hứng và dẫn đắt đà hưng phấn của thị trường chứng khoán trong vài phiên gần đây.
VN-Index thoát cảnh “cạn kiệt” thanh khoản
Ngoài việc giúp VN-Index tăng mạnh, vai trò của bộ ba VIC, VHM mà VRE còn quan trọng hơn ở việc cải thiện thanh khoản cho VN-Index.
Suốt thời gian dài qua, một trong những nỗi lo lớn nhất của thị trường chính là thanh khoản cạn kiệt. Nhưng gần đây, đặc biệt là phiên 9/11, giá trị giao dịch sàn TP HCM đã tăng vọt lên mức hơn 21.000 tỷ đồng từ mức trung bình hơn 14.000 tỷ đồng suốt thời gian qua. Tín hiệu tín cực này xuất hiện khi dòng tiền ồ ạt tranh mua cổ phiếu “họ VIN”.
Thanh khoản của VIC trong phiên 9/11 là 7,3 triệu cổ phiếu, tăng mạnh so với 4,7 triệu cổ phiếu của phiên 8/11, giá trị giao dịch của VHM là 15,5 triệu cổ phiếu, tăng so với 7,7 triệu cổ phiếu.
Trong phiên 10/11, cổ phiếu “họ VIN” điều chỉnh nhẹ cùng VN-Index. Và đây là cơ hội mua vào cho những ai “lỡ tàu” hôm qua.