Thanh khoản chứng khoán giảm sút
Thị trường chứng khoán đang chứng kiến sự biến động không rõ xu hướng của chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, một trong những hiện tượng khiến nhà đầu tư lo lắng hơn cả chính là thanh khoản “cạn kiệt” và “xuống đáy”.
Trong phiên giao dịch 19/12, toàn sàn TP HCM chỉ có gần 650 triệu cổ phiếu, tương đương 12.805 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công. Đây là mức thấp nhất trong tuần này và nằm ở vùng “đáy” của năm 2023. Đáng chú ý, xu hướng thanh khoản “cài số lùi” đã diễn ra trong suốt thời gian qua.
Cụ thể, trên sàn TP HCM, giá trị giao dịch trung bình trong tháng 11 là 16.562 tỷ đồng, tháng 10 là 14.285 tỷ đồng, tháng 9 là 22.124 tỷ đồng,…
Không chỉ nhà đầu tư trong nước “chê” chứng khoán, khối ngoại cũng tỏ rõ động thái dần rút vốn trong suốt thời gian dài. Tính từ đầu năm 2023 đến 19/12, khối ngoại đã bán ròng gần 542 triệu cổ phiếu, tương đương 18.609 tỷ đồng. Các cổ phiếu khối ngoại thoái vốn đa phần đều là blue-chips.
Cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều cẩn trọng với cổ phiếu. Vì vậy, giới chuyên gia không lạc quan khi dự báo về xu hướng của VN-Index trong những ngày cuối năm 2023. Và đó cũng là lý do khiến nhà đầu tư băn khăn khi đưa ra quyết định “xuống tiền” mua cổ phiếu.
Bình luận về “tương lai gần” của VN-Index, Công ty chứng khoán Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhấn mạnh về các nhịp điều chỉnh mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong hai năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý chốt lời trên diện rộng của nhà đầu tư ngắn hạn nhằm hiện thực hóa khoản lợi nhuận và tâm lý “yên tâm ăn Tết” khi đứng ngoài thị trường.
Ngoài ra, VCBS cũng lưu ý về rủi ro hệ thống giao dịch mới (KRX) có thể chậm thời gian chính thức triển khai so với kế hoạch vào cuối năm nay. Đây là một trong những kỳ vọng lớn trên thị trường nên nếu xảy ra rủi ro trên, nhà đầu tư sẽ dễ cảm thấy hụt hẫng, đặc biệt là khối nội. Điều này có thể tạo ra những tác động tiêu cực lên toàn thị trường trong ngắn hạn và nảy sinh tâm lý hoài nghi.
Vàng hưng phấn
Trong khi chứng khoán đang kém lạc quan và được dự báo chưa thể khởi sắc ở những ngày cuối năm (cả Dương lịch và Âm lịch) thì thị trường vàng lại hưng phấn.
Trong hai ngày gần đây (ngày 19/12 và 20/12), thị trường vàng lên cơn sốt, giúp giá vàng SJC đạt đỉnh cao mọi thời đại trong 75,50 triệu đồng/lượng trong sáng 20/12. Giá vàng SJC tăng sốc dù giá vàng thế giới tăng rất nhẹ. Điều đó khiến khoảng cách giữa hai mức giá được đưa lên mức rất cao, gần 15 triệu đồng/lượng. Gần đây, chênh lệch này “chỉ” khoảng 13 triệu đồng/lượng.
Nguyên nhân chính khiến giá vàng SJC “nóng” rõ rệt là lực cầu trong nước. Theo quan sát tại các cửa hàng kim hoàn của phóng viên, gần đây, lượng người đến giao dịch vàng khá đông, trong đó, lượng mua vào vẫn cao hơn bán ra.
Bảo Tín Minh Châu cho biết tại các cơ sở kinh doanh vàng của công ty, sáng nay, lượng khách mua vào và bán ra có tỷ lệ lần lượt là 55% và 45%.
Trao đổi với phóng viên, chị Thu Hà cho biết từ nửa năm nay, chị dừng “bơm tiền” vào chứng khoán. Số tiền tích lũy thêm được chị giữ trong tài khoản để có thể sẵn sàng đầu tư vào kênh nào đó phù hợp. Từ cuối tuần trước, chị quyết định mua vào vàng.
Đứng trước bối cảnh như vậy, không ít nhà đầu tư cho rằng tiền đang chuyển từ vàng sang chứng khoán. Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cho rằng thị trường vàng có quy mô rất khiêm tốn so với chứng khoán (xét về giá trị giao dịch). Hiện tại, có hiện tượng một số người “ưu tiên” vào vàng hơn chứng khoán nhưng không có nghĩa dòng tiền từ chứng khoán đang được chuyển sang vàng.
Vì chuyên gia này nhận định hiện tại dòng tiền đang tạm thời “nằm im chờ thời”. Theo thông lệ, thị trường chứng khoán thường ảm đạm cuối năm và hưng phấn đầu năm. Vì vậy, muộn nhất là sau Tết Nguyên đán, chứng khoán lại được chứng kiến dòng tiền dồi dào.