Thị trường chứng khoán bước vào tháng 4 với diễn biến không mấy tích cực, VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh sau đợt tăng kéo dài từ cuối năm 2023. Trong tuần trước, VN-Index ghi nhận một tuần giao dịch trồi sụt quanh khu vực 1.250 – 1.270 điểm với thanh khoản thấp và dòng tiền có phần chững lại. Giá trị giao dịch trung bình quanh mức 19.000 tỉ đồng, giảm mạnh so với 1 tháng trước đó.
Sự sụt giảm về mặt thanh khoản đưa ra tín hiệu thận trọng trong giai đoạn sắp tới của thị trường chung. Trong khi đó, xu hướng bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại trên thị trường diễn ra trong nhiều tuần, ảnh hưởng không nhỏ đến điểm số của VN-Index trong thời gian gần đây.
Tỉ giá trở thành vấn đề nóng, khi tỉ giá USD/VND tăng cũng tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư nội. Nhìn lại hai quý cuối năm 2023, do sự ngược chiều về chính sách tiền tệ, VND mất giá mạnh so với USD (có thời điểm giảm hơn 4%). Trong giai đoạn đó, chỉ số VN-Index biến động mạnh, riêng 3 tháng từ tháng 8 đến tháng 10.2023 giảm hơn 15% và thanh khoản sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư lo ngại kịch bản năm 2022 sẽ lặp lại, khi Ngân hàng Nhà nước bán ra một lượng lớn USD để ổn định tỷ giá (tương đương rút gần 500.000 tỉ đồng ra khỏi hệ thống).
TS Nguyễn Duy Phương – Giám đốc đầu tư DGCapital cho rằng với câu chuyện tỉ giá hiện nay, tuy áp lực mất giá khá lớn và Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu nhằm ổn định tỷ giá, nhưng cân đối vĩ mô nhìn chung ổn định và thanh khoản thị trường vẫn dồi dào, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư không có áp lực phải bán tháo tài sản để xoay sở dòng tiền, nên các đợt điều chỉnh của VN-Index là do yếu tố tâm lý. Nhìn lại năm 2023, VN-Index sau khi sụt giảm đã hồi phục khá tốt, gần 10% trong 2 tháng cuối năm.
Theo dữ liệu thống kê của Công ty Chứng khoán DSC, dòng tiền tổng thể trên thị trường đang có xu thế giảm và hiện tại phân bổ nhiều nhất ở 2 nhóm vốn hóa lớn (VN30) và vốn hóa vừa (Midcap), dư địa để dòng tiền tăng thêm ở 2 nhóm này vẫn còn. Trong khi đó, nhóm vốn hóa nhỏ (Smallcap) đang tụt lại phía sau. Do vậy, nhà đầu tư nên hạn chế bỏ vốn vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ mà phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản kém.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kafi cho rằng, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đang có tác động mạnh mẽ và diễn biến tích cực nhất thị trường. Với sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, tâm lý thị trường được củng cố và kỳ vọng sẽ lan tỏa trong các phiên giao dịch tiếp theo. Về yếu tố kỹ thuật, VN-Index đã vượt lên kiểm nghiệm thành công vùng kháng cự 1.265 điểm, qua đó phá xu thế giảm – được xác nhận khi mẫu hình “khoảng trống giá kiệt sức” xuất hiện.
VN-Index mở ra khả năng hướng đến vùng kháng cự trước đó tại 1.300 điểm. Các yếu tố rủi ro vẫn còn như sức ép bán ròng của khối ngoại cùng với tâm lý thận trọng của giới đầu tư trong môi trường vĩ mô toàn cầu biến động khiến thanh khoản suy giảm là các yếu tố cần quan sát kỹ trong giai đoạn sắp tới, các chuyên gia của Kafi nhận định.
Công ty Chứng khoán DSC dự báo, thị trường sẽ tiếp tục trạng thái tăng giá (bull-market), nhưng cách vận động sẽ khó lường và trồi sụt hơn nhiều so với nhịp tăng nhanh từ 1.100 điểm lên 1.250 điểm. Ngoài ra, Công ty Chứng khoán DSC bảo lưu quan điểm, bối cảnh thị trường hiện tại vẫn rất khó để tìm kiếm lợi nhuận với tầm nhìn ngắn hạn. Thay vì vậy, nhà đầu tư nên xác định tầm nhìn dài hạn, tức là việc mua và nắm giữ cổ phiếu ít nhất 3 tháng kể từ thời điểm này, thành quả sẽ đến một cách chắc chắn hơn.