Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam đánh dấu nhiều diễn biến đáng chú ý. Mặc dù chịu nhiều áp lực tiêu cực vào nửa cuối năm, chứng khoán Việt Nam năm 2024 vẫn để lại nhiều kết quả tích cực, chuyên gia đưa ra khuyến nghị chiến lược đầu tư.
VN-Index khép lại năm 2024 với 1.266,8 điểm, giảm hơn 5 điểm so với phiên hôm qua, sắc đỏ bao phủ thị trường với nhóm ngân hàng phân hóa mạnh. Thanh khoản đạt 480,5 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị 11.560 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về phe tiêu cực với 254 mã giảm, 155 mã tăng và 79 mã đi ngang.
Thị trường biến động nhưng không “trắng tay”
Sau cú trượt dài từ đỉnh lịch sử năm 2022 và cú “sụt” cuối năm 2023, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước vào năm 2024 với nhiều e ngại. Điều này đã được phản ánh khi thị trường đã có khởi đầu thuận lợi và tăng tốc trong nửa đầu năm 2024, song, những lo ngại về tỷ giá và hoạt động bán ròng của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã kéo chỉ số chững lại trong nửa cuối năm 2024, liên tục vụt mất cơ hội chinh phục mốc 1.300 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm xuống còn khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên trong giai đoạn tháng 10-12.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Xuân Thịnh, Trưởng phòng tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDirect cho biết, nửa cuối năm 2024, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam gặp nhiều thách thức từ cả yếu tố khách quan và chủ quan, gồm: Áp lực tỷ giá USD/VND tăng mạnh khiến NĐT nước ngoài liên tục bán tháo tại thị trường; Sự thiết hụt thông tin hỗ trợ khiến thị trường khó bứt phá, dù tăng trưởng GDP khá tốt nhưng không bao hàm sự phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết; Sự dịch chuyển dòng tiền sang các loại tài sản đầu tư khác như Vàng, Bất động sản (BĐS) và Tiền số.
Tổng kết diễn biến TTCK Việt Nam năm 2024
Dù vậy, giới chuyên gia nhận định, năm 2024 không hẳn là năm “trắng tay” của TTCK khi VN-Index vẫn ghi nhận mức phục hồi khoảng 13% so với thời điểm cuối năm 2023, nằm trong nhóm tăng trưởng cao trong năm 2024. Mặc dù không quá cao so với thị trường Mỹ, Nhật Bản nhưng cao hơn nhiều quốc gia châu Á khác trong khu vực: Ấn Độ, Malaysia, Indonesia,…
Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trên HOSE đạt 21.500 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Do vậy có thể nói, “năm 2024 là năm “bản lề” khi xu hướng chính của VN-Index là Sideway (đi ngang) với sự ổn định của thị trường; dòng tiền trong nước dồi dào hơn nhưng chưa đủ lực để tạo sự bứt phá khi các yếu tố hỗ trợ chưa thực sự rõ nét”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Các chứng sĩ chuẩn bị hành trang năm mới
Ngoài những kết quả hiện hữu, TTCK Việt Nam 2024 với “điểm sáng” đến từ những cải cách chính sách quan trọng, góp phần minh bạch hóa và chuyên nghiệp hóa TTCK Việt Nam, tạo tiền đề vững chắc cho TTCK Việt Nam bước vào năm 2025 với nhiều kỳ vọng tích cực.
Theo ông Thịnh, những kỳ vọng ấy chủ yếu đến từ câu chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam. Cụ thể, những nỗ lực triển khai hoạt động Non-Prefunding (cho phép mua cổ phiếu không cần ký quỹ trước bằng tiền với NĐT nước ngoài), giúp cơ hội nâng hạng TTCK mới nổi của Việt Nam theo tiêu chuẩn của FTSE càng gần hơn.
Một yếu tố khác cũng góp phần giúp Việt Nam được xem xét nâng hạng TTCK vào tháng 9/2025 tới nếu hệ thống giao dịch KRX được đưa vào vận hành, từ đó, giúp thị trường hút trở lại dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, sự kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường được ước tính đạt 18% trong năm 2025 với sự dẫn dắt từ các nhóm ngành lớn như Ngân hàng, Bất động sản nhà ở, Bán lẻ và Bất động sản Khu công nghiệp, vừa là động lực, vừa là nền tảng vững chắc cho đà tăng của chỉ số VN-Index trong năm 2025.
Tuy nhiên, song song đó, TTCK vẫn đối mặt với một số thách thức như sự biến động của kinh tế toàn cầu đến từ chính sách điều hành khó dự đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các chính sách tăng cường áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, châu Âu và nhiều quốc gia khác. Kế tiếp là áp lực về tỷ giá, đây là câu chuyện cũ của năm 2024 nhưng sẽ còn tiếp tục kéo dài tới sang năm 2025 trong bối cảnh đồng VNĐ đang suy yếu.
Trong thời điểm sau Tết dương và trước Tết Âm lịch, dòng tiền tại TTCK sẽ có sự suy giảm bởi xu hướng “giữ tài sản” vào dịp nghỉ lễ dài ngày của NĐT, nhằm để tránh những thông tin và biến động có thể ảnh hưởng tới thị trường. Hơn nữa, chỉ số VN-Index đang có diễn biến tiến về vùng 1.300 điểm – vùng đỉnh của năm 2024 nhưng thị trường vẫn chưa chinh phục được.
Vì vậy, thị trường khả năng cao sẽ xảy ra những nhịp điều chỉnh, nhưng đồng thời, đây cũng là thời điểm tốt để tích lũy cổ phiếu tiềm năng cho năm 2025.
NĐT nên tập trung ưu tiên những nhóm ngành và cổ phiếu có câu chuyên tăng trưởng. “Trong bối cảnh dòng tiền thị trường chưa có sự gia tăng, các cổ phiếu sẽ có sự phân hóa, chỉ có những cổ phiếu thực sự tốt và có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cao mới tăng giá tốt hơn chỉ số”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, theo thống kê các năm qua, thị trường thường mang lại hiệu suất tốt ở các tuần trước và sau Tết Âm lịch, vì vậy, NĐT có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao, tích lũy và nắm bắt cơ hội ở các cổ phiếu tiềm năng thuộc các nhóm ngành như:
Ngân hàng, tính đến ngày 13/12/2024, tín dụng toàn hệ thống tang ở mức tương đối cao tại 12,5% so với cuối năm 2023 (Theo Ngân hàng Nhà nước), cho thấy nhu cầu vay vốn đang trở lại. Nhờ đó mà kết quả kinh doanh các ngân hàng dự kiến cũng sẽ tăng trưởng tốt trong quý cuối năm này và quý đầu năm sau. Cổ phiếu nổi bật là CTG (VietinBank, HOSE) với tăng trưởng tín dụng cao, áp lực trích lập dự phòng giảm.
Hàng không, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách du lịch quốc tế năm vừa qua cùng các công trình trọng điểm như nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, điều này dự kiến mang lại tăng trưởng các công ty khai thác cảng, dịch vụ hàng không như ACV (Cảnh Hàng không Việt Nam, UPCoM), SCS (Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn, HOSE), SGN (Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, HOSE).
Bán lẻ với sự phục hồi sức mua của người tiêu dùng khi thu nhập khả dụng tăng lên. Các cổ phiếu đang cho thấy sự tăng trưởng rõ ràng đó là MWG (Thế giới Di động, HOSE) và FRT (FPT Retail, HOSE).
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu Bất động sản – Xây dựng cũng được nhiều chuyên gia gợi ý là nhóm ngành giới đầu tư có thể quan tâm khi thị trường BĐS bắt đầu bước vào chu kỳ mới, giúp nhu cầu tăng trưởng cùng chính sách tháo gỡ khó khăn từ pháp lý, từ đó kéo theo tăng trưởng ngành xây dựng nhờ các dự án BĐS.
Hay nhóm ngành Công nghệ, hưởng lợi từ các dự án chiến lược công nghệ như hợp tác với Nvidia phát triển công nghệ AI, mở rộng thị trường trung tâm dữ liệu và triển khai mạng 5G. Sự kết hợp của xu hướng toàn cầu cùng kết quả kinh doanh khả quan sẽ tạo nên cơn sóng tăng giá bền vững cho nhóm cổ phiếu này, điển hình là cổ phiếu “họ nhà” FPT và Viettel.
Nguồn: https://pnvnweb.dev.cnnd.vn/nha-dau-tu-chung-khoan-chuan-bi-gi-buoc-vao-nam-moi-20241231224518981.htm