Thị trường chứng khoán tiếp tục trải qua một phiên giao dịch tiêu cực sau hàng loạt thông tin cuối tuần. Đây cũng là giai đoạn báo cáo kết quả kinh doanh quý II dần lộ diện và tạo ra khoảng trống tâm lý trên diện rộng khi nhiều cổ phiếu không đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư.
Thanh khoản bùng nổ, vượt mức trung bình 20 phiên (+33,2%) là một tín hiệu khá xấu trong một phiên giảm sâu. Điều này đồng thời với thông tin tổng dư nợ margin của các công ty chứng khoán trong cuối quý II/2024 đạt mức đỉnh mới gần 230.000 tỉ đồng, cao hơn mức dư nợ đỉnh điểm của thị trường trong đầu năm 2022 đã dẫn đến tâm lý nhà đầu tư kém tích cực hơn.
Điểm tích cực là VN-Index đã có sự “rút chân” thu hẹp đáng kể đà giảm về cuối phiên, nhưng mức thu hẹp này không quá mạnh.
Đánh giá về động lực tăng trưởng mới cho thị trường giai đoạn cuối năm, các chuyên gia đưa ra một số yếu tố. Đầu tiên, câu chuyện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất với xác suất giảm lãi suất khả năng cao diễn ra vào cuối tháng 9 tới đây là động lực lớn nhất cho thị trường chứng khoán.
Động lực thứ hai đến từ đà phục hồi kinh tế có chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm, quý IV có thể sẽ tăng trưởng không cao nhưng nhìn chung bức tranh kinh tế Việt Nam trong cả năm 2024 có tăng trưởng tốt.
Động lực thứ ba đến từ câu chuyện áp lực tỉ giá sớm hạ nhiệt trở lại. Từ đầu năm đến nay, áp lực tỉ giá tăng, nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều. Khi áp lực tỉ giá giảm, khối ngoại sẽ bớt rút ròng hoặc sớm trở lại mua ròng.
Và quan trọng nhất chính là đà tăng trưởng của nhóm cổ phiếu 6 tháng cuối năm. Quý IV có thể tăng trưởng chậm hơn so với các quý khác trong năm nhưng vẫn là tăng trưởng dương. Định giá doanh nghiệp vẫn trở nên hấp dẫn, mức P/E quanh 12 lần khá thấp. Lợi suất thị trường đang hấp dẫn hơn, lợi suất của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang cao hơn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Trong xu hướng giao dịch ngắn hạn, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán (CTCK) CSI cho rằng, ở thời điểm hiện tại, sự phân hóa khá mạnh nên việc lựa chọn nhóm ngành và duy trì một tỉ lệ tiền mặt là khá quan trọng để có thể linh hoạt tìm kiếm lợi nhuận.
Các chuyên gia tiếp tục ưu tiên quan điểm nắm giữ danh mục cổ phiếu đã mua trong các phiên giảm của tuần trước, nhưng hạn chế việc mua thêm. Cần kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi có lợi nhuận rồi mới nghĩ đến việc gia tăng thêm tỉ trọng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần tuyệt đối kỷ luật, cần bán những mã cổ phiếu đã vi phạm ngưỡng quản trị rủi ro. Ngưỡng hỗ trợ mạnh có thể ngăn cản xu hướng giảm hiện tại theo kỳ vọng của chúng tôi là quanh mốc 1.217 điểm.
Về khuyến nghị cho nhà đầu tư, các chuyên gia của CTCK KBSV nhận định, nhiều khả năng quán tính điều chỉnh chưa sớm kết thúc và tâm lý tiêu cực vẫn đang chi phối hầu hết giao dịch, tuy nhiên lực đỡ từ nhóm cổ phiếu trụ như cổ phiếu ngân hàng vẫn đang đóng vai trò giữ vững xu hướng tăng cho chỉ số. Nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị nắm giữ tỉ trọng thấp và kết hợp mua trading quay vòng thêm một phần tỉ trọng gối đầu tại các vùng hỗ trợ.
CTCK Asean cũng có quan điểm cho rằng, lực cầu tham gia trong phiên tương đối tốt nhưng độ rộng thị trường vẫn ở trong trạng thái phân lớp tham gia riêng một vài nhóm ngành tạo đáy sớm (ngân hàng, bán lẻ, thép). Do đó, duy trì quan điểm, nhà đầu tư cân nhắc giải ngân trong giai đoạn này, tập trung vào các cơ hội đã chiết khấu và có kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II tích cực với vùng quản trị rủi ro là 1.220 điểm.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/nha-dau-tu-chung-khoan-can-han-che-su-dung-margin-1370229.ldo