Trong phiên hôm qua, thị trường với trợ lực từ các bluechip sau kết quả kinh doanh quý II khả quan, cùng dòng tiền bắt đáy chảy mạnh vào các mã vừa và nhỏ. Tính chung cả tháng 7, chỉ số VN-Index chỉ nhích nhẹ 6,19 điểm, tương đương +0,49%.
Tuy nhiên, thị trường không khi nào là dễ đoán. Trong phiên giao dịch hôm nay, ngày 1.8, áp lực bán đã bất ngờ gia tăng trên diện rộng trên bảng điện tử. Gần như toàn bộ các nhóm ngành đều tác động tiêu cực lên chỉ số, kể cả nhóm cổ phiếu dầu khí được dự báo hưởng lợi nhờ căng thẳng địa chính trị Trung Đông. Nhóm ngân hàng dù đón nhận thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh quý II cũng bị bán mạnh.
Áp lực bán dồn dập ở phiên chiều khiến VN-Index có thời điểm bốc hơi gần 30 điểm. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư nội “tháo chạy” là chính là cơ hội để khối ngoại đua nhau gom hàng đã giúp chỉ số kéo lại được điểm số ở thời điểm đóng phiên.
Kết phiên hôm nay 1.8, VN-Index giảm 24,55 điểm (1,89%) xuống còn xấp xỉ 1.227 điểm. Toàn sàn HoSE có 423 mã giảm (34 mã sàn), 45 mã tăng và 38 mã đứng giá. Đa số các nhóm ngành đều giảm điểm, trong đó viễn thông, hóa chất, chứng khoán, bất động sản… giảm mạnh nhất.
Trong rổ VN30 có tới 28 mã giảm điểm, 2 cổ phiếu hiếm hoi tăng giá và trở thành điểm sáng thị trường gồm: VCB của Vietcombank, SSB của SeaBank. Còn lại đa số chìm trong sắc đỏ với bán chủ động áp đảo. Phiên biến động hôm nay, khối ngoại có xu hướng mua và bán khá cân bằng về giá trị. Trong đó VNM, MWG, MSN, DBC… là những cổ phiếu được mua ròng mạnh.
Dù mất điểm mạnh nhưng thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể với gần 900 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 21.400 tỉ đồng.
Sự phản ứng tiêu cực của thị trường chứng khoán hôm nay không khỏi khiến nhà đầu tư bỡ ngỡ. Vì các yếu tố kinh tế vĩ mô đang rất ủng hộ thị trường. Ngay hôm nay, cũng có công bố thêm dữ liệu chi tiết về FDI. Theo đó, lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút vốn FDI đăng ký trong 7 tháng đầu năm, đạt 12,65 tỉ USD (tăng 15,7% so với cùng kỳ). Một diễn biến đáng chú ý là sự trỗi dậy của lĩnh vực bất động sản và vận tải lọt vào top 5 thu hút vốn FDI có tốc độ tăng lần lượt 87,1% và 112,9%.
Trên bình diện quốc tế, thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (31.7), sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất nhưng có khả năng hạ lãi suất trong tháng 9 này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay tâm lý của thị trường khá dễ bị tác động khi tốc độ phục hồi của thị trường yếu. Bên cạnh đó, dư nợ margin cao luôn là “hòn đá tảng” đè nặng khi thị trường điều chỉnh. Nhiều nhà đầu tư dễ lo ngại hiệu ứng “tuyết lở” xuất hiện, trong bối cảnh dư nợ margin cao, áp lực phải bổ sung tài sản ký quỹ tăng nên khi có dấu hiệu lực bán gia tăng thì tâm lý bán tháo cũng xuất hiện.
Mặc dù VN-Index biến động hẹp trong tháng 7, tháng chờ các thông tin kết quả kinh doanh quý II, nhưng thị trường phân hóa mạnh kém tích cực, đa số chịu áp lực điều chỉnh mạnh, phục hồi kém, trong khi chỉ duy trì số ít mã tích lũy tốt, tăng giá. Trong ngắn hạn, xu hướng của VN-Index vẫn kém tích cực khi không giữ được đường xu hướng hỗ trợ tăng trưởng ngắn trung hạn.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/nha-dau-tu-ban-thao-khien-chung-khoan-chim-trong-sac-do-1374606.ldo