Chưa phát sinh dư nợ gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng, giá đất nền giảm, nhà đầu tư chờ “đáy”, tin vui với phân khúc condotel… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Hình ảnh một khu nhà ở xã hội của Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) |
Chưa ai vay gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng
Ngày 19/5, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Phát biểu tại hội nghị này, ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33 của Chính phủ ngày 11/03/2023 chưa phát sinh dư nợ.
Còn trước đó, hệ thống các ngân hàng đã triển khai cho vay một số chương trình đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Đơn cử như chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 đến 31/3, dư nợ của chương trình đạt 10.935 tỷ đồng. Trong đó bao gồm dư nợ được thực hiện theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ ngày 30/1/2022 là 4.381 tỷ đồng.
Về khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông cho rằng, hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế do những khó khăn, vướng mắc đã được nêu tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội như liên quan tới việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Tiếp đó, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội và ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự thu hút; việc xác định giá bán nhà ở xã hội…
“Những vướng mắc này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở xã hội cũng như đến tiến độ triển khai dự án, Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Do đó, mặc dù được triển khai từ ngày 1/4/2023 nhưng đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng”, ông Bắc nêu.
Ngoài ra, theo ông Bắc, các quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh như: Điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao.
Để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, đại diện Ngân hàng Nhà nước đề xuất cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, các bộ, ngành rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc BĐS này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại.
Nhà đất giảm giá, người mua vẫn ‘mất hút’
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá nhà ở và một số loại BĐS trong quý I có nhiều biến động. Trong khi giá chung cư tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương có xu hướng giằng co, chỗ giảm, chỗ tăng giá thì phân khúc đất nền lại có xu hướng giảm giá rất rõ ràng.
Giá đất nền giảm nhiều ở các địa phương Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa. Giá đất nền tại các dự án hiện hữu cũng giảm khoảng 4,5-8% so với quý trước, giảm nhiều ở các địa phương Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP.HCM.
Theo Bộ Xây dựng, phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương hầu như có xu hướng giảm giá và ít có giao dịch. Nguyên nhân do giá quá cao và niềm tin của khách hàng vẫn còn thấp, chi phí lãi vay cao.
Báo cáo thị trường BĐS nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận mới nhất vừa được DKRA Group công bố cho thấy, sau quý I với tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 63%, đến tháng 4, nhiều chủ đầu tư đã áp dụng chính sách chiết khấu thanh toán nhanh. Cá biệt có dự án giảm đến 52% giá bán niêm yết căn hộ.
Tuy nhiên, mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục neo ở mức cao trước áp lực từ chi phí đầu vào, lãi vay, pháp lý… Đà giảm trên thị trường thứ cấp chững lại với thanh khoản phục hồi nhẹ trước thông tin các chính sách gỡ vướng BĐS, hạ nhiệt lãi suất.
Giá căn hộ sơ cấp ở TP.HCM đang dao động 67,1 – 76,7 triệu đồng/m2. Còn tại Bình Dương, mức giá khoảng 37 – 46,8 triệu đồng/m2.
Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đánh giá, thị trường BĐS chưa thực sự hồi phục. Một số chủ đầu tư có nhà nhưng chưa sẵn sàng mở bán do e ngại thị trường chưa tốt, ảnh hưởng đến kết quả bán hàng.
Trong khi đó, người mua vẫn trong tâm lý chờ “bắt đáy”. Theo các chuyên gia DKRA Group, tín hiệu tích cực từ việc ngân hàng có dấu hiệu giảm lãi suất, cùng những chủ trương, chính sách hỗ trợ cho thị trường trong những tháng đầu năm vẫn chưa thể tác động mạnh mẽ đến thanh khoản thời gian qua.
Hiện, người mua đang có tâm lý chờ thị trường tạo “đáy” và thiếu tự tin khi xuống tiền. Chưa kể, nhiều người cũng mất niềm tin ở thị trường, đặc biệt là tính pháp lý của các dự án. Ngoài ra, nhiều khách hàng còn chần chừ trong quyết định vay mua BĐS do lãi suất dù giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Ghi nhận thị trường cho thấy, giá bán thứ cấp đã sụt giảm ở hầu hết phân khúc như đất nền, biệt thự… Thậm chí, có nhiều dự án ở TP.HCM và khu vực phía Nam giảm đến 40-45% ở cả thị trường thứ cấp và sơ cấp. Song mức thanh khoản vẫn rất thấp.
Ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS EZ (EZ Property) cho rằng, làn sóng giảm giá trước mắt sẽ diễn ra mạnh ở những phân khúc đầu cơ giai đoạn trước bị thổi lên quá cao. Một số phân khúc sẽ không giảm như nhà nội đô, khu đô thị có lợi thế thương mại, ổn định về hạ tầng do nhu cầu ở thật vẫn rất lớn.
Cũng theo ông Toản, những sản phẩm BĐS ven đô hiện cũng chưa giảm nhiều. Có những sản phẩm giá rất cao chỉ đáp ứng nhu cầu của một phần khách hàng có điều kiện kinh tế.
Về việc có nên xuống tiền mua nhà thời điểm này, ông Toản cho rằng cần xem xét, tính toán nhiều yếu tố.
“Thị trường những tháng đầu năm chậm do tâm lý đè nặng khách hàng chứ thực ra nhu cầu giao dịch BĐS vẫn rất lớn. Chính phủ, các địa phương đang rất quan tâm chỉ đạo và trực tiếp xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án BĐS. Chính sách cởi mở sẽ tháo được nguồn cung. Nguồn cung được bổ sung thì giá sẽ hợp lý hơn.
Hiện, giá BĐS vẫn còn cao như chung cư cũ trong nội đô trước kia 30 triệu đồng/m2 giờ có khu vực lên 40 – 45 triệu đồng/m2, điều này không hợp lý. Khi nguồn hàng đa dạng phong phú thì sẽ đa dạng cả về giá, người mua sẽ có nhiều lựa chọn phù hợp hơn” – ông Toản nói.
Khôi phục niềm tin nhà đầu tư
Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành được coi là tin vui cho thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Theo đó, các căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).
Mới đây, ngày 15/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu rà soát, ban hành theo thẩm quyền các văn bản để tổ chức thực hiện Nghị định số 10/2023. Trong đó, Bộ yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh việc cấp “sổ đỏ” cho condotel, biệt thự du lịch, officetel, thương mại dịch vụ…
Ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc KDI Holdings, chủ đầu tư dự án Vega City Nha Trang (Khánh Hoà) cho rằng Nghị định số 10/2023 của Chính phủ là một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch cho các loại hình BĐS du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel. Bởi đây là một loại hình có nhiều tiềm năng phát triển nhưng trước đây gặp không ít khó khăn do chưa có văn bản pháp lý cụ thể.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc được cấp sổ đỏ cho loại hình này là thông tin rất tích cực, sẽ giúp củng cố một phần niềm tin của các nhà đầu tư nhất là khi thời gian qua thị trường BĐS gần như đóng băng.
Theo ông Thịnh, công văn mới đây của Bộ TN-MT nhắc nhở, “thúc” các địa phương thực hiện việc cấp sổ đỏ. Dù vậy, để thực hiện sớm, ông Thịnh cho rằng, cơ quan chức năng cần có thông tư hướng dẫn cụ thể về trình tự, đối tượng…
Bà Uyên Nguyễn, Trưởng Bộ phận Tư vấn, Savills Hotels châu Á-Thái Bình Dương nhận định, đây là tín hiệu tích cực đáp ứng nhu cầu thực tế rất lớn, góp phần giải quyết được vướng mắc tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo bà Uyên, giữa việc ban hành Nghị định đến khi đi vào thực tiễn sẽ có độ trễ nhất định.
Tách sổ đỏ (tách thửa đất) là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép trong việc thực hiện chia mảnh đất đã có sổ đỏ thành nhiều mảnh khác nhau nhưng vẫn đáp ứng được các quy định về diện tích tối thiểu. (Ảnh: Hà Phong) |
Thủ tục tách sổ đỏ năm 2023
Hiện nay, nhiều người dân có nhu cầu tách sổ đỏ với nhiều mục đích như mua bán, cho tặng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên về thủ tục này nhiều người còn chưa nắm rõ, dẫn đến các vấn đề về pháp lý, cũng như tốn kém thời gian.
Tách sổ đỏ (tách thửa đất) là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép trong việc thực hiện chia mảnh đất đã có sổ đỏ thành nhiều mảnh khác nhau nhưng vẫn đáp ứng được các quy định về diện tích tối thiểu.
Việc tách sổ đỏ có thể nhằm một số mục đích như: Chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đối với đất và tài sản gắn liền với đất; Thừa kế một phần quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Trao tặng một phần quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Thế chấp một phần quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Góp vốn một phần bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Điều kiện để được tách sổ đỏ bao gồm: Phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Cần phải đáp ứng về hạn mức về hạn mức, diện tích tối thiểu tách thửa; Phải có nhân khẩu thường trú tại địa phương, không có tranh chấp đất đai; Đất đang trong thời hạn sử dụng; Đảm bảo không bị kê biên thi hành án.
Khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết để được tách sổ đỏ, người dân muốn thực hiện tách sổ đỏ cần đảm bảo đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ bao gồm: Đơn xin tách thửa; Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Giấy xác nhận của UBND về việc đất không tranh chấp và phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Sau khi hoàn tất các loại giấy tờ, Văn phòng quản lý đất đai sẽ có trách nhiệm: Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất; Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa; Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi UBND để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Thời hạn giải quyết thủ tục tách sổ đỏ không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Đối với các vùng có điều kiện khó khăn, thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.
Phí đo đạc khi tách thửa: Dao động 1,8 – 2,5 triệu đồng.
Lệ phí cấp giấy chứng nhận: Dưới 100.000 đồng/giấy chứng nhận.