– Là người thắp lửa xê dịch cho người trẻ qua 5 cuốn sách du ký, điều gì đã truyền cảm hứng cho anh viết về thể loại này?
Năm cuốn sách du ký tôi viết được truyền cảm hứng từ hành trình của nhiều người khác trên thế giới, cũng như các tác phẩm về văn học, lịch sử, du ký… đã từng đọc.
Những trang sách đọc được trong bao nhiêu năm qua đã cung cấp nền tảng cơ bản, sau đó đọc nhiều hơn thì sách trang bị cho tôi kiến thức chuyên sâu về một vấn đề mà bản thân thực sự quan tâm.
Thân phận tác giả những cuốn sách về lữ hành cũng đa dạng, có người vốn mang danh nhà lữ hành, nhà văn nhưng có trường hợp chỉ là người bình thường… Đi và viết, đơn giản thế thôi, nhưng khi đọc về hành trình của họ, khao khát được đi, được trải nghiệm bùng lên trong tôi.
Với lợi thế sống và làm việc nhiều năm tại châu Âu, lại là người tò mò, chịu tìm hiểu, chịu đi… vậy tại sao tôi lại không thể làm được điều đó?
– Vậy quá trình tích lũy tri thức của anh từ những trang sách đã có sự khởi đầu như thế nào?
Câu chuyện bắt đầu từ những năm 80, khi mà trẻ con vẫn hay bị bắt ở trong nhà, không gian sống của chúng tôi chỉ nhỏ bé vậy thôi.
Kể cả khi được ra ngoài chơi, tôi vẫn chọn ở nhà bầu bạn với sách. Bắt đầu từ tiểu thuyết kinh điển của Lev Tolstoy, Victor Hugo… cho đến những cuốn sách bàn về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản của Lênin, Karl Marx… Không có Internet, tivi, thông tin hạn hẹp, thành thử ra thế giới lớn nhất đối với tôi lúc bấy giờ là sách.
Một số tiểu thuyết như Trên sa mạc và trong rừng thẳm (Henryk Sienkiewicz), Không gia đình (Hector Malot), Ba người lính ngự lâm (Alexandre Dumas)… đã truyền cảm hứng phiêu lưu, xê dịch cho tôi.
Cho đến bây giờ tôi vẫn coi sách như một người bạn, vừa là nguồn tư liệu chính để cung cấp tri thức cũng như giải trí. Do đó, mỗi khi đi nước ngoài, tôi đều mua sách, có lần vác đến cả chục cuốn, tiêu tốn nhiều nhưng không bao giờ thấy tiếc.
– Nhà văn nào gây ảnh hưởng tới anh nhất để nhanh chóng xách vali lên, đi và học cách cảm nhận từ cuộc hành trình?
Đó là Paul Theroux, một trong những nhà văn về chủ đề lữ hành bậc nhất của thế giới. Chúng ta đã dịch và xuất bản cuốn Phương Đông lướt ngoài cửa sổ của ông, tác phẩm ra đời năm 1973, nói về hành trình từ Châu Âu sang Châu Á bằng tàu hỏa. Mặc dù đã đọc rất lâu, nhưng sự hào hứng, cảm xúc của tôi vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào.
Theo đó, thay vì khám phá vùng đất mới bằng máy bay, mọi người có thể đi tàu hỏa để quan sát được tất cả, nhúng mình vào văn hóa bản địa và ngắm nhìn mọi thứ xung quanh.
Tôi cũng bắt đầu thực hiện hành trình như Paul Theroux, tuy nhiên không phải từ châu lục này sang châu lục kia. Khi đi nước ngoài, tôi chọn tàu hỏa để di chuyển, thêm cơ hội được gần gũi với cuộc sống nơi đó, cảm nhận thế giới bên ngoài và trưởng thành hơn từ mỗi chuyến đi.
– Song song với sự phát triển của xã hội, sách nói và sách điện tử đang rất thịnh hành. Là một người tất bật trong công việc, anh có dành sự quan tâm đến hai thể loại này?
Thú thật, tôi không có thói quen sử dụng sách nói vì cảm thấy thụ động. Tôi thích được đọc một cách chủ động hơn. Mặc dù đây là một hình thức giúp cho người ta tiếp cận với sách, nhưng theo nguyên tắc cơ bản, sách vẫn phải được thể hiện dưới dạng chữ.
Miễn là chịu đọc thì tìm đến sách điện tử hay sách giấy cũng không quan trọng, sợ nhất là lười đọc.
Hàng năm, tôi có thói quen đặt một số sách báo điện tử, trong trường hợp không đặt được bản giấy, ví dụ như tôi hay đặt bên tạp chí National Geographic. Ngoài ra, có rất nhiều tour guide (hướng dẫn du lịch) về thế giới, tôi sẽ truy cập trang web của LonelyPlanet để mua và lưu trữ trên điện thoại.
Mình học cách kết hợp giữa hai hình thức với nhau. Bởi không phải lúc nào di chuyển cũng tiện mang theo cuốn sách dày cộp nên nhiều khi dùng điện thoại sẽ nhanh hơn.
Tuy nhiên, sách phải có giá trị vật lý của nó, có đủ hình hài, màu sắc, bìa, chữ… nên tôi chủ yếu chọn đọc theo cách cổ điển.
Tôi tin rằng sách sẽ không bao giờ chết, chừng nào vẫn còn những người như tôi.
– Đam mê sách như vậy, liệu có một chủ đề nào mà anh ít dành sự quan tâm đến?
Có một loại sách mà tôi không đọc, đó là sách dạy kiếm tiền, làm giàu và liên quan đến các thủ thuật về mặt tài chính.
Không phải sách thiếu đi ý nghĩa mà vì tôi thấy quá khô khan. Một phần cũng bởi việc làm giàu chưa bao giờ là mục đích sống của bản thân.
Giàu hay không còn phụ thuộc vào nguồn tri thức, vốn sống của mình ra sao. Giàu tri thức thì giàu vật chất là tất nhiên, chuyện sẽ xảy ra như thế – cũng như sự nổi tiếng vậy.
– Là một người tích cực hoạt động trên Facebook, thậm chí còn lập riêng một album chủ đề về sách, anh có thể chia sẻ thêm ý nghĩa của việc này?
Album ra đời trong giai đoạn Việt Nam lockdown (đóng cửa) vì đại dịch Covid-19. Quãng thời gian ấy khiến tôi tự đặt câu hỏi: Thay vì chăm chăm vào Facebook để tranh cãi, lo sợ thì tại sao mọi người không tìm đến sách để giết thời gian và bồi đắp thông tin?
Hai năm đại dịch, nhờ sách, tôi vẫn có thể đi ra ngoài thế giới theo cách của riêng mình.
Ban đầu, tôi chỉ trích dẫn những phân đoạn hay nhất trong các tiểu thuyết đã xem. Dần dần mở riêng ra một mục để chia sẻ thêm các chủ đề, sau lại cập nhật phần giới thiệu tác phẩm tôi đang đọc, phù hợp với mọi lứa tuổi.
Sách thiếu nhi mà tôi giới thiệu cho các bậc phụ huynh không phải giải trí thông thường mà là các cuốn từ điển.
– Có nhiều bậc cha mẹ ít chú trọng đầu tư cho việc đọc sách của con, anh nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi tin rằng một trong những yếu tố cơ bản để duy trì văn hóa đọc là hướng cho trẻ em đọc sách từ sớm, hạn chế dùng smartphone.
Thông thường, trẻ làm quen sớm với thiết bị điện tử sẽ được đánh giá thông minh và láu lỉnh, cũng nhờ các thiết bị mà các bé có thể ở yên một chỗ. Nhưng đổi lại, tư duy ngôn ngữ, mắt của trẻ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Rèn cho trẻ đọc là quan trọng, nhưng thường bị bố mẹ bỏ lỡ. Họ đánh giá sách không cao lại đắt đỏ, trong khi không hề tiếc tiền cho việc nhậu nhẹt, mua sắm hay phung phí vào chuyện khác…
Với nhiều người, sách không được coi là ưu tiên hàng đầu khi dạy dỗ con cái, cũng như bồi bổ thông tin cho bản thân Đấy là một điều vô cùng đáng tiếc!
– Từ hiểu biết về vai trò của sách trong giáo dục con trẻ, vợ chồng anh đã xây dựng thói quen đọc cho con gái mình như thế nào?
Khi con còn nhỏ, đến tối tôi hoặc vợ sẽ đọc truyện cổ tích, đến mức bé thuộc làu những câu chuyện được nghe. Nhiều khi tôi buồn ngủ mà đọc sai còn bị con nhắc lỗi.
Ngoài ra, con gái cũng được thừa hưởng nền giáo dục tốt trong trường quốc tế, sau đó học ở nước ngoài. Giáo dục Châu Âu rất chú trọng việc đọc, các môn đều yêu cầu học sinh phải tự tìm tòi, đọc sách. Do đó, sách nghiễm nhiên trở người bạn đồng hành với bọn trẻ.
Nhưng sách chỉ trở nên hữu ích khi bố mẹ và nhà trường có cách làm cho chúng trở nên thú vị hơn.
Một đứa trẻ chẳng bao giờ tự nhiên cầm vào cuốn sách nếu như không ai khuyến khích, hoặc tham gia cùng, trong khi mọi thứ hiển thị trên màn hình điện thoại lại lung linh, sinh động hơn rất nhiều.
Việc bố hoặc mẹ, hoặc cả hai tham gia đọc với con không chỉ góp phần giúp trẻ quan tâm tới cuốn sách, mà còn gia tăng sự gắn kết giữa các thành viên.
Vì vậy, ngày trước tôi và vợ hay đọc và mua sách cùng con, dẫn con gái đến thư viện, hiệu sách lớn… Việc dành nhiều thời gian trong những không gian văn hóa như vậy trở thành thói quen không thế thiếu trong gia đình.
– Thời gian gần đây, anh có chia sẻ với con gái về chủ đề này?
Hai bố con vẫn thường trao đổi với nhau, nhiều cuốn tôi mang về con cũng rất quan tâm như sách về cách mạng Pháp bởi đây là chủ đề liên quan đến môn Lịch sử.
Nhờ con học về nghệ thuật, hội họa mà tôi cũng được mở mang thêm tri thức. Những cuốn sách nho nhỏ con học ở trường, tôi đọc mà thấy say mê. Tôi phải đọc và nghiên cứu thêm mới có thể dẫn con gái đến những nơi thú vị, giảng giải về các công trình nghệ thuật trong bảo tàng… Đây là quá trình cả hai cùng được học hỏi.
Đến giờ con gái vẫn duy trì thói quen đọc từ nhỏ. Theo quan sát của tôi, những đứa trẻ chăm đọc sách tính cách hiền hậu, có tư duy tốt kể cả tư duy về ngôn ngữ.
Con gái tôi đang học ở Anh và làm thêm tại một hiệu sách lớn trong thành phố. Việc con chọn tiếp tục gắn bó với sách theo cách riêng khiến chúng tôi rất tự hào. Con gái muốn trở thành một biên tập viên sách và từng hỗ trợ một số nhà văn Việt Nam khi họ sang Anh.
Biết đâu sau này con có thể kiếm sống bằng việc biên tập sách thì sao? Đấy cũng là một trong những cơ hội, chân trời mới mà sách đem đến cho chúng ta.
Về phía mình, nếu tôi không chịu đọc sách từ ngày xưa, sẽ không có Trương Anh Ngọc của bây giờ.
Thiết kế: Cúc Nguyễn
Vietnamnet.vn