Nhiệm vụ đặc biệt…
+ Còn nhớ, năm 2019, Bảo tàng Báo chí Việt Nam được giao phối hợp với các cơ quan của tỉnh Thái Nguyên hoàn thiện hồ sơ khoanh vùng Di tích, bước đầu để tiến tới xin công nhận Di tích Quốc gia và sau 5 năm, tiếp tục được giao nhiệm vụ chủ đầu tư Công trình Tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng… Bảo tàng đã đón nhận nhiệm vụ đặc biệt này như thế nào, thưa bà?
– Đúng là một nhiệm vụ đặc biệt. Bắt nguồn từ cuối năm 2023, khi Hội Nhà báo Việt Nam tiến cử Bảo tàng Báo chí Việt Nam làm chủ đầu tư và tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định phê duyệt Dự án Tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, thống nhất chọn Bảo tàng Báo chí Việt Nam làm chủ đầu tư.
Là một đơn vị “nghiệp dư” trong việc triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án liên quan đến lĩnh vực tu bổ, bảo tồn di sản, Bảo tàng Báo chí Việt Nam với kinh nghiệm trước đó, những năm 2017 – 2019 từng là chủ đầu tư công trình Trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam (khánh thành tháng 6/2020), nhưng trước công việc mới mẻ và có những khó khăn mới, đã phải nỗ lực rất nhiều. Theo Luật Di sản, di tích đóng trên địa bàn nào thì địa phương đó làm chủ đầu tư và quản lý. Bảo tàng vinh dự là đơn vị được Lãnh đạo Hội và tỉnh Thái Nguyên tin tưởng giao phối hợp với các ban ngành địa phương thực hiện công trình ý nghĩa này. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là thách thức và đòi hỏi trách nhiệm rất cao.
+ Được giao nhiệm vụ đặc biệt như vậy, trong khi nhân sự không nhiều, Bảo tàng đã triển khai như thế nào để “cán đích” thành công, để công trình hiện hữu vóc dáng đúng vào dịp lập thu tháng 8 này, thưa bà?
– Quả thực đó là cả một hành trình vô cùng vất vả. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ, công việc của mình là lên kế hoạch, phối hợp và hối thúc các nhà thầu và đơn vị thi công thực hiện các đầu việc, hiện thực hoá hình thức và nội dung khu trưng bày của Di tích sao cho thật đẹp về hình thức, đúng với ý tưởng ban đầu và có chiều sâu nội dung.
Nhưng rồi sau đó tôi mới vỡ lẽ là công việc của một chủ đầu tư bao gồm cả các thủ tục hành chính từ việc đo đất, cấp đất, cấp giấy phép xây dựng, liên quan nhiều lĩnh vực từ môi trường, địa chính, xây dựng, đến văn hoá, giao thông, điện nước… Những thất thường của thời tiết, rồi khoảng cách địa lý từ Hà Nội lên Thái Nguyên, rồi tiến độ thời gian, kể cả việc phải tiếp cận với biết bao điều “chưa từng” nhưng chúng tôi luôn tâm niệm vì nhiệm vụ chung phải hoàn thành, làm sao giữ được tâm thế và đoàn kết, thống nhất để về đích tốt nhất có thể.
Sau gần 7 tháng kể từ ngày động thổ, công trình đến nay đã hoàn thành kịp tiến độ. Sau tất cả, tôi cho rằng, quan trọng nhất là sự tin tưởng, hỗ trợ, sát sao của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ, xã Tân Thái… nên mọi việc khó mấy cũng dần được tháo gỡ và vượt qua. Nhìn công trình đẹp đẽ lên từng ngày, thì những lạnh giá, mưa gió, nắng nôi… chỉ là “chuyện nhỏ” và những sức ép khác đã dường như tan biến, để lại niềm tự hào vô giá!
Tái hiện “bảo tàng thu nhỏ” về báo chí chiến khu Việt Bắc
+ Tự hào quả thực là cảm xúc chung của những người làm báo cả nước lúc này. Thưa bà, Di tích Lịch sử Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được khánh thành và bàn giao sẽ có những điểm đặc sắc nào?
– Trước tiên phải nói rằng, nếu địa phương trực tiếp làm thì chắc sẽ có cách làm riêng và với chúng tôi, xây thêm một ngôi nhà ký ức của giới báo chí thì có lẽ không ai làm tốt hơn chính những người làm báo vì họ sẽ biết rõ ngôi nhà ấy có gì và cần gì. Vì thế, Bảo tàng Báo chí tự nguyện, mong muốn được làm việc khó này và cũng thật may mắn đã trở thành chủ đầu tư của công trình, được phép triển khai và hoàn thiện công việc theo cách của mình với những tư liệu sẵn trong tay.
Trước hết, phải tìm được người giỏi để thể hiện nó ra trên bản vẽ, đó là kiến trúc sư danh tiếng Huỳnh Thúc Hào – người rất tâm huyết và có kinh nghiệm cũng như thành tựu với kiến trúc nông thôn Bắc Bộ. Rồi tìm được một thợ mộc có trong tay vài chục năm làm nhà sàn ở Bắc Kạn về tận nơi trực tiếp làm gỗ. Đúng nghĩa là “người làm nhà sàn làm nhà sàn” chứ không phải kiến trúc sư vẽ và làm nhà sàn. Ngôi nhà sàn 80 m2 với cửa sổ nhiều, các vách đều được phát huy tối đa để trưng bày, có thêm các tủ hiện vật, hiện vật khối lớn, trục quay rulo với sức chứa nhiều hơn những tư liệu liên quan đến báo chí kháng chiến và báo chí Huỳnh Thúc Kháng.
Ngay tại khuôn viên công trình hiện diện sừng sững một bức phù điêu tuyệt đẹp với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường do họa sĩ Ngô Xuân Khôi phác thảo và nhà điêu khắc Phạm Sinh trực tiếp cùng các học trò của mình dựng nên. Rồi một hội trường nằm trong lòng đồi với công năng thiết thực là phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa trên 150 người; một “quảng trường mini” rộng 200 m2 có thể phục vụ tổ chức sự kiện, biểu diễn văn nghệ… Tỉ mỉ, công phu với từng viên gạch, từng từng mái gianh, từng màu sơn… là vì mục tiêu có được một công trình đẹp, có giá trị văn hóa và sức bền từ 50 đến 70 năm.
+ Ngôi trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, sau 70 năm được chính danh là Di tích Quốc gia, sau 75 năm sở hữu một “quần thể” đa dạng và sinh động. Thưa bà, tái hiện không gian báo chí kháng chiến và báo chí Huỳnh Thúc Kháng sau hơn bảy thập kỷ, vừa phải khái quát tổng thể một giai đoạn, vừa khai thác chiều sâu về một ngôi trường chỉ tồn tại trong 3 tháng, chắc hẳn những người được giao nhiệm vụ đã phải có những nỗ lực rất lớn?
– Đối với chúng tôi thì điều này khá thuận lợi bởi Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có thực hiện trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề về báo chí chiến khu Việt Bắc với nhiều tư liệu quý. Ngoài các tư liệu, hiện vật đã có, chúng tôi đã nghiên cứu, bổ sung, khai thác thêm một số tư liệu phù hợp để khách tới đây sẽ không chỉ nhìn thấy gỗ, mái, cột… mà quan trọng hơn là thấy được không khí của người làm báo, không khí của cuộc kháng chiến cùng những hình ảnh, câu chuyện tự hào hơn về chiếc nôi đào tạo báo chí đầu tiên của đất nước…
Tại khu trưng bày Báo chí chiến khu Việt Bắc 1946 – 1954, có một bản đồ đánh dấu vị trí các tờ báo lớn ra đời, các nhà in hội tụ trên vùng đất chiến khu xưa. Có thể nói, để không chỉ đơn giản là một công trình kiến trúc và mong muốn thổi vào đó một tinh thần, một giá trị của báo chí, một không gian văn hóa báo chí, một góc đời sống kháng chiến sôi động chúng tôi đã phải nỗ lực bằng hai, bằng ba để có được một “bảo tàng” thu nhỏ về báo chí chiến khu Việt Bắc như đã nói. Sao cho người xem không chỉ hiểu về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng mà còn hiểu thêm về cuộc kháng chiến kỳ vĩ, một bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn phạm vi một ngôi trường…
Cũng xin nói thêm rằng, với một vị trí đẹp, ngay cửa ngõ trung tâm Khu du lịch Hồ Núi Cốc nên Di tích sau ngày tu bổ, tôn tạo đã và sẽ hướng tới việc đồng hành, phối hợp cùng địa phương và một số đơn vị chức năng, sao cho Di tích trở thành một điểm nhấn trong danh mục các điểm tham quan, được khai thác, phát huy và giới thiệu rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước, xứng tầm là một trong những di sản văn hoá báo chí vô giá của lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam mà các thế hệ người làm báo nước nhà đã nỗ lực tạo dựng và để lại cho hôm nay và mai sau.
Gần đây nhất, chúng tôi đã ký kết hợp tác tổ chức chương trình “Truyền thông, trải nghiệm thực tế: Lịch sử và Di sản Báo chí cách mạng Việt Nam” với BQL Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, UBND xã Tân Thái và Công ty cổ phần Truyền thông Nhị Vân (Nhị Vân Media). Có thể coi đây chính là sự khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu này.
+ Xin cảm ơn nhà báo!
Hà Vân (Thực hiện)
Nguồn: https://www.congluan.vn/thach-thuc-va-tu-hao-post306791.html