Nhà báo Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Ông còn có một bút danh nổi tiếng nữa là Trần Đình Vân với các tác phẩm nổi tiếng như Sống như anh, Người tử tù khám lớn, Hải Phòng anh dũng…
Trong buổi tọa đàm, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, suốt sự nghiệp báo chí của mình, nhà báo Thái Duy luôn chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.
Nhà báo Thái Duy bước vào làm Báo Cứu Quốc từ năm 1949. Đầu năm 1964, ông cùng lãnh đạo Báo Cứu Quốc vào miền Nam xây dựng Báo Giải Phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam). Trong giai đoạn này, ông hoàn thành một số tác phẩm đỉnh cao Sống như anh, Người tử tù khám lớn, Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi…
Sau giải phóng, nhà báo Thái Duy công tác tại Báo Đại Đoàn Kết, bước vào mặt trận nông nghiệp. Thông qua ngòi bút của mình, ông đã tiếp tục mạnh mẽ chiến đấu trong sự nghiệp khoán mới.
Thái Duy – Sống và viết
Nhà báo Thái Duy đã có hàng trăm bài báo như Một cuộc cách mạng; Ngọn gió Hải Phòng; Phá thế độc canh ở Thái Bình; Cơ chế mới, con người mới; Khoán chui hay là chết… Những bài báo đó đã góp phần tạo nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, đi từ Khoán 100 đến Khoán 10; đến tháng 3.1989 khẳng định hộ nông dân là một đơn vị kinh tế tự chủ sản xuất hàng hóa. Tác phẩm báo chí của Thái Duy không chỉ là những dẫn chứng sắc bén từ thực tế, rực lửa chiến đấu, can đảm hy sinh mà còn có tính lý luận.
Những bài báo đó không chỉ phát hiện mô hình, cổ vũ cho sự thắng lợi của cái mới trong thực tiễn mà còn cho thấy tâm huyết, tầm nhìn sáng suốt, công lao của lãnh đạo Đảng đối với nông dân, nông nghiệp. Khoán chui hay là chết là câu nói, là quyết tâm nhà báo Thái Duy nghe thấy, nhìn thấy từ người nông dân Việt Nam. Chính thực tiễn sinh động đã góp phần đổi mới tư duy, khuyến khích cách làm hiệu quả giúp người dân vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên.
Từ ngày là phóng viên Báo Cứu Quốc trong kháng chiến chống Pháp đến khi nghỉ hưu năm 1995, nhà báo Thái Duy chỉ làm ở một tờ báo. Mặc dù rất nổi tiếng và có nhiều thành tích, ông chỉ có một chức danh là phóng viên; chỉ trung thành với sự thật và lợi ích của nhân dân.
Bản lĩnh của người làm báo chân chính
Ông là người từ rất sớm và trong mọi trường hợp, đều viết hoa chữ Dân. Năm 2020, nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tại Hà Nội diễn ra hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu”. Trong đó, có 7 nhà báo được tôn vinh, gồm: Thái Duy, Phan Quang, Hà Đăng, Phạm Khắc Lãm, Hồ Tiến Nghị, Hồng Vinh, Nguyễn Thị Kim Cúc. Trong số ấy, hầu hết là lãnh đạo của những cơ quan báo chí lớn, chỉ riêng nhà báo Thái Duy là “phóng viên trơn” như cách nói của ông và ông vẫn tự hào về điều đó, không hề băn khoăn về sự thiệt thòi như người khác nhìn vào. Đó là bản lĩnh, là đạo đức của người làm báo chân chính.
Chia sẻ về nghề, trong buổi tọa đàm, nhà báo Thái Duy quan niệm, muốn viết báo tốt đầu tiên là phải trung thực, nhìn rõ sự thật, muốn chỉ ra cái sai thì mình phải đúng. Cả cuộc đời ông chỉ làm “phóng viên”.
Sống và viết như nhà báo Thái Duy là cuộc đời của một con người phấn đấu không mệt mỏi, không chùn bước để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tươi tốt” như lời Bác Hồ căn dặn trong Di chúc. Vinh quang của ông không thuộc về những phần thưởng, những chức vụ mà là tất cả những gì mới mẻ, tốt tươi không ngừng nảy nở cho cuộc đời này.
Nhân sự kiện này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng cho ra mắt bộ phim tài liệu đầu tiên về nhà báo Thái Duy: “Thái Duy – Sống và viết”. Trong thời lượng 30 phút, với nhiều tư liệu, hình ảnh, bộ phim mang đến câu chuyện thú vị về một nhà báo đi qua các cuộc kháng chiến và tiếp tục có những cống hiến xuất sắc trong thời bình.
Phim tập trung phác họa những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy, đồng thời tri ân những đóng góp của ông, với ngòi bút sắc bén chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, bảo tàng cũng trưng bày 38 hiện vật, tư liệu gắn với sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy.