Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam |
Chuyển đổi số báo chí, văn hóa báo chí và xây dựng đội ngũ những người làm báo “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” đang là những vấn đề thời sự không chỉ đối với các cơ quan báo chí, truyền thông mà thu hút cả sự quan tâm của xã hội, các cấp, các ngành liên quan và cộng đồng bạn đọc, công chúng nói chung.
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về những nội dung nêu trên, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi tòa soạn
Thưa đồng chí, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội và với báo chí hiện đại, đây là yêu cầu tiên quyết để tồn tại và phát triển. Hiện báo chí đang đứng ở đâu trong dòng chảy ấy?
– Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những mục tiêu rất cụ thể. Trước và sau khi chiến lược này được phê duyệt, tuy đã có một số cơ quan báo chí ở Việt Nam chủ động thực hiện chuyển đổi số và đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng chúng tôi đánh giá rằng đa số các đơn vị khác chưa thực sự hiểu rõ tính cấp bách của vấn đề này và chưa xây dựng chiến lược, kế hoạch riêng cho đơn vị của mình. Mặc dù Hội Nhà báo Việt Nam và một số cơ quan liên quan đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, các chương trình tập huấn nhưng đến thời điểm này vẫn có không ít lãnh đạo cơ quan báo chí chưa biết bắt đầu từ đâu, hoặc có thái độ “chờ xem báo khác làm thế nào”, hoặc nghĩ chuyển đổi số chỉ là mua sắm một số phần mềm và thiết bị công nghệ.
Trong nhiều cuộc trao đổi, các chuyên gia đã khẳng định chuyển đổi số thì quan trọng nhất là chuyển đổi về mặt tư duy, chuyển đổi cả văn hóa của tòa soạn và phải chuẩn bị về nhân lực. Điều quan trọng nhất đảm bảo chuyển đổi số thành công là nó phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi tòa soạn. Thực ra, không nên loay hoay quá với khái niệm chuyển đổi số, chỉ cần tâm niệm một điều rằng độc giả, khán thính giả ở đâu thì báo chí phải hiện diện ở đó, rằng nhu cầu của họ đã khác thì báo chí sẽ phải làm gì khác đi để thu hút sự chú ý, sự quan tâm của họ.
Hội Nhà báo Việt Nam có những chương trình hoạt động nào để hỗ trợ cơ quan báo chí và những người làm báo thực hiện chuyển đổi số báo chí, thưa đồng chí?
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thăm và làm việc tại Báo Đồng Nai. Ảnh: HUY ANH |
– Thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TT-TT, các trường báo chí, các viện nghiên cứu cũng như các chuyên gia về chuyển đổi số, về công nghệ truyền thông, tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để nâng cao nhận thức của các nhà báo, đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan báo chí về vấn đề này. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch tổ chức nhiều chương trình đào tạo với sự hỗ trợ của nhiều đối tác, bao gồm cả các đối tác nước ngoài, ngay trong nửa cuối năm nay. Đương nhiên, hoạt động đào tạo sẽ phải kéo dài và nhắm đến mọi đối tượng thì mới mong đạt hiệu quả.
Nhà báo với “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”
Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả sau một năm thực hiện phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí?
– Ngay sau lễ phát động phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí (được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm 2022) hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2025), tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã nỗ lực xây dựng kế hoạch, tổ chức ký kết giao ước thi đua trong các cấp Hội, thực hiện phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí. Đồng thời, hướng dẫn tự kiểm tra và tổ chức kiểm tra trực tiếp công tác thi đua, khen thưởng tại một số cấp Hội.
Qua việc thực hiện phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, nhiều cơ quan báo chí, tổ chức Hội, hội viên, người làm báo đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Phong trào thi đua đã tạo thêm niềm tin, động lực và khí thế mới cho mỗi người làm báo, góp phần tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp “chân – thiện – mỹ” của báo chí cách mạng Việt Nam trong đời sống xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu, độc, phản văn hóa.
Các liên chi hội, chi hội nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, văn hóa báo chí của người làm báo; tham mưu cho cấp ủy Đảng, ban biên tập, cơ quan chủ quản xây dựng kế hoạch triển khai phong trào thi đua trong cơ quan báo chí; tổ chức lễ ký kết giao ước thi đua Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo.
Các cấp Hội Nhà báo và cơ quan báo chí cần phải làm gì để xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa, góp phần xây dựng đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thưa đồng chí?
– Từ thực tiễn triển khai thực hiện phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa của cơ quan báo chí, văn hóa người làm báo ở các cấp Hội Nhà báo, thời gian tới, các cấp Hội cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Nhà báo Lê Quốc Minh (giữa) trao đổi với Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Viên Hồng Tiến (thứ 3 từ phải qua) và Ban Biên tập, trưởng các phòng, ban Báo Đồng Nai tại hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc (Đà Nẵng, tháng 11-2022). Ảnh: HUY ANH |
Thứ hai: Nội dung phong trào thi đua phải gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp Hội, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và trong từng giai đoạn cụ thể. Coi trọng việc xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình, đưa kết quả thực hiện phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa báo chí thành một trong các tiêu chí thi đua, đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân của tổ chức Hội; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, khen thưởng tổ chức Hội, cá nhân xuất sắc tiêu biểu.
Thứ ba: Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, biểu dương, phổ biến kinh nghiệm hay của các tổ chức hội, cá nhân điển hình để kịp thời nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong toàn Hội. Các cấp Hội Nhà báo cần chủ động phối hợp tổ chức các cuộc thi và giải báo chí về chủ đề xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, đề cao yếu tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm báo chí, gắn với việc đánh giá, tuyển chọn tác phẩm dự thi Giải báo chí quốc gia, các giải báo chí chuyên ngành, giải báo chí tỉnh, thành phố.
Thứ tư: Gắn nội dung thực hiện xây dựng môi trường văn hóa và Bộ tiêu chí văn hóa của cơ quan báo chí, văn hóa người làm báo Việt Nam ở cơ sở với nội dung kế hoạch kiểm tra, giám sát ở cấp Hội cơ sở để kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức hội, hội viên gương mẫu, có thành tích xuất sắc tiêu biểu, thực hiện có hiệu quả phong trào; chấn chỉnh, nhắc nhở đơn vị chưa thực hiện tốt; hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Báo Đồng Nai là tờ báo Đảng năng động, hiệu quả
Riêng với Báo Đồng Nai, một tờ báo Đảng địa phương ở tỉnh công nghiệp phát triển năng động, đông dân, nhiều thành phần dân tộc, đa tôn giáo, đồng chí có nhắn nhủ, gợi mở, định hướng gì để báo không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của đông đảo bạn đọc trong dòng chảy của báo chí, truyền thông hiện đại?
Cùng với việc tiếp tục thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, hướng dẫn việc sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương, việc triển khai phong trào Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí trong thời điểm hiện nay đã góp phần chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, giúp cơ quan báo chí, người làm báo tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong “sứ mệnh của người cầm bút” với “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.
|
– Báo Đồng Nai là một trong những tờ báo Đảng năng động, hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, tập thể báo vẫn cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh việc tuân thủ và bám sát các chỉ thị của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, các văn bản chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, tập thể lãnh đạo Báo Đồng Nai cũng như mỗi cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên phải không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để thích ứng trong môi trường kỷ nguyên số.
Việc xây dựng tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí đa phương tiện với đội ngũ phóng viên đa năng, có trình độ chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp là xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay. Xã hội đang thay đổi, công nghệ làm báo đang thay đổi và thói quen tiêu dùng thông tin của độc giả cũng đang thay đổi, vì vậy cần mạnh dạn thử nghiệm những hình thức chuyển tải thông tin mới và hiệu quả, nội dung song hành với công nghệ, đồng thời tạo ra bản sắc riêng của tòa soạn.
Đặc biệt, lãnh đạo Báo Đồng Nai cần chú trọng vấn đề đạo đức nghề nghiệp, bám sát quy tắc về sử dụng mạng xã hội của người làm báo mà Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh An (thực hiện)
.