BPO – “Phụ nữ chọn nghề báo trước tiên đã vất vả, nhưng nữ nhà báo làm về điều tra càng khó khăn hơn nhiều. So với nhà báo nam, trong lúc tác nghiệp, tôi gặp rất nhiều gian nan, nguy hiểm. Tuy nhiên, vì đã chọn nghề nên dù khó khăn trăm bề, tôi vẫn không bỏ cuộc. Khi thực hiện các phóng sự “nóng”, tôi tự nhắc nhở bản thân phải luôn tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh. Làm sao khai thác được nhiều thông tin, hình ảnh đắt giá để đưa đến công chúng một cách nhanh chóng và chính xác nhất”. Đó là chia sẻ của nhà báo Thùy Linh, Phòng Bạn đọc – Tư liệu – Công tác xã hội, Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) nhân kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Tốt nghiệp Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh năm 2003, trong khi bạn bè đều trở thành luật sư, thẩm phán, công chứng viên… thì tôi lại trở thành nhà báo. Năm 2004, tôi được nhận vào làm việc tại Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước, nay là Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước. Đầu tiên, tôi được giao phụ trách mục Hộp thư bạn xem đài. Hằng ngày, ngoài tiếp bạn xem đài, công việc chính của tôi là biên tập, trả lời, giải đáp những thắc mắc của khán giả liên quan lĩnh vực pháp luật. Thời điểm khởi đầu nghề báo, tôi viết những phóng sự thông thường về đời sống xã hội. Cho đến khi được giao phụ trách chuyên mục Pháp luật và Đời sống, tôi đã bén duyên viết các phóng sự điều tra.
Đã chọn thì phải yêu
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các đề tài “nhạy cảm”, nhà báo Nguyễn Ngọc Dũng là đồng nghiệp cùng cơ quan cho biết: “Phóng viên điều tra là công việc không bao giờ màu hồng. Người ta thường nhìn ánh hào quang khi lên sóng, còn trước và sau đó là áp lực thì ít người biết được. Các lĩnh vực khác, xong là xong, mình có thể làm việc khác không nghĩ gì. Với điều tra, khi tác phẩm lên sóng, phóng viên phải cất kỹ các tài liệu, chứng cứ, vì biết đâu có phản hồi, có yêu cầu giải trình. Lúc đó phải có tài liệu, chứng cứ để bảo vệ mình”.
Nhà báo Thùy Linh
Khi hoàn thành bài viết, tôi thường đọc đi, đọc lại, xem xét những chứng cứ, lập luận có gì sai sót không. Bởi trong quá trình điều tra không kỹ, không có đầy đủ thông tin chính xác, có những kẽ hở, dễ dàng cho những đối tượng bị điều tra, phản ánh có cơ hội phản biện. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng uy tín của cơ quan và của chính phóng viên. Mỗi phóng sự lên sóng đều được kiểm duyệt rất kỹ và có sự can thiệp của cơ quan chức năng để chứng minh thông tin đưa ra là chính xác và cơ quan chức năng cũng sẽ có những biện pháp để xử lý vụ việc.
Áp lực công việc rất dài và không phải ai cũng chịu đựng được. Áp lực ở đây đến từ yếu tố pháp lý, một lần ngã thì có thể bạn không muốn làm nữa và chuyển sang theo dõi lĩnh vực khác để “nhẹ đầu” hơn. Mỗi khi va vấp, việc giải quyết rất mệt mỏi, bị bắt bẻ từng chữ… Khi đó, tôi nhận ra nghề này chưa bao giờ là màu hồng. Đã có thời điểm tôi chuyển sang viết về lĩnh vực khác, nhưng sau đó chợt nhận ra mình thích hợp phản ánh mặt trái, tiêu cực. Với bản tính thẳng thắn, tôi luôn đào sâu tận cùng vấn đề để đưa ra ánh sáng. Và khi mỗi phóng sự lên sóng, đón nhận được nhiều tình cảm của khán giả, công chúng, càng giúp tôi có thêm tâm huyết bám trụ với nghề dù nhiều gian lao, vất vả.
Đã yêu thì yêu hết mình
Phóng viên nữ làm điều tra phải có cái đầu lạnh và trái tim nóng. Một cái đầu lạnh là để bảo vệ bản thân, bởi nóng giận mất khôn, sẽ rất dễ gặp sai sót. Có thể trước một sự việc, tất cả mọi người phản ứng dữ dội nhưng phóng viên phải bình tĩnh.
Phóng viên viết về các đề tài “nhạy cảm” phải có sự đam mê, dũng cảm và quyết tâm với nghề. Nếu người hay nản chí, nhanh chán thì không làm công việc này được. Bên cạnh đó, đặc thù của điều tra là không thể hoàn thành trong một ngày hoặc một vài cảnh quay. Phóng sự điều tra chứa nhiều yếu tố may rủi không thể lường trước. Không phải đề tài nào cũng được triển khai thành phóng sự, vì có khi đang thâm nhập thực tế thì bị phát hiện và kế hoạch đổ vỡ.
Nhà báo Thùy Linh tại hiện trường làm phóng sự điều tra về xả chất thải gây ô nhiễm môi trường
Tôi nhớ một kỷ niệm ngày mới vào nghề, trong một lần thực hiện phóng sự tranh chấp đất tại xã Long Hưng, huyện Phước Long cũ, nay thuộc huyện Phú Riềng. Tôi bất ngờ bị một nhóm hơn 20 người bao vây, giật lấy băng ghi hình. Trong khi phóng viên quay phim bị một số người đuổi đánh phải chạy lên đồi mới bắt được sóng điện thoại, theo con đường độc đạo mới ra đến đường chính, còn tôi ở lại hiện trường để bảo vệ máy quay phim. Vụ việc sau đó đã được Công an huyện Phước Long cũ giải quyết, nhưng đó là một tình huống nguy hiểm trong cuộc đời làm báo của tôi. Sau này, khi thực hiện những phóng sự “nhạy cảm”, tôi càng phải cẩn thận, cân nhắc, tính toán những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân và đồng nghiệp. Và nếu như lặp lại sự việc đó thì tôi sẽ bình tĩnh hơn để xử lý.
Nhà báo Thùy Linh tác nghiệp tại hiện trường
Cách đây hơn 1 năm khi thực hiện phóng sự “Lò sấy cà phê nhả khói giữa khu dân cư”, tôi gặp một tình huống không có trong kịch bản. Lò sấy thường hoạt động vào giữa đêm và gần sáng. Vào thời điểm này, lò tăng công suất sấy nhiều cà phê hơn và nhả khói mù mịt ra khu dân cư. Để có được cảnh quay lò sấy nhả khói đen kịt lên bầu trời, tôi và phóng viên quay phim mai phục trong vườn cà phê của một ngôi nhà bên cạnh lò. Khu vườn ẩm ướt do trời vừa mưa xong. Điều lo nhất là trong lúc di chuyển, nhiều lần bị trượt chân gây tiếng động.
Với điều tra, mỗi năm tôi muốn chinh phục ngọn núi cao hơn. Những đề tài càng khó thì đòi hỏi tính pháp lý trong bài viết của mình phải lập luận chặt chẽ. Mình phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình bởi nó còn liên đới tới nhiều cá nhân khác. Chẳng có công thức nào để một phóng viên điều tra có thể áp dụng thành công. Và đã chọn nghề, yêu nghề, tôi luôn tìm tòi, phát hiện và tâm huyết theo đuổi đến cùng. Nhà báo Thùy Linh, Phòng Bạn đọc – Tư liệu – Công tác xã hội, Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước |
Rất may là đàn chó của chủ lò không phát hiện chúng tôi. Nhờ ẩn núp trong vườn cà phê mà chúng tôi đã ghi hình lại được bằng chứng lò sấy nhả khói mù mịt. Khi đã có bằng chứng, tôi quyết định gặp trực tiếp chủ lò để lấy thông tin. Cùng thời điểm có đoàn đến kiểm tra hoạt động của lò. Trong lúc đoàn đang làm việc, thấy phóng viên, chủ lò sấy hỏi một cán bộ trong đoàn: “Các anh chị này có đi chung đoàn không?”. “Không!”, một người trong đoàn trả lời. Ngay lập tức chị chủ lò đe dọa: “Không quay phim, phỏng vấn gì hết. Em mà quay chị đập máy”. Nhờ có độ “lì” nên tôi đã kịp dùng điện thoại để ghi lại một số hình ảnh của lò sấy. Sau khi phóng sự phát sóng, các cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND huyện xử phạt nghiêm chủ lò sấy. Và tất nhiên, sau đó lò sấy tắt lửa, khu dân cư mới trở lại cuộc sống yên bình, người dân không còn phải hít thở không khí ô nhiễm. Đây là một trong những phóng sự phát sóng đón nhận nhiều tình cảm của công chúng. Vì vậy, cả ê-kíp càng có thêm động lực để thực hiện những đề tài khác.
Nhà báo Thùy Linh tác nghiệp tại hiện trường thực hiện phóng sự “Những ngôi nhà lên đồi”
Tôi quan niệm mình còn trẻ và nhiệt huyết, đó là lợi thế lớn nhất khi tôi phụ trách công tác tuyên truyền về mặt trái, tiêu cực của xã hội. Tôi xác định phải vừa làm vừa trau dồi kinh nghiệm và học hỏi từ đồng nghiệp, từ những gì đã trải qua. Và tất nhiên, không phải con đường nào cũng trải đầy hoa hồng, mỗi lần vấp ngã cho tôi một kinh nghiệm, bình tĩnh đứng lên và tiếp tục theo đuổi công việc mình đã chọn – nhà báo nữ làm điều tra.