Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, 57 năm hoạt động cách mạng liên tục “trọn một đời vì Đảng vì dân”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đến 29 năm làm báo chuyên nghiệp (1967 đến 1996), góp phần to lớn vào sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam suốt trong 8 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và 21 năm xây dựng đất nước sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhà báo Nguyễn Phú Trọng từng giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trước khi trở thành người đứng đầu của Đảng gần 15 năm, trong đó hơn 2 năm giữ cương vị nguyên thủ quốc gia (2018-2021). Nhà báo Nguyễn Phú Trọng được Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 23 tuổi (12/1967), sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Công việc đầu tiên trong đời làm báo của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm cán bộ Phòng Tư liệu thuộc Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản).
Trong suốt 29 năm làm báo chuyên nghiệp (1967 – 1996), nhà báo Nguyễn Phú Trọng không chỉ làm công tác phóng viên, biên tập viên trực tiếp viết bài cho tạp chí mà nhà báo Nguyễn Phú Trọng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan báo chí lớn, một tạp chí lý luận của Đảng (Tạp chí Cộng sản), như: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, được bổ nhiệm chức vụ Phó ban Xây dựng Đảng, Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy rồi Bí thư Đảng ủy Cơ quan Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Tổng Biên tập Tạp chí, sau đó là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản từ tháng 8/1991 và liên tục 5 năm làm người đứng đầu cơ quan báo chí này.
Trong những ngày đầu công tác trong cơ quan báo chí, nhà báo trẻ Nguyễn Phú Trọng chỉ làm cán bộ Phòng Tư liệu chưa phải là bộ phận nội dung, chưa phải là công tác phóng viên hay biên tập báo chí. Là người ham mê viết báo nên ông cũng không thích thú lắm với công việc hiện tại là làm cán bộ Phòng Tư liệu.
Sau này tâm sự với các nhà báo, đồng chí Nguyễn Phú Trọng kể lại với các nhà báo, “Thú thật là những ngày đầu tôi thấy nản vì công việc khô khan, đơn điệu. Tôi ngỏ ý muốn được làm công tác nghiên cứu và biên tập về lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhưng các đồng chí lãnh đạo trả lời là làm gì thì cũng phải làm tư liệu, bắt đầu từ tích lũy kiến thức. Tôi nghe thấy có lý và cố quen dần với công việc” – Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với nhà báo, đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân.
Tháng 8/1996, nhà báo Nguyễn Phú Trọng được phân công công tác về Thành uỷ Hà Nội giữ chức Phó Bí thư Thành uỷ, được Ban Thường vụ Thành uỷ phân công trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo. Kể từ năm đây, nhà báo Nguyễn Phú Trọng bước sang công tác lãnh đạo của Đảng tại Thành phố Hà Nội rồi tiếp tục giữ nhiều cương vị cao hơn như: Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đến tháng 7/2006, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và giữ cương vị này đến năm 2011 (khoá XI và XII), dù ở cương vị công tác nào, nhà báo Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục viết báo đăng trên các tạp chí lý luận của Đảng ở trong và ngoài nước.
Ngòi bút mang tính lý luận của một nhà báo, nhà khoa học
Từ một nhà báo trẻ ở những thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước, trải qua 29 năm làm báo chuyên nghiệp, sau này giữ cương vị Tổng Bí thư, đồng chí vẫn tiếp tục viết rất nhiều bài báo với nhiều thể loại khác nhau chuyên sâu về lý luận chính trị, xây dựng Đảng, về chủ nghĩa xã hội… đăng trên Tạp chí Cộng sản và các tạp chí nghiên cứu lý luận của Đảng, góp phần rất to lớn trong công tác lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một số bài báo tiêu biểu như: “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ?”, “Luận điệu mới của các thế lực chống Đảng Cộng sản”…
Gần đây nhất, với bài báo nhan đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 16/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”.
Luôn quan tâm đến hoạt động báo chí và dành tình cảm đối với nhà báo
Phát biểu tại Đại hội lần thứ X của Hội Nhà báo Việt Nam vào năm 2015, nhà báo Nguyễn Phú Trọng tâm sự với các đại biểu: “Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân”.
Trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm, luôn luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, kể cả kỹ năng, nghiệp vụ làm báo của Bác để có bài báo hay, để tờ báo không ngừng nâng cao chất lượng. Khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có sự quan tâm sâu sắc đến công tác báo chí, xuất bản, tuyên truyền, định hướng tư tưởng… Đồng chí căn dặn: “Báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Là người từng làm nghề báo, trải nghiệm với tất cả những khó khăn, vất vả, áp lực trong công tác báo chí mang tính đặc thù nghề nghiệp, nhà báo Nguyễn Phú Trọng luôn luôn lắng nghe, chia sẻ với nhà báo, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà báo tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo chí một cách tốt nhất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.
Tôi còn nhớ, một lần cách đây hơn 10 năm, Bộ Chính trị mời Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kiên Giang ra Hà Nội làm việc vào chiều ngày 12/12/2013 tại Phòng họp Bộ Chính trị, tôi cùng 2 đồng nghiệp khác là nhà báo Lâm Việt Khởi (Báo Kiên Giang) và nhà báo Huỳnh Long Tuấn (Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang) được lãnh đạo báo, đài địa phương cử ra Hà Nội đưa tin buổi làm việc này theo sự phân công của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Bước vào phòng họp Bộ Chính trị, sau khi bắt tay chào các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kiên Giang, Tổng Bí thư quay sang khu vực báo chí phía sau bắt tay thân mật với chúng tôi. Chúng tôi rất xúc động, lấy làm vinh dự!
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến nỗi trăn trở, băn khoăn, lo lắng của Nhân dân, của lực lượng vũ trang, của Nhân dân lao động và mong muốn báo chí cần phải kịp thời chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân lên mặt báo để cơ quan có chức năng hoặc cấp thẩm quyền kịp thời phản hồi, giải quyết thấu đáo.
Với kinh nghiệm hàng chục năm làm báo và rất nhiều năm giữ cương vị người đứng đầu cơ quan báo chí với kỹ năng, nghiệp vụ sắc bén, đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm “chi tiết trong bài báo”, đó là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo tính quần chúng của báo chí. Đồng chí Tổng Bí thư cho rằng, báo chí cần phải thể hiện đầy đủ vai trò của mình là kênh thông tin 2 chiều, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, có như vậy đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mới sát với thực tế.
Nhà báo Đỗ Phú Thọ (Báo Quân đội Nhân dân) kể lại: Có lần anh tháp tùng cùng Đoàn công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm bộ đội, sau khi viết bài đăng trên báo, được Tổng Bí thư khen ngợi, nhưng Tổng Bí thư cũng thẳng thắn góp ý sao không đưa chi tiết vào bài báo, đó chính là kiến nghị của một quân nhân về chính sách hậu phương quân đội.
Làm báo từ khi tuổi đời còn rất trẻ, từng giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, sau này trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đồng chí nhà báo Nguyễn Phú Trọng vẫn thường xuyên viết báo, viết sách, đóng góp xứng đáng vào thành tựu nghiên cứu khoa học, lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhà báo Đoàn Hồng Phúc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang
Nguồn: https://www.congluan.vn/nha-bao-nguyen-phu-trong-nha-bao-cach-mang-phai-co-tinh-than-cach-mang-post304764.html