Ngày 1/10, Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp cùng Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh với Báo chí Cách mạng Việt Nam” và Lễ tiếp nhận tượng nhà báo Nguyễn Đức Cảnh.
Đây là chương trình ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Tạp chí Công hội Đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn) xuất bản số đầu tiên (1/10/1929 – 1/10/2024) do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Tổng biên tập.
Được tôi luyện, vô sản hóa trong hàng ngũ công nhân, đặc biệt là được học tập “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin một cách sâu sắc. Qua những việc làm cụ thể, đồng chí đã truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin sâu rộng trong giai cấp công nhân.
Nhận thấy rõ tầm quan trọng của báo chí trong vận động cách mạng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã sử dụng báo chí làm vũ khí chiến đấu sắc bén, tích cực chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động công nhân đoàn kết trong đấu tranh giai cấp. Đồng chí đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời là Hội trưởng lâm thời Tổng Công hội Bắc Kỳ và là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Lao Động và Tạp chí Công hội Đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn).
Phát biểu tại Toạ đàm, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, sự kiện Tọa đàm và đặt tượng nhà báo Nguyễn Đức Cảnh tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay rất có ý nghĩa vào đúng dịp kỷ niệm 95 năm ngày Tạp chí Công hội đỏ ra đời và trong không khí giới báo chí cả nước đang có các hoạt động sôi nổi hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
“Tôi kỳ vọng các nội dung của sự kiện sẽ nêu bật những đóng góp của nhà báo Nguyễn Đức Cảnh đối với báo chí cách mạng Việt Nam, đối với công tác tuyên truyền vận động cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, đấu tranh chống thực dân và các lực lượng phản cách mạng.
Đồng thời, làm rõ hơn giá trị to lớn của những di sản báo chí mà ông để lại, giúp các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau có ý thức hơn trong việc học tập, trưởng thành trong nghề nghiệp và phấn đấu, rèn giũa bản lĩnh, nhân cách người làm báo cách mạng”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi bày tỏ.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa – Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào những năm 2015-2019, quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề cương trưng bày các không gian lịch sử nghề báo giai đoạn 1925-1945, mọi người loay hoay mãi để có thể tìm ra cách tôn vinh một hiện thực lịch sử độc đáo.
Cho đến khi ra mắt công chúng, gian trưng bày đã có một điểm nhấn nội dung về vũ khí báo chí đặc biệt trong đấu tranh giai cấp của các lãnh tụ cách mạng – nhà báo của ta. Một trong số đó là Nguyễn Đức Cảnh – lãnh tụ Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng, người đã trực tiếp viết bài, phụ trách báo và tạp chí của Công hội, và là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Lao Động và Tạp chí Công hội Đỏ. Thời điểm đó, ông mới chỉ 21 tuổi.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa chia sẻ, sinh năm 1908 tại Nam Định, năm 1925 đang học lấy bằng thành chung thì bị đuổi học do tham gia phong trào đòi thả Phan Bội Châu, Nguyễn Đức Cảnh có 2 năm trước khi dấn thân vào con đường cách mạng gian lao. Đó là thời gian ông kinh qua các việc như làm thư ký hiệu ảnh Hưng Ký, giáo viên Trường tư Công Ích phố Bạch Mai, thợ sắp chữ nhà in Mạc Đình Tư, rồi sang Trung Quốc dự thính một lớp huấn luyện chính trị do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội tổ chức.
Người thanh niên cách mạng trẻ tuổi đã có cơ hội rèn giũa nhận thức chính trị cùng những kỹ năng thực tế cần thiết để khi cách mạng cần, có thể tự tin gánh trách nhiệm chỉ đạo ra báo chí, viết bài, tổ chức xuất bản báo chí…
Có thể, dưới sự chỉ đạo của ông, dù khó khăn và sơ khai, nhưng Lao động hay Công hội đỏ đều được chú trọng rất kỹ về nội dung như số Công hội đỏ đầu tiên (ra ngày 1/10/1929) đã mở các chuyên mục như Luận thuyết; Kinh nghiệm phấn đấu; Thư từ đi lại; Tin tức là những chuyên mục rất đặc trưng của thể loại tạp chí.
“Sự hiện diện của ông trong khu vực trưng bày Báo chí Việt Nam 1925-1945 tiếp tục toả sáng một nhân cách, một tài năng – một tấm gương nghĩa khí đã sống, chiến đấu và hy sinh vì nhân dân, vì đất nước, trong đó có sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam!”, nhà báo Trần Thị Kim Hoa cho hay.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã cùng chia sẻ những câu chuyện xúc động, những thông tin có giá trị, góp phần làm rõ hơn những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với nền báo chí cách mạng Việt Nam; đồng thời cùng trao đổi và nghiên cứu Tạp chí Công hội Đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn) dưới góc độ là tờ Tạp chí nghiên cứu, lý luận đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Phát biểu kết luận Toạ đàm, đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ Cách mạng tiền bối của Đảng, một người cộng sản kiên trung, đồng thời là một nhà báo lớn của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
Cho đến thời điểm hiện tại, dựa trên tài liệu công bố, có thể khẳng định Tạp chí Công hội Đỏ (xuất bản số đầu tiên ngày 1/10/1929) là tờ tạp chí có tính nghiên cứu, lý luận đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng. “Sự ra đời của Tạp chí Công hội Đỏ là dấu son của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, hé ra chân trời, triển vọng của giai cấp vô sản và của cách mạng. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị và tuyên truyền rất lớn của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và của Đông Dương Cộng sản Đảng mà lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là linh hồn”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhìn nhận.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc quyết định ra tờ Tạp chí Công hội Đỏ (mà cho đến nay dù chỉ còn lưu trữ được 2 số đầu tiên) đã phản ánh trình độ lý luận, báo chí của Đông Dương Cộng sản Đảng và Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, mà người đại diện là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Có thể khẳng định chí hướng của Nguyễn Đức Cảnh và những người đồng chí của mình là xây dựng nên một tờ tạp chí cách mạng đầu tiên, cho dù mới chỉ nằm trong khu vực của tổ chức Công hội Đỏ.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong công cuộc đổi mới đất nước, báo chí cách mạng tiếp tục là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa – tư tưởng. Tuy nhiên, trong xu thế thương mại hóa báo chí, vì lợi nhuận, vì áp lực cạnh tranh, giành giật thông tin và bạn đọc nên hoạt động báo chí vẫn còn bộc lộ một số những yếu kém, khuyết điểm.
Việc tuyên truyền những tấm gương báo chí mẫu mực, những thế hệ cầm bút đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh,… là vô cùng cần thiết để giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và phong cách báo chí cách mạng cho đội ngũ những người làm báo hiện nay.
Trong khuôn khổ chương trình, Tạp chí Lao động và Công đoàn đã trao tặng tượng bán thân đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam để bổ sung thêm hiện vật tại phòng trưng bày giai đoạn báo chí 1925-1945.
Hoà Giang – Sơn Hải
Nguồn: https://www.congluan.vn/nha-bao-nguyen-duc-canh–nguoi-gieo-mam-cho-su-ra-doi-va-phat-trien-nhung-to-bao-cua-giai-cap-cong-nhan-post314714.html