Ngày ấy, được xuất biên chế thì yên tâm, chứ phải ký hợp đồng lao động thì có thể bị đẩy ra đường bất kể lúc nào. Người lao động bình thường đã vậy, nhà báo hợp đồng thì lại càng hiếm. Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 đến gần, Phóng viên Người Đưa Tin gặp một trong những “của hiếm” ngày ấy- Nhà báo Đàm Minh Thụy (nguyên Phóng viên báo Lao Động, Thời báo Kinh tế Việt Nam) cùng anh chia sẻ những năm tháng sống và làm việc với danh “nhà báo hợp đồng”.
Thất nghiệp. Đi huấn luyện tân binh ở Sóc Sơn. Một người bạn đưa cho tờ thông tin thi tuyển phóng viên của Tạp chí Lao động-Xã hội. Đàm Minh Thụy “liều” đến đăng ký dự thi. Trúng tuyển. Anh được ký hợp đồng lao động, làm phóng viên của Tạp chí. Có lẽ anh là nhà báo hợp đồng đầu tiên và duy nhất cả nước vào lúc ấy.
Chưa hết hợp đồng lao động 12 tháng với Tạp chí Lao động-Xã hội, anh được Báo Lao Động nhận. Cũng vẫn hợp đồng lao động. Cũng vẫn là nhà báo hợp đồng. Gần 4 năm sau, anh chuyển sang Thời báo Kinh tế Việt Nam. Dĩ nhiên, vẫn nhà báo hợp đồng. Vẫn 12 tháng ký lại một lần.
Hơn 15 năm viết báo, 3 lần đổi thẻ nhà báo, từ những năm đầu tiên thí điểm cho đến khi chế độ hợp đồng được phổ biến, lần đầu tiên, anh trải lòng về những buồn vui của nhà báo hợp đồng…
P.V: Anh có thể chia sẻ, nguồn cơn nào mà anh lại trở thành nhà báo hợp đồng vào thời điểm đó?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Bởi vì lúc đó tôi thi tuyển vào làm phóng viên của Tạp chí Lao động-Xã hội. Tạp chí thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mà lúc đó, Bộ đang có chủ chương chuyển người lao động từ biên chế suốt đời sang chế độ hợp đồng. Vì thế, khi tôi trúng tuyển, được thí điểm áp dụng hợp đồng lao động ngay. Tôi nhớ rằng lúc đó Bộ đang thí điểm ở nhiều nơi nhưng nhà báo được thí điểm chế độ hợp đồng lao động, có lẽ cả nước chỉ có mình tôi thôi.
P.V: Hồi ấy anh thi như thế nào?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Tôi chưa từng thấy một cuộc thi tuyển nào nghiêm túc và quy củ như lần thi ấy của Tạp chí Lao động Xã hội. Chúng tôi phải qua 3 vòng. Vòng 1 thi ngay ở Văn phòng Bộ. Vòng 2 thì chúng tôi được cán bộ của Tạp chí dẫn xuống một đơn vị nghe nói chuyện. Sau đó buổi nói chuyện đó, Tạp chí sẽ ra đề tài và chúng tôi có nhiệm vụ viết thành một bài báo. Vòng 3 thì Tạp chí sẽ cấp giấy giới thiệu, chúng tôi tự liên hệ, tự đi làm việc, tự chọn đề tài và viết bài. Tôi nhớ là đợt thi ấy kéo dài mấy tháng mới có kết quả. Đến giờ tôi vẫn còn giữ được Giấy báo trúng tuyển vòng 1.
P.V: Anh làm chúng tôi tò mò. Vòng 1 anh thi những nội dung gì?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Vòng 1 thi 2 ngày với 3 đề bài. Mỗi đề làm một buổi. Đề đầu tiên là một bài báo dài, đã bị Ban Biên tập cố tình đánh một số lỗi. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra các lỗi đó và sửa lại cho đúng. Đề thứ 2 là 3 bài báo dài, chúng tôi phải tổng thuật lại thành một bài ngắn, để một người không có nhiều thời gian có thể đọc mà vẫn nắm được tinh thần chính của cả 3 bài kia. Và đề cuối dùng của vòng 1 là viết bài bình luận về nhận xét “Lao động ở Việt Nam vừa thừa vừa thiếu”.
P.V: Giờ xin quay về chế độ hợp đồng lao động sau khi anh trúng tuyển? Vì sao anh lại dễ rời bỏ biên chế đang có, để chấp nhận chế độ hợp đồng thời điểm đó được xem là mong manh như vậy?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Lúc Tạp chí thông báo thí điểm chế độ hợp đồng lao động, thay vì là biên chế như vẫn thường được hiểu, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng tôi đồng ý vì 2 lý do. Thứ nhất là môi trường làm việc. Tôi đã đến đấy thi 3 vòng và nhận thấy môi trường ở Tạp chí, ở Bộ rất tốt. Thứ 2 là thu nhập. Tôi được giải thích là hợp đồng ký 1 năm, nhưng nếu làm tốt, chỉ sau 6 tháng là Tạp chí sẽ điều chỉnh lương cho tôi. Mà ngay cả lương chưa điều chỉnh cũng đã gấp đôi lương ở chỗ cũ của tôi rồi.
Sau này, mỗi khi được ai hỏi có nên thay đổi chỗ làm việc không, tôi đều khuyên họ rằng các điều kiện khác thì tôi không biết, nhưng nếu thu nhập gấp đôi chỗ cũ thì hay nghĩ đến chuyện thay đổi, còn không thì thôi. Lời khuyên ấy thực ra là xuất phát từ cá nhân tôi đấy.
P.V: Thưa anh, nhà báo hợp đồng thì khác gì nhà báo biên chế?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Cũng khác nhiều đấy! Nhưng vì tôi hay nhìn mặt tích cực của vấn đề nên thấy nhiều điểm tốt hơn thôi.
P.V: Cụ thể là những điểm gì?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Tôi được giúp đỡ nhiệt tình lắm! Mọi người thấy tôi là dân hợp đồng nên thường để ý và giúp khi tôi cần, ngay cả khi tôi chưa biết phải nhờ cậy ai. Tôi nhớ một chị đồng nghiệp bảo tôi cách viết một cái tin. Chị ấy nói: “Đây này, cứ viết là ở đâu? Khi nào? Có nội dung gì ở đó? Rồi ngồi nghe cho kỹ ông bà nào to nhất ở đó nói gì, phát biểu gì thì trích một vài câu hay ho nhất vào tin của mình là được”. Chị ấy sau này trở thành Tổng Biên tập Tạp chí và chúng tôi vẫn giữ liên hệ với nhau cho đến tận bây giờ.
P.V: Nhưng quyền lợi thì chắc là khác nhau nhiều?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Cũng không nhiều lắm đâu! Lương thì tôi nói ở trên rồi. Lương của dân hợp đồng như tôi thì rất dễ. Có thể nào là thể hiện hết. Còn dân biên chế thì chắc là nhiều khoản, vì còn lương cứng, phụ cấp, lương mềm, thưởng… Nhưng tôi không biết rõ lắm. Tôi chỉ biết lương của tôi thôi. Nhà báo thì còn nhuận bút nữa. Và tôi biết chắc chắn rằng hầu hết những tin bài của tôi, đều được các anh chị lãnh đạo chấm nhỉnh hơn dân biên chế ít nhiều. Tôi biết cái ưu ái đó và cảm động lắm.
P.V: Vậy cái gì khác nhau cơ bản giữa dân biên chế và dân hợp đồng?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Có lẽ là phúc lợi và quan niệm thôi! Ngoài quyền lợi ghi trên hợp đồng lao động, hầu như tôi không được hưởng gì nữa. Có trường hợp phúc lợi lớn lắm. Ví dụ mua nhà, mua đất… chẳng hạn. Còn quan niệm phân biệt đối xử thì tôi nghĩ, cho đến tận bây giờ cũng vẫn chưa hết đâu. Những tờ báo tôi đã trải qua, mỗi dịp kỷ niệm thành lập, Tết nhất… tôi chẳng bao giờ được mời, ngoại trừ nếu còn những anh chị cùng làm với tôi và trở thành lãnh đạo ở đó thì họ mời thôi. Có lúc tôi còn nghĩ, có lẽ tên tôi không có trong danh sách cán bộ công nhân viên ở đó nữa.
P.V: Vì sao anh nghĩ vậy?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Vì tôi nhớ có những lần lĩnh lương, tôi được yêu cầu ký vào phiếu chi lương chứ không phải bảng lương của cơ quan. Nếu tên tôi có trong danh sách cán bộ nhân viên thì phải có tên trên bảng lương chứ.
P.V: Vậy anh không thắc mắc gì sao?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Không! Tôi luôn xác định hợp đồng lao động thì một bên là người đi thuê và một bên là người được thuê. Tôi là người được thuê. Thế thôi! Tôi không phải là người chủ ở đó. Dĩ nhiên tôi hiểu, các cơ quan đó là cơ quan Nhà nước và những người làm ở đó là người ăn lương Nhà nước, thay mặt và đại diện Nhà nước, trong đó có nội dung ký hợp đồng thuê tôi làm việc. Và vì thế, tôi không phải là người Nhà nước, không có quyền thay mặt và đại diện Nhà nước. Tôi là người làm thuê cho Nhà nước. Ý là như vậy!
P.V: Anh không sợ khi hết hạn hợp đồng sẽ không được gia hạn hay ký tiếp nữa à?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Sợ chứ! Lúc đầu tôi luôn bị ám ảnh rằng hết 12 tháng hợp đồng lao động, nếu không được gia hạn nữa là mình thất nghiệp, ra đê mà ở. Vì cái ám ảnh đấy mà tôi luôn xác định đi theo 2 hướng. Một là phải làm thật lực, có nhiều tin bài được đăng, để khi hết hạn, sẽ được gia hạn hợp đồng và hai là phải quan sát và tìm kiếm các cơ hội mới. Chính vì xác định như vậy nên tôi viết bài cho các báo khá nhiều. Bản thân các anh chị lãnh đạo ở nơi tôi làm việc cũng biết nhưng họ tạo điều kiện cho tôi. Vì có khi chính các anh chị ấy cũng chẳng thể bảo đảm chắc chắn cho tôi một xuất ký tiếp hợp đồng được.
P.V: Hồi ấy anh hay viết cho các báo nào?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Tôi viết báo Sài gòn giải phóng Thứ 7, Tuổi Trẻ, Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh và cả tờ Thanh Niên nữa. Tôi thích các báo in của Sài Gòn ngày ấy vì thiết kế đẹp và nhuận bút cao. Tôi nhớ từng có bài đăng báo Tết, được trả nhuận bút gần 4 triệu đồng. Nó tương đương với 1 cây vàng đấy!
P.V: Vì sao anh lại không viết báo nữa?
Nhà báo Đàm Minh Thụy: Vì tôi được giao phụ trách một dự án hợp tác giữa Thời báo Kinh tế Việt Nam với Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Khi dự án thay đổi, chúng tôi đã thành lập một công ty truyền thông để tiếp tục công việc. Đấy là lý do tôi không còn viết báo chuyên nghiệp nữa.
P.V: Công việc hiện tại của anh là gì?
Nhà báo Đàm Minh ThụyChúng tôi hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất phim Khám phá Việt Nam và một vài chương trình truyền hình như Chuyện Đêm Muộn, Tinh hoa Nghề Việt.
P.V: Cám ơn anh về cuộc chia sẻ về nghề báo đầy thú vị và chúc anh tiếp tục thành công với công việc hiện tại.