Nhà báo Đinh Quang Thành nguyên là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) bước chân vào nghề báo như có một niềm say mê yêu thích từ nhỏ. Ngay từ khi được ngồi trên ghế nhà trường, ông luôn xây dựng cho mình một ý thức trách nhiệm cao, lắng nghe những kiến thức quý báu từ thế hệ đi trước.
Được đi học về báo chí và ảnh báo chí từ 1960, ông được học tập kinh nghiệm từ nhiều thế hệ cùng với những chuyến đi thực tế đã giúp ông có tư duy và cách làm báo, chụp ảnh mang dấu ấn riêng.
Vào những ngày cuối tháng 3/1975, nhà báo Đinh Quang Thành được lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã phân công tham gia “Tổ mũi nhọn” đi đưa tin về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 (Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử). Trong khí thế hừng hực hướng về Sài Gòn, ông đi suốt ngày đêm, tới Huế lại tiếp tục hành trình vào Đà Nẵng. Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc được giải phóng, ông cùng Sư đoàn 304 tiếp tục hành quân vào Sài Gòn. Trong suốt hành trình đó, mỗi bức ảnh ông chụp đều gắn với những kỷ niệm, câu chuyện đáng nhớ.
Ông cũng có mặt ở trận đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất, đó là vào đúng thời điểm then chốt của Chiến dịch Hồ Chí Minh, trận đánh có mục tiêu và ý nghĩa chiến lược, thực sự là một đòn hiểm bất ngờ làm cho quân địch choáng váng, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội binh chủng hợp thành phát triển thế tấn công, đẩy quân địch nhanh chóng vào thế sụp đổ hoàn toàn.
Ngày 28/4/1975, các trận địa pháo của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trưa ngày 30/4, lá cờ “Quyết thắng” của quân đội ta đã tung bay trên đỉnh cột cờ Bộ Tư lệnh không quân ngụy. Tuy nhiên, phải tới 14 giờ ngày 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự im tiếng súng.
Thời điểm trước đó, vẫn còn bon đạn, vẫn vấp phải sự chống cự quyết liệt của đối phương, nhưng giữa mịt mù khói lửa, ông nhìn thấy một tổ bộ đội ta đang chạy qua đường băng, truy kích quân địch trong sân bay. Ông giơ ngay máy ảnh chụp liên tục khoảnh khắc lịch sử đó. Có thể nói, thời điểm đó sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng bị tê liệt, một nửa số máy bay trên sân bay bị trúng đạn. Cùng lúc đó, quân ta bắt đầu ào ạt tiến công.
Nhà báo Đinh Quang Thành chia sẻ: “Tôi cố gắng tìm góc máy, khu vực nào tốt nhất để có được những bức ảnh đặc sắc, làm sao để bức ảnh đó có thể khiến cho địch khiếp sợ và khơi gợi khí thế của quân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Mọi thứ diễn ra rất nhanh không thể hình dung ra thời điểm đó sân bay thật sự rộng như thế nào, bao nhiêu máy bay, tôi chỉ đơn giản là cố gắng đến tận nơi diễn ra sự kiện để có những bức ảnh ấn tượng nhất”.
Không chỉ có mặt tại trận đánh lớn như ở sân bay Tân Sơn Nhất, thời điểm tiến vào Dinh Độc Lập cùng đoàn xe tăng giải phóng cũng mang lại rất nhiều cảm xúc cho ông.
“Mình không bao giờ nghĩ được, không bao giờ tưởng tượng được có thể vào Dinh Độc Lập vào giây phút lịch sử này. Trong cuộc đời người làm báo không phải lúc nào cũng có những sự kiện lớn của lịch sử dân tộc. Không nhiều như bây giờ, người làm báo để vào Dinh Độc Lập lúc đó cũng khá ít. Người làm báo không chỉ đơn thuần là lấy tin, chụp ảnh gửi về tòa soạn mà ăn cùng bộ đội, sống cùng bộ đội, cũng xung phong vào các trận chiến, cùng gian khổ chịu đựng bom đạn với họ. Có những thời điểm bon đạn nổ ngay cạnh mình, chứng kiến nhiều hi sinh, mất mát”, nhà báo Đinh Quang Thành nhớ lại.
Ông cho rằng mình không trực tiếp ra trận, không được đào tạo để chiến đấu, sử dụng các vũ khí, nhưng mình có cơ hội đến những đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong cùng họ tham gia nhiều trận đánh ác liệt nhất trong những năm tháng chiến tranh. Nhiều trận đánh lớn có ý nghĩa chiến lược, đi vào lịch sử, được có mặt để ghi lại, ông coi đó như một nhiệm vụ của người làm báo thời chiến, mong muốn mình đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Chúng tôi đã có bao ngày cùng bộ đội chịu đựng nhiều gian khổ, hứng chịu những trận bom đạn của kẻ thù và khi có mặt ở Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 – thời khắc lịch sử quan trọng và ý nghĩa, đối với tôi đó là điều vô cùng may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp” nhà báo Đinh Quang Thành tâm sự.
Gắn bó hàng chục năm với nghề báo, nhà báo Đinh Quang Thành luôn quan niệm, muốn làm báo giỏi, kiến thức về văn hóa xã hội là điều quan trọng vô cùng, người làm báo càng giỏi bao nhiêu thì kiến thức văn hóa càng rộng bấy nhiêu.
“Người phóng viên ảnh cũng vậy, họ phải biết vận dụng kiến thức văn hóa xã hội đó gắn với nghiệp vụ chuyên môn về ảnh, xây dựng nên một bức tranh đương thời. Người làm báo cũng luôn cần phải học nhiều, đọc nhiều… vì thế giới bao la, tri thức vô cùng vô tận” – nhà báo Đinh Quang Thành nhấn mạnh.