“Sáng sớm 2.9.1945, hầu như tất cả nhân dân đều đổ ra đường. Tôi cùng hai em trai lớn cũng kéo về hướng quảng trường nhà thờ Đức Bà, nơi chúng tôi được biết sẽ diễn ra sự kiện vô cùng quan trọng: đại diện của Chính quyền Cách mạng, Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam bộ ra mắt đồng bào”, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình viết trong hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước (NXB Tri thức, 2012).
Sinh năm 1927 ở xã Tân Hiệp, Q.Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là xã An Hiệp, H.Châu Thành, Đồng Tháp), bà Nguyễn Thị Bình có tên khai sinh do cha mẹ đặt là Nguyễn Thị Châu Sa. Cha bà là viên chức trong ngành trắc địa, từng sang Phnom Penh (Campuchia) làm việc, chị em bà đều theo cha. Từ tháng 7.1945, ông đưa cả gia đình về Việt Nam.
“Tháng 7.1945, cả gia đình tôi có mặt tại Sài Gòn. Những ai đã sống qua thời ấy đều biết, theo tiếng gọi của non sông, mọi người dân Việt Nam đều muốn có mặt”, bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại tháng ngày trở về quê hương.
Tháng 7, tháng 8.1945, Sài Gòn sống những ngày sôi nổi. Ngày đêm người xe đi lại rầm rập. Những toán Thanh niên Tiền phong tập đi một, hai, hát vang bài Lên đàng của Lưu Hữu Phước. Trước đó, khi nghe những lời ca “Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi” của Lưu Hữu Phước, cô nữ sinh Châu Sa thấy lời kêu gọi thanh niên bừng bừng trong trái tim mình.
Đúng là không khí của “tiền khởi nghĩa”. Tấp nập nhưng hết sức trật tự, mọi người dường như nghe, cảm được hơi thở nóng hổi của một sự kiện trọng đại sắp nổ ra – bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại.
Sáng sớm 2.9.1945, gần 2 triệu quần chúng Sài Gòn và các tỉnh đều đổ ra đường. Địa điểm tập trung tại nhà thờ Đức Bà. Bà Nguyễn Thị Bình kể: “Tôi cùng hai em trai lớn cũng kéo về hướng quảng trường nhà thờ Đức Bà, nơi chúng tôi được biết sẽ diễn ra sự kiện vô cùng quan trọng: đại diện của Chính quyền Cách mạng, Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam bộ ra mắt đồng bào”.
Vì làn sóng bị nhiễu, nên quần chúng Sài Gòn không được nghe trực tiếp lời đọc Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lập tức, ông Trần Văn Giàu – Chủ tịch Lâm ủy Nam bộ, ứng khẩu một bài phát biểu trước hàng triệu người dân. Nhưng cuộc mít tinh vừa xong thì từ tầng lầu các dãy nhà của một số Pháp kiều thực dân trên đường Catinat, Pasteur, những loạt súng bắn vào hàng ngũ quần chúng, chủ yếu vào các em thiếu niên. Nhiều người dân vô tội tham dự mít tinh hoà bình đã ngã xuống trong vũng máu.
Để bảo vệ chính quyền, cha bà tham gia ngay Chi đội 1 miền Đông với những bạn bè sẵn có ở đó. Châu Sa vừa tuổi 18, được các chú gọi làm việc gì thì làm việc nấy. Công việc đầu tiên cô nhận do một kỹ sư canh nông, tham gia phong trào Việt Minh từ sớm tên Hà giao cho. Đó là cô tham gia đón tiếp đại diện của lực lượng Đồng minh Anh – Ấn đến Sài Gòn để giải giáp quân Nhật. Lý do Châu Sa được chọn vì ông Hà nghe nói cô biết tiếng Anh. Đại diện của lực lượng Đồng minh cô tiếp xúc chủ yếu là người Anh, còn quân Ấn và cả một số lính lê dương chỉ làm nhiệm vụ canh gác. Bà Nguyễn Thị Bình vẫn nhớ sự lúng túng khi làm nhiệm vụ cách mạng trong những ngày chính quyền lâm thời: “Lần đầu tiên phải nói tiếng Anh với người Anh, tôi hết sức lúng túng, nhưng ngại nhất là họ chỉ hỏi tôi về các nơi giải trí, nhảy đầm, những việc tôi hoàn toàn không biết, nên làm mấy ngày tôi xin thôi. Đồng chí Hà lại giao cho tôi một việc khác – sau này tôi hiểu đó là công tác tình báo – theo dõi một số nhân vật, xem họ làm gì, đi đâu. Đối với công việc này tôi cũng không quen nên chẳng theo dõi và điều tra được ai…”.
Từ ngày 23.9.1945, không khí căng thẳng tràn ngập Sài Gòn – Chợ Lớn. Quân Pháp công khai gây hấn với Việt Minh. Súng đã nổ khắp nơi trong thành phố. Là chị lớn vừa coi sóc các em ở nhà thờ cụ Phan Châu Trinh (đường Phan Thúc Duyện ngày nay), Châu Sa vừa tham gia tự vệ chiến đấu: “Tôi được giao nhiệm vụ chuyển mấy cây súng ngắn ở nội thành ra ngoại thành. Chúng tôi đều hăng hái thực hiện mọi nhiệm vụ, bất chấp hiểm nguy. Lúc này mọi người, đặc biệt là thanh niên, chỉ nghĩ đến hai từ Độc lập và Tự do của đất nước. Hai tiếng Độc lập và Tự do sao mà thiêng liêng!”. (còn tiếp)
Từ năm 1968, bà Nguyễn Thị Bình chính thức bước vào cuộc đàm phán ngoại giao dài nhất trong lịch sử: Hội nghị Paris. Tại Paris, bà được hội ngộ với bà Phan Thị Minh, tức Lê Thị Kinh, con gái bà Phan Thị Châu Liên – con gái đầu của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Mùa thu này, bà Phan Thị Minh tròn 100 tuổi, được Thành ủy Đà Nẵng trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/nguyen-thi-binh-ky-niem-xuc-dong-ve-ngay-quoc-khanh-29-dau-tien-18524083121270534.htm