Ukraine hiện đã loại các xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Abrams M1A1 do Mỹ cung cấp ra khỏi tiền tuyến trong cuộc chiến với các lực lượng Nga, một phần vì chiến thuật sử dụng máy bay không người lái (UAV) của Moscow, hãng AP dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho biết hôm 25/4.
Mỹ đã đồng ý chuyển những chiếc Abrams, mỗi chiếc giá khoảng 10 triệu USD, tới Ukraine vào tháng 1 năm ngoái nhằm giúp các lực lượng của Kiev tăng cường khả năng chọc thủng phòng tuyến Nga. Đến tháng 10 năm ngoái, cả 31 cỗ xe tăng mà Washington hứa đã được chuyển giao cho Kiev.
Nhưng kể từ đó, điều kiện chiến trường đã thay đổi đáng kể, đặc biệt là việc Nga sử dụng rộng rãi các UAV giám sát và UAV cảm tử. Trong số 31 chiếc Abrams được chuyển giao, 5 cỗ xe bọc thép hạng nặng của Ukraine đã bị đối phương tiêu diệt.
Sự phổ biến của UAV trên chiến trường Ukraine có nghĩa là “không có bãi đất trống nào mà các vị có thể lái xe qua mà không sợ bị phát hiện”, một quan chức quốc phòng cấp cao nói với AP.
Hiện tại, các xe tăng đã được di chuyển khỏi tiền tuyến, và Mỹ sẽ làm việc với Ukraine để thiết lập lại chiến thuật, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Đô đốc Christopher Grady, và một quan chức quốc phòng cấp cao khác xác nhận động thái này.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với AP, ông Grady cho biết, các hệ thống thiết giáp có thể gặp rủi ro khi hoạt động trong một môi trường mà UAV nhan nhản khắp nơi, nhưng khẳng định rằng xe tăng vẫn rất quan trọng.
Chiến dịch phức tạp
Chỉ 5 tháng kể từ khi những cỗ xe tăng Mỹ được triển khai ra tiền tuyến, Moscow cho biết đã hạ gục chiếc Abrams đầu tiên. Và trong vòng chưa đầy 2 tháng, các lực lượng Nga đã tiêu diệt được 5 xe tăng Abrams do Ukraine triển khai trong vùng chiến sự, tờ Eurasian Times cho biết.
Theo Eurasian Times, khi vụ tiêu diệt chiếc Abrams đầu tiên được đưa tin, một số blogger quân sự thân Nga đã lưu ý rằng chiếc MBT, có giá khoảng 5-9 triệu USD, đã bị một UAV trị giá 30.000 USD tấn công.
Không có gì ngạc nhiên khi người Nga sử dụng loại UAV có tên gọi FPV (máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất) để tiêu diệt xe tăng. Đây là phương tiện được sử dụng phổ biến bởi cả 2 bên trong cuộc xung đột.
Bộ Quốc phòng Nga gần đây đã cung cấp thông tin chi tiết về một chiến dịch phức tạp do một trong các đơn vị của họ thực hiện vào cuối tháng 3 nhằm tiêu diệt xe tăng Abrams ở đâu đó theo hướng Avdiivka, nơi giao tranh diễn ra khốc liệt trong vài tháng nay. Thông tin này được hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa.
Theo RIA, các quân nhân của nhóm quân “Trung tâm” đã dành 3 ngày vào cuối tháng 3 để truy đuổi chiếc xe tăng Abrams do Mỹ chế tạo, và cuối cùng đã phá hủy nó bằng cách sử dụng UAV tấn công cảm tử Lancet của họ.
Bộ Quốc phòng Nga dẫn lời chỉ huy một trung đội đặc nhiệm có biệt hiệu “Igla” cho biết: “Chúng tôi đã theo dõi xe Abrams trong 3 ngày. Vào ngày đầu tiên, chúng tôi đã theo dõi nó và muốn tấn công nó, nhưng đối phương đã bảo vệ chiếc xe tăng rất nghiêm ngặt và UAV của chúng tôi đã bị hệ thống tác chiến điện tử của Ukraine làm nhiễu”.
Vị chỉ huy tiếp tục cho biết, ông phải cho UAV của mình bay thường xuyên và liên tục cảnh giác trong khi chiếc Abrams không ở yên một chỗ và có thể được nhìn thấy liên tục thay đổi vị trí, hoặc di chuyển về hậu tuyến để tiếp nhiên liệu.
Theo RIA, việc trinh sát trên không về tình hình theo hướng Avdiivka được thực hiện bởi nhóm điều khiển UAV ZALA. Sau khi xác định được chiếc MBT Abrams, các binh sĩ đã nghiên cứu quy trình vận hành của tổ lái xe tăng địch cũng như các điều kiện không khí và vô tuyến điện tử tại khu vực hoạt động.
Sau đó, nhóm ZALA đã tỉ mỉ lựa chọn khoảng thời gian và thời điểm tốt nhất để bắn trúng cỗ xe tăng Mỹ bằng máy bay không người lái cảm tử Lancet. “Đến ngày tác chiến, chúng tôi ra tay từ rất sớm và cuối cùng cũng tìm được mục tiêu. Chúng tôi đã bắn trúng mục tiêu. Quá trình này tuy lâu dài và vất vả nhưng đã mang lại kết quả”, vị chỉ huy cho biết.
Chiến dịch phức tạp này, mà chi tiết do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp, có khả năng đã dẫn đến việc phá hủy chiếc xe tăng Abrams thứ 5. Theo truyền thông địa phương và thông tin tình báo nguồn mở, những chiếc xe tăng này lần đầu tiên được triển khai tới Avdiivka vào tháng 1 năm nay trước khi chúng được rút đi vào tháng 2 theo sau một cuộc tấn công của Nga.
Khoản đầu tư nhỏ
Dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ, tờ New York Times mới đây đưa tin 5 xe tăng đã bị phá hủy và 3 xe tăng khác bị hư hỏng nhẹ kể từ đầu năm nay. Abrams được Mỹ chuyển giao cho Ukraine vào tháng 10 năm ngoái.
Theo Oryx – trang phân tích quân sự thống kê tổn thất dựa trên bằng chứng trực quan, tổng cộng 796 xe tăng chiến đấu của Ukraine đã bị phá hủy hoặc bị thu giữ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, trong khi Nga mất 2.900 xe tăng. New York Times cho biết UAV có thể được sử dụng để tiêu diệt xe tăng.
“Cuộc chiến bằng UAV ở Ukraine… đã bắt đầu gây thiệt hại khủng khiếp cho một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của sức mạnh quân sự Mỹ: Xe tăng”, New York Times viết.
Mặc dù có khả năng mạnh mẽ nhưng xe tăng không phải là bất khả chiến bại; chúng dễ bị tổn thương nhất ở nơi lớp giáp nặng nhất của chúng mỏng nhất: ở phía trên, nơi đặt khối động cơ phía sau và ở khoảng trống giữa thân xe và tháp pháo. Trong nhiều năm, xe tăng là mục tiêu hàng đầu của mìn, thiết bị nổ, súng phóng lựu và tên lửa dẫn đường chống tăng.
Nhóm điều khiển UAV ZALA của Nga phá hủy vị trí pháo binh và radar của Ukraine ở hữu ngạn sông Dnipro, tháng 3/2024. Nguồn: Sputnik
“Các UAV hiện đang được sử dụng để chống lại xe tăng ở Ukraine thậm chí còn chính xác hơn. Được gọi là máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, hay FPV, chúng được trang bị một camera truyền hình ảnh thời gian thực trở lại người điều khiển, người có thể hướng chúng đến đánh vào những điểm dễ bị tổn thương nhất của xe tăng”, tờ báo Mỹ viết.
Dẫn lời Đại tá Markus Reisner, huấn luyện viên quân sự người Áo, người theo dõi cách vũ khí được sử dụng và bị thất lạc trong cuộc chiến ở Ukraine, New York Times cho biết, trong một số trường hợp, FPV đã được cử đến để “kết liễu” những chiếc xe tăng đã bị mìn hoặc tên lửa chống tăng làm hư hại nhằm ngăn cản việc đối phương đưa các thiết bị đó ra khỏi chiến trường và sửa chữa.
“Tùy thuộc vào kích thước và mức độ phức tạp của công nghệ, UAV có thể có giá chỉ 500 USD – một khoản đầu tư nhỏ để tiêu diệt một chiếc xe tăng Abrams trị giá 10 triệu USD”. New York Times nhấn mạnh.
Minh Đức (Theo AP, Eurasian Times, Ukrainska Pravda)