“RẤT MAY ĐÃ ĐƯỢC ĐƯA ĐẾN BỆNH VIỆN SỚM“
Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận 3 mẹ con ở H.Thanh Sơn (Phú Thọ) nhập viện sau khi cùng ăn thịt và trứng cóc.
Gia đình người bệnh cho biết, trong quá trình sơ chế, thịt cóc đã được lột sạch da, bỏ nội tạng nhưng giữ lại bộ trứng cóc. Sau khi chiên, hai con ăn thịt cóc, còn người mẹ ăn trứng cóc. Khoảng 30 phút sau ăn, cả 3 mẹ con đều có dấu hiệu mệt, buồn nôn, nôn nhiều và được đưa ngay đến trung tâm y tế huyện, sau đó được chuyển đến Khoa Cấp cứu – BV đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Tại BV đa khoa tỉnh Phú Thọ, qua thăm khám, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, 3 bệnh nhân (BN) được chẩn đoán ngộ độc thịt và trứng cóc.
“Rất may mắn BN được đưa đến BV sớm, tình trạng ngộ độc chưa nặng. Các triệu chứng ngộ độc chủ yếu biểu hiện trên đường tiêu hóa, buồn nôn, nôn do ăn lượng ít và chưa có bất thường tại cơ quan tim mạch, thần kinh”, một bác sĩ (BS) điều trị của Khoa Cấp cứu đánh giá.
TS-BS Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Cấp cứu – BV đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết: Sau một ngày điều trị bằng phương pháp rửa, làm sạch dạ dày, than hoạt, truyền dịch thải độc, theo dõi sát điện tim, men tim, tình trạng sức khỏe của 3 BN đều đã ổn định.
CHẤT CỰC ĐỘC
Qua thực tế điều trị, TS-BS Hà Thị Bích Vân lưu ý: Người dân không nên ăn thịt cóc vì cho rằng thịt cóc bổ, chữa được còi xương, suy dinh dưỡng. “Trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh cóc có chứa rất nhiều chất độc, đặc biệt là bufotoxin. Đây là một chất cực độc, bền với nhiệt, có thể gây rối loạn nhịp tim và tử vong”, BS Vân cho biết.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố của cóc có ở một số bộ phận cơ thể. Trong đó, nhựa cóc có ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc, trong gan và buồng trứng. Độc tố của cóc là hợp chất bufotoxin gồm nhiều chất như 5-MeO-DMT, bufagin, bufotalin, bufotenin, bufothionine, epinephrine, norepinephrine, serotonin… Các chất này tác động đến tim mạch, gây ảo giác, hạ huyết áp… Ngộ độc thực phẩm xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc.
Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 – 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu bia) với các biểu hiện: chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, loạn nhịp tim, trụy tim mạch.
Ở người nhiễm độc tố cóc, huyết áp lúc đầu cao, sau đó tụt; có xuất hiện các rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê mỏi), chóng mặt, ảo giác, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp. Nếu nhựa cóc bắn, dính trực tiếp niêm mạc mắt, độc tố trong nhựa này sẽ gây bỏng rát, phù nề niêm mạc…
Ngộ độc do độc tố ở cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao, nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời mới có hiệu quả.
Khi phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu (bệnh viện).
Không nên ăn thịt cóc.
(Nguồn: Cục An toàn thực phẩm)