Thiếu trường lớp là vấn đề tồn tại từ rất lâu tại Hà Nội và các TP lớn. Thực tế cho thấy, kinh tế xã hội càng phát triển, tốc độ tăng dân số cơ học càng nhanh thì tình trạng thiếu trường lớp càng trầm trọng. Tuy vậy, đây có phải có nguyên nhân duy nhất gây nên tình trạng này?
Trong nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu trường lớp tại Hà Nội và các TP lớn, dễ dàng định vị hai nguyên nhân đầu tiên, cơ bản nhất, đó là quỹ đất quá hẹp trong khi dân số lại tăng quá nhanh.
Bày tỏ về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định: xu hướng chung ở bất cứ nước nào trên thế giới là dân cư sẽ dịch chuyển về TP lớn để sinh sống, làm việc. Chính bởi vậy, các TP lớn luôn có tốc độ tăng dân số cơ học rất nhanh. Tại Hà Nội, dù chính quyền đã rất ưu tiên đầu tư ngân sách cho giáo dục nhưng so với tốc độ tăng dân số thì tốc độ xây trường vẫn đi sau.
Theo PGS.TS Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII), Hà Nội là đô thị phát triển, nhiều người dân ở khắp mọi miền tổ quốc về đây lập nghiệp, an cư; chưa kể mỗi năm có hàng triệu sinh viên ra trường ở lại Thủ đô làm việc, sinh sống. Khi dân số cơ học tăng, trẻ em trong độ tuổi đến trường cũng tăng theo.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.900 trường học các cấp, trên 70.000 lớp học, gần 2,3 triệu học sinh và khoảng 130.000 giáo viên. Với tốc độ tăng khoảng 50.000 – 60.000 học sinh, mỗi năm Hà Nội phải xây từ 30 – 40 trường học mới đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ học cho con em Nhân dân sinh sống ở Thủ đô. Tuy nhiên, hiện việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch tại Hà Nội chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng dân số nên tình trạng thiếu trường học các cấp vẫn diễn ra; trong đó có hiện tượng thiếu trường lớp cục bộ.
Từng được nhắc đến với tên gọi “vùng trũng” về cơ sở vật chất giáo dục, tỉ lệ học sinh/lớp tại các cấp học của quận Hoàng Mai đều vượt quá quy định của Bộ GD&ĐT. Số liệu thống kê năm học 2022 – 2023 cho thấy, bình quân cấp mầm non tại quận Hoàng Mai là 38,6 trẻ/nhóm lớp; cấp tiểu học là 47,6 học sinh/lớp; cấp THCS là 45,5 học sinh/lớp; cấp THPT là 46 học sinh/lớp. Không chỉ Hoàng Mai, các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông cũng là những địa bàn “nóng” về số lượng học sinh vì có nhiều khu đô thị mới.
Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trong quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu và chi tiết của Hà Nội đều tính toán đảm bảo đủ trường học. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn một số tồn tại, trong đó có việc thiếu trường tại khu vực nội đô khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
“Chúng ta thiếu điều tra, giám sát cụ thể về việc khu đô thị có đất nhưng không xây trường học, thậm chí không giải phóng mặt bằng. Việc này phải có chế tài và phân cấp phân quyền để giám sát, thanh tra, xử lý”, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói.
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có hơn 120 trường đại học, cao đẳng của các bộ ngành, hơn một triệu sinh viên sinh sống, học tập; tập trung nhiều nhất ở quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, y tế có mức độ điều trị gây ô nhiễm, các trường đại học, cao đẳng, trụ sở các cơ quan, DN lớn ra ngoài khu vực nội đô để ưu tiên một phần quỹ đất để xây dựng trường công lập đã được quy định tại Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng kết quả thực hiện không như lộ trình kế hoạch đề ra.
Đại biểu QH Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu TP Hà Nội) nêu thực tế: đã có một số cơ quan thực hiện việc chuyển trụ sở ra khỏi nội đô nhưng lại xảy ra tình trạng các cơ quan có một bộ phận ở cơ sở mới, một phần vẫn ở cơ sở cũ, chưa thể thực hiện được việc di chuyển toàn bộ các cơ quan trong diện phải di dời.
Mặt khác, sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng hệ thống trường đại học, cao đẳng tại Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mục tiêu của quy hoạch là giảm mật độ sinh viên và số trường trong trung tâm đô thị. Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với Bộ GD&ĐT lập quy hoạch, đề xuất hướng di dời một số cơ sở đạo tạo ở nội đô. 12 đại học, cao đẳng được đề xuất di dời, trong đó có các trường đại học: Luật Hà Nội, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng, Mở Hà Nội… ; tuy nhiên, sau 15 năm, hầu hết các trường đại học trên vẫn ở lại nội đô. Những điều này khiến Hà Nội luôn gặp khó khăn về quỹ đất, kéo theo khó khăn về việc xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới trường học.
Ngày 16/8/2024, báo cáo tình hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – xã hội trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu bổ sung một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thiếu trường lớp tại nội đô, đó là một số phường nằm trong khu vực hành lang thoát lũ, việc xây mới, sửa chữa, cải tạo trường học gặp rất nhiều khó khăn do vướng Luật Đê điều. Đơn cử, Trường THCS Phúc Xá, quận Ba Đình qua nhiều lần khảo sát, thầy trò, phụ huynh vui mừng vì ngỡ sắp khởi công xây trường mới nhưng rồi, không ít khoá học sinh đã trưởng thành, lên cấp học khác còn trường thì vẫn như cũ. Cơ sở vật chất xuống cấp vừa khó đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu của chương trình mới, gây trở ngại cho công tác tuyển sinh của trường, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo cũng như sự công bằng trong giáo dục.
Việc chậm triển khai xây dựng trường học trong các khu nhà ở, khu đô thị, khu đô thị mới cũng là nguyên nhân của tình trạng thiếu trường lớp tại Hà Nội. Là nơi toạ lạc của vài chục toà chung cư với chiều cao 34 – 35 tầng nổi, Vinhomes Smart City (phường Tây Mỗ quận Nam Từ Liêm) được biết đến là một Đại đô thị – “Thành phố thông minh” của Hà Nội và Việt Nam. Khi các toà chung cư mở bán, đi vào hoạt động, tốc độ tăng dân số cơ học tại phường Tây Mỗ tăng lên con số 70.000 người.
Thông tin từ quận Nam Từ Liêm cho biết, cả phường Tây Mỗ năm học 2023 – 2024 đổ về trước chỉ có 2 trường tiểu học công lập Tây Mỗ và Lý Nam Đế. Năm học 2023 – 2024, Trường Tiểu học Lý Nam Đế có gần 1.500 học sinh, Trường Tiểu học Tây Mỗ có 46 lớp với 2.472 học sinh. Để giảm tải cho Trường Tiểu học Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm đã xây dựng đề án tách trường này thành 2 trường là Tiểu học Tây Mỗ và Tiểu học Tây Mỗ 3. Tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, việc có thêm một ngôi trường mới với hơn 1.000 chỉ tiêu vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu về chỗ học, dẫn đến sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 gây xôn xao dư luận mới đây.
Tại quận Hoàng Mai có 19 khu đô thị với 68 ô đất quy hoạch trường học, nhưng đa số các ô quy hoạch trường học chưa được đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ. Tính đến tháng 7/2023, quận Hoàng Mai có 38 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai do nhiều chủ đầu tư nợ thuế lớn, chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài qua nhiều năm; nhiều chủ đầu tư không tập trung đầu tư hạ tầng xã hội như: trường học, cây xanh, bãi đỗ xe… gây nên hiện tượng quá tải về hạ tầng xã hội trên địa bàn.
Tại một báo cáo giải trình của Sở GD&ĐT Hà Nội gửi UBND TP năm 2020 có điểm gần 20 dự án khu đô thị, nhà ở chưa xây dựng trường học theo quy hoạch bảo đảm đồng bộ với phát triển dân số, đó là các dự án thuộc một số quận (huyện): Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì…
Nhiều kiến trúc sư cho rằng, Hà Nội phải mạnh tay xử lý tình trạng chủ đầu tư không xây trường học khi triển khai dự án. Nếu chủ đầu tư không muốn xây hoặc cố tình không xây trường học trong dự án thì họ phải nộp lại số tiền tương đương để mua một không gian đủ chỗ cho số học sinh trong khối dân cư mà dự án đó sẽ hình thành. Điều đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây, đó là chính quyền phải yêu cầu xây dựng các cơ sở giáo dục công lập chứ không phải xây dựng các trường tư rồi thu học phí cao ngất ngưởng.
Để góp phần giải bài toán thiếu trường lớp tại Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội phải quyết liệt, nhanh chóng thực hiện việc di dời trụ sở một số bộ ngành, DN, trường đại học… ra khỏi nội đô theo Quyết định 130/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ để lấy một phần quỹ đất xây trường công lập. Mới đây, nhiệm vụ này tiếp tục được nhắc lại và nhấn mạnh tại Luật Thủ đô 2024.
Cùng với đó, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội cần tăng cường công tác quản lý, dự báo dân số, nhất là tốc độ tăng dân số cơ học; nói cách khác là cần có cách thức quản lý dân cư hợp lý hơn để chủ động trong công tác xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp.
(Còn tiếp)
11:45 30/08/2024
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bai-2-nguyen-nhan-khong-chi-boi-dat-chat-nguoi-dong.html