Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Nêu ý kiến tại tổ Hà Nội, đại biểu Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank cho rằng nghị quyết nên được thông qua trong kỳ họp này.

duc an pham.jpeg
Đại biểu Phạm Đức Ấn. Ảnh: Mạnh Thắng

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Ấn, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết cần rộng hơn, không nên chỉ giới hạn trong các vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.

Dẫn chứng trường hợp Agribank xử lý tài sản của một công ty có tài sản đảm bảo khoảng 280 tỷ đồng, ông Ấn cho hay, nếu trước đây cho xử lý tài sản có thể thu được ngay. Nhưng đến nay nợ lãi phát sinh hơn 300 tỷ đồng mà tài sản vẫn phong tỏa. Thiệt hại không chỉ cho tổ chức cá nhân mà chính Nhà nước.

“Chừng ấy tiền mà quay vòng cho vay thì thu được còn nhiều hơn. Nếu tiền bỏ vào kho bạc thiệt hại cho cả người bị hại, giảm khả năng khắc phục hậu quả của bị can. Vì tiền vào kho bạc không tăng, nhưng vào ngân hàng thương mại cả trăm tỷ, nghìn tỷ chỉ cần vài ba tháng sẽ tăng lên”, ông Ấn nêu ví dụ.

nguyen huu chinh HN.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – nguyên Chánh án TAND Hà Nội. Ảnh: Phú Trọng

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (nguyên Chánh án TAND Hà Nội) đề xuất sớm ban hành nghị quyết, bởi quy định hiện hành vô cùng bất cập, gây bất lợi cho bị cáo, bị hại.

Ông Nguyễn Hữu Chính cho biết, theo quy định, khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra có quyền phong tỏa, kê biên tài sản. Song, cơ quan cuối cùng giải quyết số tài sản này lại là do tòa án, thời gian rất lâu, thông thường kéo dài 1 – 2 năm gây hư hỏng vật chứng.

Nguyên Chánh án TAND Hà Nội dẫn chứng vụ án liên quan đến cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, trong đó có số thiết bị y tế trị giá 40 tỷ đồng bị phong tỏa kê biên. Nhưng sau xử lý vụ án, điều chuyển cho bệnh viện khác cũng không ai dám nhận nên phải bỏ không.

“Có những vụ án máy móc để vài năm thành sắt vụn”, ông Nguyễn Hữu Chính nói và cho rằng không chỉ giới hạn xử lý ở các vụ án tham nhũng mà nên mở rộng phạm vi.

nguyen hai trung.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) nêu thực tế cơ quan này đang phải quản lý số lượng vật chứng tài sản rất lớn, rất lãng phí, trong khi có những tài sản để lâu quá mất giá trị.

“Chủ phương tiện không để ý là coi như bỏ luôn. Thanh lý thì không thanh lý được, cứ phải ngồi giữ khư khư”, ông Trung nói.

Theo Giám đốc Công an TP Hà Nội vấn đề trên gây lãng phí như tài sản hao mòn mất giá trị và phải có kho chứa vật chứng. Ngoài ra, việc bố trí người trông coi vật chứng cũng gây ra lãng phí.

“Thực tế hiện nay rất khó khăn, bất cập nên ban hành văn bản này là cần thiết. Nhưng phạm vi điều chỉnh quá hẹp, chỉ các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo dõi chỉ đạo”, ông Trung nói và đề nghị mở rộng phạm vi về việc này.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chưa nên mở rộng phạm vi thí điểm mà chỉ nên tập trung vào các vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Theo bà Thủy, không nên cầu toàn, cũng không nên nóng vội, cần áp dụng thận trọng. Tuy nhiên, thời gian thí điểm có thể quy định linh hoạt, không nhất thiết phải 3 năm, vừa làm vừa đánh giá và kết hợp với việc sửa các luật khác.

Ngăn chặn từ sớm việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản

Ngăn chặn từ sớm việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản

Sáng 30/10, Quốc hội nghe Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.