Ứng dụng công nghệ, Nguyễn Cảnh Dương xây dựng Chợ Deli với mô hình chợ đầu mối online để tối ưu chuỗi cung ứng nông sản, cung cấp hơn 1.200 mặt hàng cho các quán ăn, nhà hàng, khách sạn với giá cả cạnh tranh, thời gian giao hàng linh hoạt…
Dù mới chính thức đi vào hoạt động hơn 1 năm, nhưng Chợ Deli đã có số lượng khách hàng khá ổn định. Mỗi tháng, start-up cung cấp nguyên liệu đầu vào cho 150 – 200 khách hàng, gồm các quán ăn, nhà hàng, siêu thị, khách sạn hạng sang… trên địa bàn TP.HCM và Bình Dương.
Chợ Deli sở hữu 1 tổng kho chính và 4 kho phụ. Đội ngũ giao hàng do start-up tự phát triển, bên cạnh việc kết hợp với một đối tác vận chuyển bên ngoài.
Nguyễn Cảnh Dương, CEO Chợ Deli
Nửa đêm nhận đơn, 5 giờ sáng giao hàng
Chuỗi cung ứng nông sản hiện nay hoạt động chưa thực sự hiệu quả khi hàng hóa phải trải qua nhiều khâu trung gian trước khi đến được tay khách hàng cuối cùng. Với các doanh nghiệp trong ngành F&B (thực phẩm và đồ uống), câu chuyện cũng tương tự. Nguồn nguyên liệu đầu vào cần đi qua một số nhà cung cấp, phân phối, đại lý…, sau đó mới tới căn bếp của mỗi quán ăn, nhà hàng. Vì lý do này, giá nguyên liệu đầu vào thường bị đẩy lên cao.
Chưa kể, chủ nhà hàng, quán ăn phải làm việc với nhiều đơn vị cung ứng để mua đủ lượng hàng mỗi ngày, khiến quy trình mua bán tốn nhiều thời gian, công sức.
Hiểu được những tồn tại trong chuỗi cung ứng nông sản truyền thống, Nguyễn Cảnh Dương đã thành lập start-up Chợ Deli, nhằm mang đến cho các nhà hàng, quán ăn giải pháp thu mua toàn diện.
Chợ Deli là chợ đầu mối online, cung cấp danh mục gồm 1.200 mặt hàng rau, củ, thịt, cá…, từ hàng tươi sống chế biến trong ngày tới hàng đông lạnh và các loại đồ khô.
Thời gian chốt đơn hàng ngày ở Chợ Deli từ 23 giờ 30 hôm trước, đơn hàng được giao vào 5 giờ sáng hôm sau. Thậm chí, với những đơn hàng vào khung 1 giờ sáng, nhà sáng lập 9x cho biết, Chợ Deli vẫn có thể đáp ứng được.
“Chợ Deli ứng dụng công nghệ để tối ưu vận hành, nên có thể làm ở quy mô lớn, mà giá cả vẫn cạnh tranh so với các tiệm nhỏ lẻ”, Dương nói.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, Chợ Deli hợp tác với khoảng 100 nhà cung cấp. Start-up kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào thông qua 3 khâu: xác minh, đánh giá thông tin và khả năng đáp ứng của nhà cung cấp trước khi ký hợp đồng hợp tác; đánh giá báo cáo chất lượng lô hàng do nhà cung cấp gửi đến trước khi chính thức nhập hàng; kiểm tra sản phẩm sau khi đã nhập hàng.
Tuy nhiên, Dương cũng thừa nhận, với nông sản tươi, chuỗi cung ứng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn do đặc tính phải giao ngay; chưa kể lượng hàng hóa start-up xử lý mỗi ngày có khối lượng lớn và chủng loại đa dạng. Vì vậy, start-up không thể tránh khỏi sai sót trong quá trình cung cấp.
Bù lại, họ đặt trọng tâm vào khâu chăm sóc khách hàng. Với mỗi đơn hàng giao sai món, thiếu món hoặc sản phẩm có bất kỳ vấn đề gì, Chợ Deli cam kết hỗ trợ khách đổi trả/bù hàng trong vòng 1 giờ.
Hoàn thiện công nghệ để phục vụ khách hàng tốt hơn
Nguyễn Cảnh Dương tốt nghiệp khoa tài chính – kế toán, Đại học Monash (Australia). Đam mê lớn nhất của anh là khởi nghiệp. CEO 9x từng đảm nhận nhiều vị trí khác nhau tại Lazada, FPT Software… và khởi nghiệp với một ứng dụng chuyên tổng hợp các mã ưu đãi, tích điểm trước khi xây dựng Chợ Deli.
Cuối 2021, start-up bắt đầu cung ứng nông sản tới các khu vực bị phong tỏa vì Covid-19 tại Thủ Đức (TP.HCM). Tháng 2/2022, khi giao thương trở lại bình thường, Dương cùng đội ngũ quay về mảng kinh doanh “lõi” là cung cấp nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp F&B, với nhóm khách hàng đầu tiên là các quán ăn.
Cung ứng đa dạng sản phẩm với giá cạnh tranh, Chợ Deli nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ các chủ quán. Sau đó, start-up dần mở rộng sang các nhóm khác như nhà hàng, siêu thị, khách sạn.
Dương chia sẻ, qua thực tế triển khai, anh nhận thấy, mô hình Chợ Deli phải đối mặt với 2 khó khăn chính.
Thứ nhất, nông sản là mặt hàng không có tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cụ thể, nên khi nhận hàng, khách hàng có thể muốn đổi trả vì những đánh giá cảm tính. Chưa kể, quy trình nhập hàng, đóng hàng với số lượng lớn dễ phát sinh sai sót.
Thứ hai, đặc tính của ngành kinh doanh F&B là khối lượng công nợ gối đầu nhiều; khách hàng dồn công nợ trong 1 – 4 tuần rồi mới thanh toán một lần.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, hoạt động kinh doanh của đối tác bị ảnh hưởng khiến Chợ Deli cũng không tránh khỏi liên lụy.
Tuy vậy, Dương và đội ngũ vẫn không ngừng hoàn thiện công nghệ để tiến về phía trước. Nếu năm 2022, Chợ Deli tập trung tìm hiểu về đặc tính của từng tệp khách hàng, thì năm 2023 là khoảng thời gian tối ưu quy trình để phục vụ khách hàng tốt hơn. Start-up đang triển khai thử nghiệm tại Phú Quốc, bên cạnh thị trường TP.HCM, Bình Dương.
Sau khi hoàn thành vòng gọi vốn tiền hạt giống, Dương đang xây dựng kế hoạch gọi vốn vòng series A cho Chợ Deli. Tuy nhiên, thị trường đang khó khăn, nên nhà sáng lập cũng không quá kỳ vọng vào phương án gọi thêm vốn đầu tư.
“Thời điểm này, gọi vốn khá khó khăn. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng tối ưu quy trình, quản lý công nợ chặt chẽ để tiến tới đạt điểm hòa vốn và sớm có lợi nhuận”, Dương chia sẻ.
Đầu tư.VN