Khi theo đuổi trào lưu “bắt pen”, giới trẻ sẽ đối mặt với hàng loạt nguy cơ sức khỏe, thậm chí là tử vong.
Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều video theo trào lưu “bắt pen” (dùng tay ấn mạnh vào động mạch cảnh ở vùng cổ đến khi có dấu hiệu rơi vào trạng thái lơ mơ, lịm dần đi) khiến giới trẻ thích thú và tò mò thực hiện bởi cảm giác lâng lâng.
Ảnh minh họa. |
Hiện nay, giới trẻ đang rộ lên trào lưu “bắt pen” trên mạng xã hội. Khi chơi trò này, một người sẽ thực hiện việc ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng hoặc phê pha.
Nguyên nhân sâu xa của trào lưu “bắt pen” là nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, thường muốn thử nghiệm những cảm giác mạnh mẽ và khác biệt để thoát khỏi sự buồn chán trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng hậu quả vô cùng nguy hiểm, không thể lường trước được. Trào lưu này nguy hiểm tới tính mạng, bởi, mạch máu rất mềm, chỉ cần tìm đúng mạch, dùng tay ấn nhẹ thì máu sẽ ngừng lưu thông.
Ngày 14/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã đưa ra cảnh báo về trò chơi nguy hiểm chết người của giới trẻ, đó là “bắt pen”.
Theo đó, trào lưu “bắt pen” có thể gây ra tình trạng thiếu máu não. Khi thực hiện ấn vào 2 động mạch cảnh vài giây sẽ không gây nguy hiểm nhưng nếu ấn lâu thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng.
Khi máu không được cung cấp đủ cho não, có thể dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí là tổn thương não. Nguy hiểm hơn, các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi.
Trào lưu này cũng có thể gây ngưng tim bởi hành động “bắt pen” có thể kích thích một số phản xạ trong cơ thể, dẫn đến ngưng tim đột ngột.
Bên cạnh đó, việc tạo áp lực mạnh lên cổ có thể gây chấn thương cho các cấu trúc xung quanh, bao gồm dây thần kinh và mạch máu và các tổ chức mô mềm xung quanh của người chơi. Trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi tham gia hưởng ứng các trào lưu trên mạng xã hội thì người dùng cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ tác hại của nó và đặt sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội lên trên hết.
Nói về sự nguy hiểm của trào lưu nêu trên, PGS.Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, kiêm Trưởng Khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 nhận định, có hai hệ thống mạch máu chính để cung cấp máu lên não, bao gồm hai động mạch cảnh (tuần hoàn trước) chịu trách nhiệm 70-80% nhu cầu của não bộ và động mạch sống – nền (tuần hoàn sau) chịu trách nhiệm 20-30% nhu cầu máu còn lại.
Các hệ thống mạch máu phía trước – sau và hai bên được liên kết với nhau qua đa giác Willis (giống như vòng xoay giao thông), nhằm đảm bảo nhu cầu máu lên não luôn ổn định khi một bên bị sự cố.
Tại hai động mạch cảnh trong đoạn cổ còn có xoang cảnh có tác động điều chỉnh nhịp tim và huyết áp. Do vậy hành động ép chặt hai bên động mạch cảnh sẽ gây giảm tưới máu não nghiêm trọng (do chịu trách nhiệm 70 – 80% lượng máu lên não). Nếu bỏ tay nhanh, gây chóng mặt, ngất, mất ý thức thoáng qua.
Trường hợp nếu ép quá lâu, PGS.Thắng cho hay có thể gây đột quỵ do thiếu máu, đặc biệt khi đã có sẵn tình trạng tắc hẹp mạch máu trước đó nhưng không biết hoặc cũng có thể gây ra tổn thương não do hội chứng tăng tái tưới máu.
Trong trường hợp ép quá mạnh tay cũng có thể gây tổn thương động mạch cảnh. Nguy hiểm hơn hết, việc ép cổ gây kích thích xoang cảnh có thể làm chậm nhịp tim và ngưng tim.
“Đây là việc làm nguy hiểm cần phải ngăn chặn trên các mạng xã hội. Nó hoàn toàn không phải là trò chơi để có thể mạo hiểm thử tìm cảm giác”, PGS.Thắng nhấn mạnh.
Một số chuyên gia khác cũng cảnh báo khi ấn vào động mạch cảnh một cách đột ngột sẽ có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, thiếu máu nuôi dưỡng não tạm thời, gây choáng váng, ngã vật ra. Thứ hai, gây một phản xạ đối với động mạch cảnh (được bao bọc hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm), làm ngưng tim đột ngột.
Do vậy chuyên gia khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được thực hiện hành động này. Ngay cả khi đùa nghịch, nếu chẳng may đánh trúng vào động mạch cảnh vùng cổ cũng rất nguy hiểm, có thể gây ngưng tim đột ngột.
Nguồn: https://baodautu.vn/nguy-co-ton-thuong-nao-ngung-tim-vi-bat-pen-d227429.html