Theo lộ trình tắt sóng 2G tại Việt Nam, kể từ ngày 16/9/2024, các nhà mạng viễn thông sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G). Điều đó có nghĩa, sau thời điểm trên, những chiếc điện thoại 2G Only sẽ trở thành đồ cổ.

Việt Nam còn hơn 10 triệu thuê bao 2G. Đây là những người sử dụng điện thoại 2G Only hay còn gọi là điện thoại “cục gạch”. Tập người dùng này sẽ phải chuyển đổi thiết bị mới trước thời hạn 16/9/2024. 

Tại buổi họp giao ban của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) với các doanh nghiệp triển khai tắt sóng 2G, một trong những vấn đề được nhà mạng quan tâm là liệu các nhà cung cấp thiết bị di động có đủ khả năng đáp ứng lượng máy lớn cần thay thế.

W-Dien thoai cuc gach 2G 3.jpeg
Một mẫu điện thoại chỉ hỗ trợ công nghệ 2G. Mẫu máy này không thể sử dụng tại Việt Nam sau ngày 16/9. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, vấn đề lớn nhất hiện nay là nguy cơ thiếu máy điện thoại 4G, bao gồm cả feature phone 4G và những mẫu smartphone giá rẻ, tầm giá từ 3 triệu đổ xuống. 

Tính toán của Viettel cho thấy, sản lượng thị trường di động Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 50% so với nhu cầu. Do vậy, nhà mạng này mong muốn Bộ TT&TT có sự tác động tới các nhà cung cấp để đảm bảo có đủ điện thoại di động 4G tại các địa phương đang tập trung chuyển đổi thiết bị cho người dùng. 

Có tình trạng máy điện thoại 4G và smartphone trên kênh thiếu cục bộ ở một số tỉnh. Viettel rất nỗ lực trang bị máy để phục vụ công tác chuyển đổi thiết bị cho người dùng, nhưng vẫn không đáp ứng được tốc độ chuyển đổi, đặc biệt khi càng về gần giai đoạn cuối”, ông Nguyễn Trọng Tính nói. 

Trước nguy cơ thiếu hụt thiết bị đầu cuối 4G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đề xuất, Viettel nghiên cứu việc chủ động nhập thiết bị, có thể trực tiếp mua máy để hỗ trợ người dùng. 

Cục Viễn thông sẽ làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu điện thoại di động nhằm nắm bắt tình hình, đồng thời gửi thông báo về việc dừng công nghệ 2G để các doanh nghiệp chú trọng hơn về nguồn cung thiết bị đầu cuối 4G”, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết. 

W-smartphone-di-dong-4-1.jpg
Một người cao tuổi sử dụng điện thoại smartphone để mua hàng qua mạng. Ảnh: Trọng Đạt

Trước đó, tại buổi tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?” do Báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) tổ chức, vấn đề nguồn cung thiết bị thay thế điện thoại 2G cũng đã được đem ra “mổ xẻ”.

Theo ông Trương Minh Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh dịch vụ của Thế Giới Di Động, doanh số điện thoại feature phone 4G tại chuỗi cửa hàng này đang tăng trong thời gian đây. Số điện thoại feature phone 4G chiếm từ 10-15% sản lượng bán hằng tháng của Thế Giới Di Động, tương đương khoảng 70.000 máy được bán ra thị trường mỗi tháng. 

Với máy feature phone 4G, trong nước chỉ có một số hãng sản xuất là Nokia, Masstel, Itel và Mobell. Ngoại trừ Nokia, 3 nhà cung cấp còn lại có sản lượng máy không đủ nhiều để phục vụ cho việc chuyển dịch thuê bao 2G. Nếu yêu cầu số lượng máy lớn và trong khoảng thời gian ngắn cũng sẽ gây khó khăn cho nhà bán lẻ trong việc không đủ hàng bán ra”, đại diện Thế Giới Di Động chia sẻ. 

Ở góc nhìn của một nhà sản xuất thiết bị, ông Vũ Thành Trung, Giám đốc sản phẩm Oppo Việt Nam cho hay, để đáp ứng nhu cầu smartphone giá rẻ, từ giờ đến cuối năm, hãng này sẽ ra mắt nhiều mẫu smartphone dưới 5 triệu đồng.

Những người dùng điện thoại 2G chủ yếu ở khu vực miền núi, nông thôn, thu nhập không cao, do vậy, việc cho ra mắt mẫu điện thoại sở hữu các yếu tố như độ bền tốt, thời lượng pin cao luôn là yếu tố được Oppo đặt lên hàng đầu. 

Tuy phải đối mặt với những áp lực không nhỏ, tại tọa đàm do báo VietNamNet tổ chức, nhiều đại lý bán lẻ và các nhà sản xuất di động cam kết sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu của người dân nhiều nhất có thể, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt thiết bị khi tắt sóng 2G. 

Việt Nam còn hơn 10 triệu người dùng điện thoại ‘cục gạch’Theo số liệu mới nhất, Việt Nam còn hơn 10 triệu thuê bao 2G. Đây là những người sử dụng điện thoại 2G Only hay còn gọi là điện thoại ‘cục gạch’.