(Dân trí) – Những quả đồi cạnh nhà bất ngờ nứt toác, nguy cơ sạt lở cao khiến nhiều hộ dân ở Hòa Bình phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Hàng trăm người dân thấp thỏm cảnh sống ở nhờ chưa biết đến bao giờ.
Đồi nứt toác, sạt lở khắp nơi
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều địa phương ở Hòa Bình xảy ra tình trạng nứt đồi núi, sạt lở đường giao thông, ngập úng nhiều khu dân cư. Trong đó, tình trạng nứt toác đồi ngay sát khu dân cư, nguy cơ sạt lở cao xảy ra khắp các huyện, thành phố ở Hòa Bình, như: TP Hòa Bình, Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn….
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở đất, đá tại các khu dân cư xóm Rài, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn và xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc.
Sạt lở đồi ở xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn khiến 60 hộ với 278 nhân khẩu phải di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm (Ảnh: Thanh Bình).
Ngoài hai khu dân cư nguy cơ sạt lở đất, đá được công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai nói trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhiều khu vực nguy cơ sạt lở cao. Chính quyền địa phương đã thực hiện di dời khẩn cấp các hộ dân đến nơi an toàn, đề phòng sạt lở gây đổ sập nhà cửa, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Trên địa bàn huyện Đà Bắc, ngoài khu dân cư xóm Rằng, xã Cao Sơn, hai vết nứt lớn ngang tại đồi Cái cũng có nguy cơ trượt sạt xuống nơi sinh sống của 16 hộ dân khu vực Sung Bang, xóm Riêng. Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời người dân và tài sản thiết yếu đến nơi an toàn. Đồng thời, đặt biển cảnh báo, hạn chế người dân qua lại khu vực này.
Tại thành phố Hòa Bình, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 47 hộ với 138 nhân khẩu, cùng toàn bộ tài sản của người dân tại khu vực tổ 1, phường Thống Nhất. Tại khu vực này, từ chiều 22/9, sau những trận mưa lớn kéo dài, người dân phát hiện có vết nứt dài ở khu vực đồi sau khu dân cư, nguy cơ sạt lở cao.
Sau khi kiểm tra thực tế, chính quyền cùng các lực lượng chức năng đã nhanh chóng lên phương án và di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đất. Hơn 100 người dân được di dời đến nhà người thân, trụ sở UBND phường cũ, nhà văn hóa… Tại khu vực nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương vẫn đang cắt cử người theo dõi diễn biến của thiên tai, ngăn cấm người dân trở về nhà và đến khu vực nguy hiểm.
Tại huyện Mai Châu, trưa 23/9, người dân phát hiện khu vực đồi luồng phía sau nhà một số hộ dân xóm Thanh Mai, xã Vạn Mai có điểm sạt lở đất vào nhà dân. Cơ quan chức năng kiểm tra khu vực đã phát hiện khu vực đồi phía sau nhà các hộ dân có nhiều vết nứt kéo dài. Trong đó, có một vết nứt gãy tạo ra cung sạt lở mới có chiều dài khoảng 120m, chiều rộng từ 40-70cm, độ sâu vết nứt có điểm lên đến 1,4m. Khoảng cách từ vết nứt đến hộ dân gần nhất khoảng 40m.
Cùng với đó, tại khu vực này cũng xuất hiện một số điểm sạt lở đất vào nhà các hộ dân. Vết nứt gãy và cung sạt trượt này trực tiếp ảnh hưởng đến 35 hộ với 135 nhân khẩu và có nguy cơ rất cao về sạt lở đất nguy hiểm trong điều kiện thời tiết tiếp tục mưa lớn kéo dài.
Sạt lở tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình (Ảnh: CANB).
Chính quyền huyện Mai Châu nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó, huy động công an, quân sự phối hợp với lực lượng tại chỗ tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ các hộ sơ tán ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm. Toàn bộ người dân ở trong khu vực ảnh hưởng có nguy cơ sạt lở cao đã được hỗ trợ di chuyển về nơi tránh trú an toàn.
Mưa lớn cũng đã gây ngập úng, sạt lở và nguy cơ sạt lở tại một số khu dân cư, tuyến đường trên địa bàn huyện Yên Thủy. Chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán 17 hộ dân tại các khu vực nguy cơ sạt lở cao, ngập úng đến khu vực an toàn, Tại xã Hữu Lợi có 5 hộ, xã Lạc Thịnh 3 hộ, xã Đoàn Kết 6 hộ, xã Ngọc Lương 1 hộ, xã Lạc Lương 2 hộ.
Cùng với việc di chuyển người dân, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, chính quyền các địa phương nơi di dời các hộ dân khẩn cấp đã bố trí lực lượng canh gác, bảo vệ tài sản, hàng hóa cho nhân dân. Tuyệt đối không cho người dân quay về nhà và không cho người, phương tiện qua lại khu vực cảnh báo mất an toàn.
Chưa biết ngày được về nhà
Nhiều hộ dân có nhà nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao ở Hòa Bình nhiều ngày qua phải sống cảnh ở nhờ nhà người thân, trụ sở, nhà văn hóa… chưa biết đến bao giờ mới được trở về nhà.
Người dân di dời tài sản đến nơi tránh trú an toàn (Ảnh: Thanh Bình).
Tại các địa điểm người dân sống tạm, chính quyền địa phương hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống… MTTQ tỉnh Hòa Bình cũng thăm hỏi hỗ trợ nhu yếu phẩm, tiền để người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Sống cảnh ở nhờ nhiều ngày, nhà cửa nguy cơ sạt lở mất trắng tài sản khiến nhiều hộ dân không khỏi thấp thỏm lo âu. Đa số người dân mong muốn chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục khu vực nguy cơ sạt lở để người dân sớm trở về nhà ổn định đời sống.
Trong tình huống nguy hiểm không thể tiếp tục ở lại nhà và khu vực nguy cơ sạt lở gây sập nhà, người dân mong mỏi được sớm tái định cư đến nơi ở mới an toàn hơn.
“Đồi sau nhà nứt toác, các hộ dân chúng tôi phải nhanh chóng di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Không ai dám ở lại trong nhà vì biết đến các vụ sạt lở ở Lào Cai, Yên Bái chết nhiều người, ai cũng lo sợ. Chúng tôi mong sao sớm qua những ngày khó khăn này để ổn định cuộc sống lâu dài”, một người dân ở TP Hòa Bình nói.
Tại nơi ở tạm, người dân được an toàn tính mạng, tài sản được bảo vệ, tuy nhiên đời sống sinh hoạt bị đảo lộn. Vì thế, mọi người đều mong muốn thời tiết không còn diễn biến bất thường, cơ quan chức năng sớm có đánh giá tình hình sạt lở, để chính quyền địa phương sớm có quyết sách giúp người dân “an cư lạc nghiệp”.
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho biết, trước mắt việc đảm bảo tính mạng của nhân dân là trên hết. Diễn biến của thời tiết rất bất thường, các địa phương không chủ quan lơ là, nhất là với tính mạng của người dân.
Các biện pháp di dời dân, không cho người dân trở về nhà khi chưa đảm bảo an toàn, bảo vệ tài sản của người dân tuyệt đối… được chính quyền các cấp ở Hòa Bình chỉ đạo quyết liệt, các lực lượng chức năng thực hiện cứng rắn. Vì thế, chưa có thiệt hại lớn do thiếu chủ quan xảy ra.
Được biết, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ngập sâu.
Người dân ở Hòa Bình thấp thỏm lo âu vì sạt lở đất (Ảnh: Thanh Bình).
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình yêu cầu các địa phương chủ động bố trí lực lượng, phương tiện kiên quyết di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, đặc biệt các vị trí sạt lở mới xuất hiện, các vị trí sạt lở tiếp tục mở rộng.
UBND tỉnh Hòa Bình đã trích từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2024 để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình cũng đã trích trên 500 triệu đồng từ nguồn cứu trợ và 11,7 tấn gạo để hỗ trợ các nạn nhân tử vong và bị thương, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Ảnh hưởng do cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 8 người chết. Trong đó, 4 người chết do bị sạt lở, vùi lấp đất tại huyện Đà Bắc; 2 người chết do sạt lở đất vào nhà tại huyện Kim Bôi và 2 học sinh bị lũ cuốn tử vong.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/nguy-co-sat-lo-do-sap-nha-nguoi-dan-o-hoa-binh-thap-thom-canh-o-nho-20240925101713934.htm